Ca Huế được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

15/06/2015 18:00 GMT+7 | Di sản

(lienminhbng.org) - Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ca Huế vừa được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng tiêu biểu, đặc sắc mà ở đấy, văn chương, âm nhạc hòa quyện làm một, tạo nên một vẻ đẹp thơ mộng mà tinh tế, dân gian mà bác học.

Ca Huế đã có hơn ba thế kỷ hình thành và phát triển trên mảnh đất Thuận Hóa - Phú Xuân (Thừa Thiên - Huế hiện nay). Trong cái nôi của vùng văn hóa Huế vốn rất đặc thù, ca Huế là thú chơi tao nhã của các văn nhân tài tử, là loại hình nghệ thuật diễn xướng đặc sắc. Ca Huế đang ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn, không chỉ trên sông Hương, mà ca Huế còn được trình diễn ngay cả trong các thính phòng, khách sạn tại Huế.

Để nâng cao chất lượng ca Huế phục vụ khách du lịch, tỉnh Thừa Thiên - Huế quy định, mỗi chương trình ca Huế phải dài ít nhất 60 phút trở lên (không kể phần dịch ra tiếng nước ngoài đối với các buổi biểu diễn dành cho khách người nước ngoài); phải có tối thiểu 3 nhạc cụ trong các loại thập lục, tỳ bà, nhị, nguyệt, bầu, sáo; phải có tối thiểu 7 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đơn; 8 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đôi, các loại thuyền du lịch khác và ca Huế thính phòng tại các khách sạn, nhà hàng... Các quy định về hoạt động biểu diễn và tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế trên sông Hương, nhằm khắc phục tình trạng lộn xộn, chèo kéo khách và bớt xén chương trình, từng bước nâng cao chất lượng bộ môn nghệ thuật này phục vụ khách du lịch.

Hiện tại ngoài 4 đơn vị của Nhà nước được phép tổ chức các tour ca Huế trên sông (Nhà văn hóa Huế, Câu lạc bộ ca Huế, Đoàn ca kịch Huế và Đoàn nghệ thuật truyền thống Huế), thì còn rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp tư nhân... có thuyền rồng, thuyền phụng chưa có giấy phép vẫn tham gia vào dịch vụ này. Việc làm này gây nên tình trạng một số diễn viên, nhạc công chưa được đào tạo bài bản vẫn tham gia biểu diễn, làm giản chất lượng và uy tín của bộ môn ca Huế trên sông; tình trạng tranh giành, nài ép du khách mua các sản phẩm băng đĩa vẫn còn tiếp diễn.

Gần đây, Sở Văn hoá, Thể thao và du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành mở các chương trình bồi dưỡng nội dung, thẩm định và cấp phép cho gần 500 nghệ sĩ, nhạc công tham gia biểu diễn ca Huế. Những nghệ sĩ này có người đang hoạt động tại Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, giáo viên và sinh viên của Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh và cả những người không hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp khác.

Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã quy định mức thù lao cho các nghệ sĩ, nhạc công tham gia biểu diễn ca Huế tối thiểu là 150 nghìn đồng/người/suất diễn; tổ chức, cá nhân nào nâng giá tuỳ tiện sẽ bị tước giấy phép...

Quốc Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm