28/08/2020 07:00 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Mấy ngày qua, cư dân mạng tỏ ra rất thích thú khi chế các tấm ảnh của ngôi sao Leo Messi về khoác áo các CLB ở V-League, thậm chí cả các đội bóng phủi. Đã đành CĐV bóng đá xứ mình vốn rất thích đùa, lại đùa dai... nhưng chuyện siêu sao Argentina về đá V-League, có ý nào đó... chẳng đùa!
Nếu dùng một phép đối chiếu lịch sử, thì Messi hoàn toàn có thế gia nhập một đội bóng ở Việt Nam... miễn chi đủ! Ví như nhà vô địch thế giới Denilson từng chơi cho Hải Phòng, mà Leo thì thậm chí còn chưa một lần vô địch World Cup.
Rồi trong quá khứ và cả hiện tại, không hiếm các ngôi sao hàng đầu thế giới túc cầu, tìm đến các nền bóng đá thấp hơn, không chỉ để dưỡng già. Iniesta đang chơi bóng tại Nhật Bản, trong khi Anelka đã và đang là HLV kiêm cầu thủ ở giải Ấn Độ trong nhiều năm qua. Cũng như Denilson, 2 cầu thủ này đều từng vô địch thế giới cùng các đội tuyển Tây Ban Nha và Pháp.
Xa hơn, thì "voi rừng" Didier Drogba từng đến Trung Quốc, ngay ở thời đỉnh cao, tựa như các đồng đội của anh ở Chelsea là Oscar và Ramires... Messi, sẽ bước qua tuổi 34 vào năm sau, nếu đến Việt Nam chơi bóng, cũng đâu có gì lạ. Nhiều năm trước, có tin bầu Hiển từng muốn đưa cả Ruud van Nistelrooy, Guti và Deco về CLB Hà Nội đấy thây.
"không đùa" ở đây là nếu Messi gia nhập một đội bóng nào đó ở V-League, thì anh có thể thay đổi được điều gì không? E là cũng như hàng ngàn ngoại binh từng đến Việt Nam đá thuê trong lịch sử 20 năm tuổi của giải đấu, Leo cũng không làm nên trò trống gì.
Một tiết lộ mới đây với Thể thao & Văn hóa, của nhà môi giới Nguyễn Minh Châu, trung bình một ngoại binh chơi bóng khoảng 10 năm tại Việt Nam, có thể bỏ túi 30-50 tỷ đồng. Sao số có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng, cho các khoản lương, thưởng, lót tay và cả phí nhập tịch. Bậc trung như Phan Lê Issac cũng có giá hơn 30 tỷ đồng, nói gì cỡ Philani hay Kesley Huỳnh Alves, Gaston Merlo, Gonzalo hay Samson...
Trong 20 năm tuổi của V-League, với trung bình 14 CLB/mùa giải, chúng ta ký hợp đồng và trả lương liên tục cho khoảng hơn 1 ngàn cầu thủ người nước ngoài, chưa kể đội ngũ thử việc. Dòng tiền bóng đá chảy ra ngoại quốc, với riêng việc chi cho các ngoại binh đó, ước tính có thể mua bao nhiêu Leo Messi?!
Nhưng cũng trong nhiều năm, V-League bị xem là giải đấu rất lười thay đổi, cải tiến và tự nâng cấp. Phân ra 2 giai đoạn, có thể lấy việc thành lập VPF (2012), để thầu lại các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia ngót 10 năm qua, đặng làm cột mốc, thì có thể thấy không biến chuyển nhiều. Vẫn là thứ rượu cũ và bình cũng cũ luôn. Tính cạnh tranh giảm, chất lượng chuyên môn giảm và sức hút trên các khán đài cũng giảm nốt.
Nỗ lực cải thiện khâu hình ảnh, ít nhất là vấn đề truyền hình - truyền thanh các trận đấu đến gần hơn với người xem, nó thuộc về cách mạng truyền thông, thời đại công nghệ nhiều hơn, thay vì công lao của nhà tổ chức. Bởi ngay lúc này, các CLB vẫn chưa thu được bản quyền truyền hình.
"Phản ứng phụ" kèm theo, với giai đoạn mạng xã hội bùng nổ, nó còn vô tình tố cáo rất nhiều điểm yếu - tồn tại, rõ nhất là đội ngũ trọng tài (điều hành giải), khâu tổ chức và bản thân các CLB, cầu thủ. Một bộ phận đáng kể đã và đang hoạt động trong địa hạt bóng đá, thậm chí còn không nắm được luật, không chịu cập nhật luật, khiến tranh cãi xảy ra liên miên.
Vì rất nhiều những không theo kịp thời đại ấy, không chỉ Leo Messi, mà ngay cả những cầu thủ quốc tế làng nhàng cũng sẽ không chọn Việt Nam làm điểm đến. Cạnh chúng ta, Thái Lan hay Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hấp dẫn hơn nhiều. Xa hơn là các nước Trung Đông, khối Ả Rập...
Nhắc lại, năm 2007, người Thái đã quyết định đập đổ Thai League không hợp thời, để thay bằng bản Thai Premier League cho đến bây giờ. Nó bắt đầu bằng một ý tưởng, kế đó là một chiến lược phát triển giải đấu vạch ra và được thực hiện ráo riết. Họ thuê công thức của giải Ngoại hạng Anh, thuê cả người điều hành và vận hành người nước ngoài (Singapore). Từ 10 năm qua, cầu thủ Thái Lan đã rút khỏi Việt Nam và chuyển hướng qua Nhật, Hàn.
Trong khi Thai Premier League đã và đang bay vào tốp đầu những giải đấu chất lượng, đáng xem bậc nhất châu Á, trước dịch Covid-19, thì V-League vẫn đang rất băn khoăn. Các mô hình học từ Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí cả Âu châu, từ lâu đã không thể áp dụng và hiện nằm đâu đó trên mấy cái kệ của các nhà quản lý. Nguồn ngoại lực và chất xám ngoại lực rất quan trọng, nhưng dùng như thế nào để tiền không mất, tật không mang kìa.
Một Leo Messi, chứ đến 10 Leo Messi nếu đến Việt Nam, cũng chỉ tạo được một cơn sốt bóng đá ngắn ngày!
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất