02/07/2014 20:05 GMT+7 | Vòng 1/8
Hàng công
Tất nhiên, mỗi HLV ở cấp độ này đều có những quan điểm riêng của họ, kể cả trong cách dùng người lẫn những ý đồ chiến thuật, mà người ngoài cuộc khó có thể hiểu hết được. Tuy nhiên, cũng có những điều mà người ta vẫn buộc phải đặt dấu hỏi.
Việc chơi với “số 9” ảo không hề mới, khi Tây Ban Nha sáng tạo ra ý tưởng này tại Euro 2012, nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử tham dự các giải đấu lớn mà đội tuyển Đức không dùng một tiền đạo thực thụ, dù trong danh sách của họ vẫn có tên Miroslav Klose. Cách chơi này dễ khiến đối thủ bối rối bởi hàng phòng ngự của họ không có một mục tiêu cụ thể để “chăm sóc”. Thế nhưng, để làm được điều đó, cần phải vận hành lối chơi một cách lưu loát như những gì Tây Ban Nha đã thể hiện trên hành trình chinh phục chiếc cúp châu Âu vào năm 2012. Trong trường hợp ngược lại, “ảo” mà “thật” như đội tuyển Đức tại World Cup lần này, thì kẻ bối rối lại là chính mình.
Chín bàn thắng trong 4 trận đấu là một hiệu suất không tồi nếu xét đến chất lượng của một giải đấu tầm cỡ như World Cup. Thế nhưng, ngoài chiến thắng dễ dàng trước một Bồ Đào Nha đã buông xuôi, hàng công của Đức luôn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm bàn thắng ở 3 trận tiếp theo. Trong đó, đáng kể nhất là sự sa sút của Mesut Oezil dù anh vừa ghi được bàn thắng vào lưới Algeria.
Mặt khác, việc cứ mải miết câu bóng bổng vào khu vực 16m50 của đối thủ như ở trận gặp Algeria chỉ càng cho thấy sự bế tắc của “Mannschaft”. Hay đó chính là kế giương Đông kích Tây của HLV Loew, khiến hàng phòng ngự của “Cáo sa mạc” phải dạt ra hai cánh nhằm ngăn chặn những cú tạt để rồi tạo ra tình huống ghi bàn bằng những cú xẻ nách hoặc phối hợp đánh trung lộ? Chẳng biết!
Hàng thủ
Hàng công như vậy mà hàng thủ lại không ổn khi không hiểu tại sao HLV Loew lại có sở thích sử dụng toàn trung vệ. Hay nói một cách chính xác hơn là ông thích sử dụng những hậu vệ đa năng như Jerome Boateng, Benedikt Hoewedes và Shkodran Mustafi cho hai cánh. Thế nên, qua 4 trận đấu, hai hậu vệ cánh như Kevin Grosskreutz và Erik Durm chưa một lần được xuất trận trong lúc Philipp Lahm được đôn lên chơi ở vai trò tiền vệ phòng ngự, đẩy Sami Khedira lên băng ghế dự bị trong trường hợp Bastian Schweinsteiger có đủ sức khỏe để ra sân.
Sự không chuyên biệt đó đôi khi lại gây bối rối, mà việc đội tuyển Đức chỉ giữ sạch lưới trong hai trận cũng đủ để nói lên điều đó. Hoặc như trong trận đấu với Algeria, sức mạnh từng giúp Hoewedes và Mustafi chơi tốt ở vai trò trung vệ cũng chẳng giúp ích gì cho họ trong những cuộc đua tốc độ với Faouzi Ghoulam và Sofiane Feghouli trên hai cánh.
Thế nhưng, hành động mạo hiểm nhất là các trung vệ Per Mertesacker và Jerome Boateng lại buộc thủ môn Neuer phải chơi như một hậu vệ quét. Trong trận gặp Algeria, anh đã phải liên tục băng ra khỏi khu vực 16m50 để cản phá bóng trong chân của các tiền đạo đối phương.
May mắn là Neuer đều thành công.
Tuy nhiên, xét cho cùng, nguyên nhân dẫn đến những bất ổn của đội tuyển Đức có thể là do các cầu thủ của họ không có đủ thể lực và tốc độ cần thiết trong lúc tình trạng sức khỏe của một số nhân vật chủ chốt lại không bảo đảm. Do vậy, chắc chắn “Mannschaft” sẽ còn gặp nhiều khó khăn nữa mà một đội tuyển Pháp sung sức đang chờ đợi họ tại Rio De Janeiro. Thật đáng lo!
Nam Khang
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất