Grammy 2013 có giải vây được cho nền âm nhạc Mỹ?

10/02/2013 09:40 GMT+7 | Âm nhạc

(lienminhbng.org) - Trước thềm Lễ trao giải âm nhạc uy tín nhất hàng năm, giải Grammy 2013, nền âm nhạc quyền lực nhất thế giới đứng trước “ngã ba đường”: các cựu binh trở lại và được chào đón nồng nhiệt, các ngôi sao đương thời liên tục gặp rắc rối với pháp luật và cả một… Gangnam Style bất ngờ đến từ Hàn Quốc.

Cuộc chiến giữa jazz và hip-hop

Nếu lấy sự trở lại của các cựu binh thì hóa ra làng nhạc Mỹ đang cổ súy cho những giá trị cũ và rằng, tre đã già hết đi mà măng vẫn chửa mọc. Vậy chẳng lẽ tôn vinh hình ảnh bê tha của những ngôi sao đương thời, Soulja Boy bị bắt vì say rượu và mang vũ khí, Kanye West ra tòa liên quan tới việc kiện tụng bản quyền…?

Thực tế thì “cuộc chiến” của hai phe này đã bắt đầu khai hỏa khi Grammy 2011 hạ màn, giữa jazz và hip-hop, giữa jazzist Esperanza Spalding (người đoạt giải Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất - Best New Artist) và Justin Bieber (người bị loại). Lúc ấy, cả báo chí, và fan, đã chia thành hai nửa xem ai mới thật sự là người xứng đáng đoạt giải thưởng này của Grammy. Tờ Eonline còn mở mục trưng cầu ý kiến bạn đọc. Và cuối cùng kết quả hoàn toàn bất ngờ: Esperanza Spalding là người xứng đáng nhất. Eonline bình luận Esperanza Spalding là một nghệ sĩ nhạc jazz, chơi contrebass và hát nhẹ nhàng như hơi thở. Cô ấy từng hát ở Nhà Trắng, từng chơi nhạc trong đêm trao giải Nobel Hòa bình. Spalding được tờ New Yorker tôn vinh như một nghệ sĩ hiếm gặp. Còn thêm 2 lý do nữa: Esperanza Spalding là giọng ca nữ, hát jazz cực giỏi lại chơi nhạc hay thần sầu mà điều này thì rất hiếm gặp, kể cả trong địa hạt jazz. Thứ hai, khi Spalding chơi nhạc thì cô ấy không chơi theo kiểu solo riêng mà có thêm các cộng sự, nhạc công,… trong khi Justin thì chỉ có mình cậu ấy thôi. Grammy luôn thích tôn vinh cá nhân có gắn liền với tập thể.

Adele, ca sĩ thành công nhất 2012

Việc tôn vinh Esperanza Spalding tại Grammy 2011 đã kéo theo một xu hướng âm nhạc mới vào năm 2012 mà ai cũng thấy người đại diện xuất sắc nhất chính là Adele. Tại Grammy năm ngoái, chính Adele là người đoạt nhiều giải Grammy quan trọng nhất và tên tuổi cô giờ trở thành một thuơng hiệu quan trọng bậc nhất của âm nhạc. Ngay đĩa đơn Skyfall phát hành mới đây (ca khúc mà Adele viết và hát cho bộ phim cùng tên) đã bán gần 100 nghìn bản chỉ trong vòng 2 ngày. Bất cứ điều gì Adele chạm vào cũng được đón nhận.

Năm 2012 Viện Hàn lâm âm nhạc Mỹ lại cảnh báo xu hướng hip-hop hóa toàn bộ nền âm nhạc phổ thông Mỹ. Đưa Esperanza Spalding hay Adele lên dường như đồng nghĩa với việc Grammy tôn vinh luôn những giá trị cũ. Thông điệp này hẳn sẽ có ý nghĩa tích cực khi một năm qua nhìn lại, những giải thưởng âm nhạc đình đám đều chỉ khơi gợi được một phía, chiều lòng dư luận mà ít tạo ra được những bản lề vững chắc. Chuyện này làm nhớ lại cũng ít nhất 2 lần trong vòng gần một thập kỷ qua Grammy đưa những tên tuổi cựu trào của R&B và jazz như Ray Charles, Herbie Hancock lên ngôi cao nhất, chỉ để xác định lại đường hướng phát triển của thị trường ca nhạc, tuy nhiên những cái tên này dường như vẫn chưa đủ uy lực để hạn chế cơn bành trướng của hip-hop. Cũng cần biết thêm là Grammy 2013 sắp tới, lần đầu tiên Justin Bieber vắng mặt từ vòng đề cử cho dù 2012 đánh dấu sự thành công của Justin từ sân khấu đến cả hậu trường tình ái.

Sự thành công kiểu ăn may của Gangnam Style càng làm cho âm nhạc nước Mỹ đi dần vào bế tắc - tờ Gurdian

Năm nào người ta cũng bàn về hip-hop và hầu như năm nào truyền thông Mỹ cũng chia hai nửa để phân định. Một nửa mặc vest quý phái đứng lên đòi quyền công bằng cho những dòng nhạc khác và nửa còn lại đòi cổ súy mạnh mẽ hơn cho hip-hop và lợi nhuận khủng khiếp mà dòng nhạc này đem lại cho giới kinh doanh âm nhạc. Nhà báo Spencer Kornhaber của tờ The Atlantic cho rằng hip-hop ngày càng điên khùng, bạo lực tràn lan trong ca từ. Tờ Villagevoice cho rằng âm nhạc 2012 là rất đáng chán bởi chẳng có gì để nghe, đặc biệt là hip-hop.

Nữ hoàng thống trị thế giới

Tờ Rolling Stones từng đưa ra một câu hỏi rằng: “Nếu Lady Gaga không nổi tiếng?”; và họ tự trả lời nếu không có Lady Gaga thì sẽ chẳng bao giờ có ai đi dự một lễ trao giải như Grammy trong bộ dạng của quả trứng khổng lồ, không ai đến MTV Awards với cả tảng thịt sống lên người. Tờ Atlantic mới đây khi bàn về những xu hướng mới trong âm nhạc, đã giật tít Girls Really Do Run The World (Phái nữ thật sự thống lĩnh thế giới). Hàng tít này dựa trên bài “hit” của Beyonce Knowles, Run The World (Girls), như một minh chứng rằng âm nhạc đã nghiêng cán cân về phái nữ. Trong năm qua, hàng loạt những cái tên đình đám nhất đều thuộc về nữ ca sĩ. Từ Beyonce Knowles, Adele, Lady Gaga, Carly Rae Jepsen cho đến Katty Perry, Rihanna, Taylor Swift, Jessie J… Mỗi người một phong cách nhưng tất cả sẽ vẫn cùng nhau thống trị thế giới âm nhạc.

Nhóm Rolling Stone tái hợp để kỉ niệm 50 năm thành lập. Năm 2012 họ được xem là tiêu biểu nhất trong sự trở lại của các cựu binh

Tờ 987ampradio dự đoán trong 10 album nổi nhất trong 2013 sẽ có ít nhất 5 album của các nàng ca sĩ sẽ là “hot” nhất. Từ ArtPop của Lady Gaga, cho đến những album chưa công bố tên của Selena Gomez, Jessie J, Mariah Carey… Tạp chí Hitfix công bố một thống kê chưa đầy đủ rằng mỗi năm có tới 20.000 album được phát hành trong những thị trường âm nhạc phát triển và lượng tiêu thụ lớn nhất vẫn là giới nữ bất chấp thời gian gần đây các cựu binh trở lại và làm được nhiều việc đáng nể trọng.

Sự trở lại của các cựu binh là một tín hiệu tốt cho thị trường âm nhạc đang bị bão hòa. Tờ Vanity Fair gọi họ là chỗ dựa vững chắc cho thế hệ trẻ noi theo nhưng không nên xem đó là tin mừng bởi âm nhạc vẫn cần vào sức trẻ. Sự trở lại của những Bruce Springsteen (mà tờ Rolling Stones dự đoán sẽ làm nên chuyện tại Grammy sắp tới), Paul McCartney, Rolling Stones, Rod Stewart… báo hiệu một xu hướng trở lại nhiều hơn vào năm sau của những giọng ca một thời đình đám.

Nghệ sĩ độc lập “cứu nguy” thế giới?

Tờ Villagevoice sau khi chê bai 2012 là năm âm nhạc đáng chán thì vẫn đưa ra một tín hiệu tích cực. Họ cho rằng tia sáng duy nhất chính là những nghệ sĩ độc lập. Năm 2012 một lần nữa chứng minh sự lớn mạnh của những nghệ sĩ độc lập (indie artist) khi họ nhận được sự nể trọng của giới chuyên môn và các hãng đĩa đại gia cũng bắt đầu lo lắng cho sự phát triển của mô hình độc lập: từ sản xuất, thu âm, phát hành. Tại Grammy năm ngoái, chính các vị hàn lâm của Grammy đã trao giải quan trọng nhất cho việc định hướng, Best New Artist (Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất), cho Bon Iver, một trong những tên tuổi độc lập nổi bật nhất hiện nay.

Tờ The Independent của Anh nói rằng “những gì chúng ta có thể học hỏi được từ các xu hướng âm nhạc trong năm qua và những năm tới chính là đường đi của các nghệ sĩ độc lập. Khi họ xuất hiện lần đầu chẳng khác nào một cuộc biểu tình quy mô nhỏ đòi quyền lợi và sự chú ý rồi dần dà họ biến thành một tổ chức và sau đó trở thành một xu hướng và xu hướng này càng về sau càng mang tính bản lề. Âm nhạc của họ không nhàm chán, âm nhạc của họ không sợ ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, dòng chảy của họ còn dày hơn cả chính thống”.

Cần biết rằng ca khúc nổi nhất trên bảng xếp hạng Billboard năm 2012, Somebody That I Used To Know, lại đến từ một nghệ sĩ độc lập, Gotye. Ca khúc này nổi đình đám khắp nơi và ở Việt Nam nó cũng được liên tục yêu cầu phát đi phát lại trên các kênh truyền hình âm nhạc. Ca khúc này bất ngờ chạm được đến vị trí cao nhất của bảng xếp hạng Billboard hot 100, đưa tên tuổi của Gotye trở thành người Úc đầu tiên đạt được vị trí này. Sau đó, Gotyetiếp tục đạt được 5 giải thưởng của ARIA Music Awards (giải thưởng của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Úc) và được đề cử tại giải MTV EMA cho hạng mục ca khúc hay nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tờ tài chính International Bussiness Times, trong bài viết hiếm hoi về âm nhạc đã đánh giá 2012 nên tôn vinh những nghệ sĩ độc lập bởi “họ đã tạo lối đi mới và lối đi này sẽ còn được trải dài trong những năm tới”. Những nhóm nhạc Dirty Projectors, Grizzly Bear hay Beach House cùng với những album gây được tiếng vang lớn trong năm qua thật sự đã rất nổi trên thị trường chính thống. Những cái tên khác như Sharon Van Etten, Ariel Pink, Tame Impala, Japandroids, The Men, Cloud Nothings… theo IBT là “đã tạo nên những đột phá lớn và họ sẽ làm được nhiều điều đáng kể hơn trong năm 2013”.

Tờ Gurdian nói rằng 2012 có nhiều chuyện để nói trong âm nhạc, về mọi thứ, tươi sáng có, trầm tối cũng có. Nhưng những câu chuyện kiểu Gangnam Style chỉ là một sự ăn may và rằng không nên xem đó là một kỳ tích của 2012. Sự thành công của Gangnam Style càng làm cho âm nhạc nước Mỹ đi dần vào bế tắc hơn.

Grammy 2013 đang đến gần (lễ công bố và trao giải vào trung tuần tháng 2) và lần này người ta chờ xem các vị hàn lâm sẽ chọn ai để gửi vàng, để những bế tắc sẽ được giải vây.

Cung Tuy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm