02/01/2022 22:53 GMT+7 | Tin tức 24h
(lienminhbng.org) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Thanh Hoá: Phát hiện thêm nhiều ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa: Tính từ 16 giờ, ngày 1-1 đến 16 giờ, ngày 2-1, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 117 bệnh nhân mắc COVID-19 mới.
Cụ thể, 34 bệnh nhân phát hiện trong cộng đồng gồm: TP Thanh Hóa 15 (Phú Sơn 3, Quảng Thịnh 1, Đông Sơn 6, Nam Ngạn 1, Quảng Thành 1, An Hưng 1, Long Anh 1, Đông Hương 1); huyện Thiệu Hóa 2 (Thiệu Trung 1, Thiệu Chính 1); thị xã Nghi Sơn 12 (Hải Bình 5, Hải Châu 1, Hải Ninh 3, Ngọc Lĩnh 2, Tân Trường 1); huyện Thạch Thành 2 (Vân Du 1, Thành Trực 1); huyện Nông Cống 3 (Trường Sơn 3).
83 bệnh nhân đang được cách ly theo quy định gồm: Huyện Quảng Xương 7 (Quảng Trạch 3, Quảng Lưu 3, Quảng Chính 1); huyện Nông Cống 16 (Thị trấn Nông Cống 5, Trường Sơn 5, Công Chính 2, Công Liêm 2, Minh Khôi 1, Thăng Long 1); huyện Triệu Sơn 3 (Hợp Lý 1, Đồng Tiến 1, Hợp Thắng 1); TP Sầm Sơn 3 (Quảng Tiến 2, Quảng Hùng 1); huyện Lang Chánh 1 (Thị trấn Lang Chánh); huyện Cẩm Thủy 8 (Cẩm Vân 2, Cẩm Long 2, Cẩm Giang 2, Cẩm Châu 2); huyện Thiệu Hóa 5 (Thiệu Nguyên); huyện Thạch Thành 3 (Thạch Bình 1, Thành Công 1, Thành Long 1); huyện Thường Xuân 1 (Xuân Thắng); huyện Nga Sơn 4 (Nga Điền 1, Nga Thạch 1, Nga Thủy 1, Thị trấn Nga Sơn 1); huyện Ngọc Lặc 2 (Ngọc Liên 1, Phúc Thịnh 1); TP Thanh Hóa 6 (Đông Sơn 1, An Hưng 1, Hàm Rồng 1, Ngọc Trạo 1, Trường Thi 1, Đông Tân 1); huyện Bá Thước 8 (Hạ Trung 4, Điền Quang 1, Cành Nàng 1, Ái Thượng 1, Văn Nho 1); huyện Hoằng Hóa 5 (Hoằng Thắng 1, Hoằng Phong 1, Hoằng Trạch 2, Hoằng Đức 1); huyện Như Xuân 1 (Hóa Qùy); huyện Hà Trung 6 (Hà Đông 1, Thị trấn Hà Trung 1, Hà Long 1, Hà Sơn 1, Hà Tiến 1, Yến Sơn 1); thị xã Bỉm Sơn 2 (Ngọc Trạo 1, Ba Đình 1); huyện Yên Định 2 (Yên Thọ 1, Định Hải 1).
Tính từ ngày 27-4-2021 đến nay, Thanh Hoá ghi nhận 8.437 bệnh nhân COVID-19 cộng dồn; 5.465 người điều trị khỏi được ra viện; 16 bệnh nhân tử vong.
Công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19: Toàn tỉnh đã tiếp nhận 4.993.360 liều vắc xin phòng COVID-19. Tỷ lệ bao phủ mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 99,04%; tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ mũi đạt 91,93%; trẻ từ 12- dưới18 tuổi tiêm mũi 1 đạt tỷ lệ 94.7% trẻ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ 30,9%.
Trong 24 giờ qua đã thực hiện xét nghiệm bằng RT-PCR 599 mẫu tại các đơn vị y tế trong tỉnh.
Hải Dương vượt ngưỡng 3.000 ca, một địa phương ở Quảng Ninh cho học sinh dừng đến trường
Hôm nay là ngày thứ 2 của năm 2022 nhưng dịch COVID-19 tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương vẫn đang có diễn biến phức tạp, trong ngày ở 2 địa phương này ghi nhận nhiều ca bệnh mới.
Tại tỉnh Hải Dương có 211 trường hợp mắc mới, trong đó 164 bệnh nhân đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong số những ca mắc nói trên, có 167 trường hợp F1, 22 bệnh nhân ho sốt cộng đồng, 7 trường hợp sàng lọc cộng đồng, 1 trường hợp là nhân viên y tế và 14 ca về từ các tỉnh khác.
Đáng chú ý trong số 8 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố có ca mắc trong ngày thì huyện Cẩm Giàng, Bình Giang có số ca mắc cao nhất. Đối với huyện Bình Giang ghi nhận 48 ca mắc; trong đó, 1 ca ho sốt cộng đồng, 5 trường hợp sàng lọc cộng đồng, 42 trường hợp F1 và tại 4 ổ dịch Công ty May Hải Anh 1, thị trấn Kẻ Sặt, K-Cafe, xã Vĩnh Hồng đều có bệnh nhân mới.
Tại huyện Cẩm Giàng ghi nhận 55 ca mắc, trong đó ổ dịch công ty Brother - KCN Phúc Điền có 44 trường hợp; ngoài ra huyện này có 3 ho sốt cộng đồng, 1 sàng lọc cộng đồng…
Cũng theo ngành Y tế Hải Dương, từ 12/10/2021 đến 16h chiều nay (2/1/2022), toàn tỉnh đã ghi nhận 3.176 ca bệnh mắc COVID-19. Riêng hôm nay, địa phương này có 54 bệnh nhân khỏi bệnh và xuất viện, 1502 trường hợp đang điều trị và 10.761 trường hợp F1 cách ly tập trung.
Tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), từ 4/12/2021 đến nay, trên địa bàn đã ghi nhận trên 600 ca mắc COVID-19, trong đó có đến 50% trường hợp mắc tại cộng đồng với nhiều nguồn lây khác nhau. Do đó kể từ 0h ngày 3/1/2022, thị xã Quảng Ninh cho tạm dừng nhiều hoạt động.
Cụ thể: Các dịch vụ văn hóa, thể thao; các điểm vui chơi, các điểm giải trí, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp, spa, dịch vụ internet trò chơi điện tử. Các khu điểm du lịch không đón khách tham quan; các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo chỉ thực hiện nghi thức tôn giáo nội bộ.
Các hàng, quán ăn, cafe, giải khát không phục vụ tại chỗ, chỉ được bán hàng mang đi. Thực hiện test nhanh tầm soát, thường xuyên, hàng ngày đối với các hộ tiểu thương, kinh doanh và những người mua hàng tại các chợ, siêu thị trên địa bàn.
Dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người. Không tập trung quá 10 người tại một khu vực trong cùng thời điểm ở công viên, các điểm công cộng, đường phố, ngoài trụ sở, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở y tế. Tạm dừng việc học tập trung, triển khai học trực tuyến đối với các trường học, cơ sở giáo dục đến khi có thông báo mới….
Hà Nam ghi nhận hơn 2.500 ca mắc trong đợt dịch mới
Đợt dịch mới bùng phát tại Hà Nam được đánh giá khá nghiêm trọng, lan rộng ra tất cả địa bàn các huyện, thị, thành phố với 2.576 ca mắc COVID-19.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, trong ngày 2/1 trên địa bàn ghi nhận 85 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Đa phần các ca mắc mới đều là trường hợp F1 chuyển thành F0 liên quan đến ổ dịch tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn.
Luỹ kế trong đợt dịch mới từ ngày 19/9 đến nay, Hà Nam ghi nhận 2.576 ca mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp mã. Hiện toàn tỉnh còn 3.021 trường hợp F1 đang cách ly y tế (134 người cách ly tập trung và 2.887 người cách ly tại nhà).
Dự báo tình hình dịch COVID-19 trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trong dịp Tết Dương Lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong các khu công nghiệp, trường học..., bà Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo các cấp, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương, đơn vị quán triệt, tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc, nhất quán, hiệu quả các biện pháp, giải pháp tại văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, tiếp tục thực hiện 3 trụ cột trong phòng, chống dịch đó là "cách ly, xét nghiệm, điều trị" và công thức "5K + vaccine + thuốc điều trị + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác".
UBND tỉnh Hà Nam tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính gồm: Xây dựng kịch bản để ứng phó với biến thể mới Omicron; bổ sung kịch bản, phương án ứng phó với dịch ở mức cao hơn, sẵn sàng đáp ứng với các tình huống, không để bị động, bất ngờ; khẩn trương bổ sung thuốc điều trị COVD-19 cho các địa phương, chuẩn bị sẵn sàng, cấp thuốc kịp thời cho người bệnh. Cùng với đó, rà soát, kiểm tra trang thiết bị vật tư y tế, nguồn nhân lực y tế để bảo đảm phục vụ phòng, chống dịch trong mọi tình huống, kể cả khi dịch phức tạp hơn, trong đó, lưu ý đảm bảo oxy y tế phục vụ điều trị với phương châm 4 tại chỗ.
Tăng cường năng lực để chủ động điều trị người mắc COVID-19; triển khai khoa học, hiệu quả việc quản lý, thực hiện điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở, tại nhà, có sự hỗ trợ, giám sát chặt chẽ của cán bộ y tế, cán bộ cơ sở, Tổ an toàn COVID cộng đồng...
Các địa phương thành lập các tổ tiêm vaccine lưu động đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, không để sót các trường hợp thuộc diện phải tiêm, nhất là nhóm nguy cơ phải tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ. Hoàn thành tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022, phấn đấu trong tháng 1/2022 tiêm mũi tăng cường đạt 60% người đủ điều kiện tiêm chủng.
Quản lý, giám sát chặt chẽ người từ vùng dịch, từ địa phương có nguy cơ cao, người nhập cảnh đến/về địa phương và chủ động rà soát, quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn...
Tăng cường phòng, chống dịch trong các khu, cụm công nghiệp, hướng dẫn các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp bổ sung kế hoạch, phương án phòng, chống dịch trong điều kiện bình thường mới...
Hà Nội lại lập đỉnh ca mắc mới; thêm 3 quận, huyện chuyển 'vùng cam' nguy cơ cao
Ngày 2/1 đánh dấu ca mắc COVID-19 kỷ lục ở Hà Nội với 2.045 người nhiễm, 555 ca cộng đồng, riêng 3 quận/huyện mới chuyển "vùng cam" là Thanh Xuân, Thanh Trì, Gia Lâm có hơn 510 ca.
Tối 2/1, Sở Y tế Hà Nội thông báo 24 giờ qua TP ghi nhận 2.045 ca bệnh trong đó có 555 ca cộng đồng, 1.462 ca tại khu cách ly và 28 ca tại khu phong tỏa.
Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (232); Thanh Xuân (227); Thanh Trì (225); Gia Lâm (163); Hoàn Kiếm (148); Ba Đình (147); Hoàng Mai (132). Trong số này, quận Thanh Xuân, Thanh Trì, Gia Lâm là 3 địa phương mới chuyển lên "vùng cam" theo thông báo cấp độ dịch của Hà Nội từ 31/12.
Từ 12h ngày mai, 3/1, quận Thanh Xuân sẽ siết các hoạt động như các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được phép bán mang về, đóng cửa trước 21h00 hàng ngày. Cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm; Tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh khối 12 các trường THPT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
2.045 ca COVID-19 mới ghi nhận ở Hà Nội phân bố tại 326 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó 555 ca cộng đồng ghi nhận tại 191 xã, phường thuộc 29/30 quận, huyện.
Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Gia Lâm (78); Hoàng Mai (65); Thanh Trì (64); Đông Anh (36); Long Biên (35); Sóc Sơn (33).
Cả nước có 16.948 ca COVID-19 mới, Hà Nội lần đầu vượt mốc 2.000 ca
Bản tin dịch COVID-19 của Bộ Y tế ngày 2/1 cho biết có 16.948 ca mắc COVID-19 tại 63 tỉnh, thành phố; Hà Nội lần đầu vượt mốc 2.000 ca/ ngày; Trong ngày có hơn 14.400 ca khỏi; 221 trường hợp tử vong.
Thông tin các ca mắc COVID-19 mới tại Việt Nam
- Tính từ 16h ngày 01/01 đến 16h ngày 02/01, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.948 ca nhiễm mới, trong đó 34 ca nhập cảnh và 16.914 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.092 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 11.948 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (2.045), Hải Phòng (1.804), Vĩnh Long (1.280), Tây Ninh (946), Bình Phước (782), Khánh Hòa (780), Cà Mau (619), Bình Định (576), Hải Dương (545), Bạc Liêu (464), Trà Vinh (452), Bắc Ninh (403), TP. Hồ Chí Minh (384), Thừa Thiên Huế (350), Cần Thơ (293), Lâm Đồng (240), An Giang (235), Hưng Yên (223), Quảng Ninh (219), Đà Nẵng (202), Đắk Lắk (185), Hậu Giang (184), Sóc Trăng (171), Kiên Giang (169), Nghệ An (162), Hà Giang (148), Hòa Bình (147), Gia Lai (146), Bình Dương (145), Quảng Trị (143), Lạng Sơn (141), Đồng Tháp (140), Đồng Nai (139), Quảng Nam (127), Bến Tre (120), Phú Yên (119), Thanh Hóa (117), Tiền Giang (115), Quảng Ngãi (112), Đắk Nông (105), Ninh Bình (99), Nam Định (93), Vĩnh Phúc (92), Bắc Giang (90), Hà Nam (85), Thái Nguyên (80), Bà Rịa - Vũng Tàu (72), Thái Bình (69), Phú Thọ (65), Quảng Bình (55), Kon Tum (54), Long An (51), Sơn La (50), Ninh Thuận (49), Cao Bằng (46), Lào Cai (41), Bắc Kạn (39), Tuyên Quang (24), Bình Thuận (22), Điện Biên (21), Yên Bái (20), Lai Châu (11), Hà Tĩnh (9).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đồng Tháp (-265), Bình Thuậ (-189), Hồ Chí Minh (-185).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (+1.688), Hải Dương (+545), Hà Nội (+297).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 15.479 ca/ngày.
- Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 20 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP. Hồ Chí Minh (5).
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.763.040 ca nhiễm, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 17.878 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.757.254 ca, trong đó có 1.369.879 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (504.197), Bình Dương (290.921), Đồng Nai (98.060), Tây Ninh (77.002), Hà Nội (49.631).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 14.420 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.372.696 ca
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.746 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.771 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 988 ca
- Thở máy không xâm lấn: 148 ca
- Thở máy xâm lấn: 815 ca
- ECMO: 24 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Từ 17h30 ngày 01/01 đến 17h30 ngày 02/01 ghi nhận 221 ca tử vong tại:
+ Tại TP. Hồ Chí Minh (30) trong đó có 4 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Vĩnh Long (1), Cần Thơ (1).
+ Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (41 ca trong 02 ngày), An Giang (17), Vĩnh Long (16), Đồng Tháp (15), Cần Thơ (15), Tiền Giang (11), Hậu Giang (9), Tây Ninh (8 ), Hà Nội (8 ), Sóc Trăng (7), Bình Dương (7), Kiên Giang (7), Bà Rịa - Vũng Tàu (6), Khánh Hoà (5), Bạc Liêu (4), Bình Thuận (3), Cà Mau (3), Nam Định (2), Trà Vinh (2), Nghệ An (1), Đắk Lắk (1), Hà Giang (1), Gia Lai (1), Long An (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 224 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 32.831 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 30.497.557 mẫu tương đương 75.084.610 lượt người, tăng 83.487 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Trong ngày 01/01 có 592.352 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 152.818.575 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.716.536 liều, tiêm mũi 2 là 69.065.759 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 6.036.280 liều.
Việt Nam ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 20 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), Thành phố Hồ Chí Minh (5).
Ngày 31/12, Bộ Y tế có Công điện 2308/CĐ-BYT gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Nam; Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Hãng hàng không Bamboo Airline về việc điều tra, xử lý ổ dịch.
Để tiếp tục triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch lây lan ra cộng đồng; Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia) điện và đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố: Quảng Nam, Đà Nẵng, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Hãng hàng không Bamboo Airways chỉ đạo triển khai ngay việc tiếp tục mở rộng điều tra dịch tễ, thông báo cho các địa phương liên quan để phối hợp truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan với các bệnh nhân. Đồng thời thực hiện cách ly y tế kịp thời các trường hợp F1 và đảm bảo không để lọt các trường hợp tiếp xúc gần. Lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nguy cơ (bao gồm: người cùng trên xe đưa đón; nhân viên phục vụ tại khách sạn, tiếp viên hàng không, nhân viên phục vụ mặt đất; người tiếp xúc gần,...) tiến hành xét nghiệm khẳng định và trả lời kết quả nhanh nhất để triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Trước đó, ngày 19/12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một trường hợp là hành khách trên chuyến bay QH9028 từ Anh về Việt Nam. Khi về đến sân bay Nội Bài (tối 19/12/2021), hành khách có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Hành khách được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly cho ca nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và được cách ly tại phòng riêng tại khu vực nhà lưu trú. Khoa Sinh học phân tử của Bệnh viện đã thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả dương tính. Sau hai lần lẫy mẫu, giải trình tự, kết quả cho thấy bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron (B.1.1.529).
Hiện, bệnh nhân được cách ly tại phòng riêng biệt và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng, nguy cơ thấp.
Liên quan đến 5 ca mắc COVID-19 thuộc biến chủng Omicron nhập cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Sở Y tế Thành phố cho biết cả 5 ca đều không có triệu chứng và khỏi bệnh sau một thời gian ngắn. Năm người này nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 20-25/12/2021, được cách ly tập trung ngay khi nhập cảnh. Kết quả xét nghiệm đều dương tính với SARS-CoV-2. Mẫu xét nghiệm sau đó được chuyển Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh giải trình tự gene, và được xác định nhiễm biến thể Omicron ngày 31/12/2021. Hiện. tình trạng sức khỏe của 5 bệnh nhân này đều ổn định, và đã có kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính chỉ sau 5-7 ngày. Hơn 300 hành khách đi chung trên các chuyến bay đều được cách ly theo quy định và đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
Số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng cao
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Long, liên tục 3 ngày qua, tỉnh ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao hơn 1.000 ca. Cụ thể, ngày 31/12/2021, tỉnh ghi nhận 1.080 ca mắc mới, ngày 1/1/2022 ghi nhận 1.223 ca và từ 18 giờ ngày 1/1 đến 7 giờ 2/1 ghi nhận 1.046 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đa số các ca mắc được phát hiện thông qua khám sàng lọc tại cộng đồng, cơ sở y tế và các khu phong tỏa.
Tính từ đầu đợt dịch COVID-19 thứ 4 (27/4/2021) đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Long ghi nhận hơn 33.400 ca mắc COVID-19, trong đó ngành Y tế đã điều trị khỏi hơn 19.800 người, có 365 trường hợp tử vong. Hiện nay, tỉnh đang điều trị cho hơn 2.600 bệnh nhân tại các cơ sở điều trị tập trung và điều trị tại nhà cho hơn 10.000 bệnh nhân.
Vĩnh Long vừa công bố cấp độ dịch trên địa bàn ở cấp độ 3 (nguy cơ cao). Trong đó, toàn tỉnh có 8 huyện, thị xã, thành phố ở cấp độ 3 (nguy cơ cao); 12 xã ở cấp độ 2 (nguy cơ), 59 xã ở cấp độ 3 (nguy cơ cao), 36 xã ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao).
Tính đến ngày 2/1, toàn tỉnh có hơn 99,9% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1, hơn 97,3 % dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 2, có hơn 54.300 người được tiêm mũi nhắc lại và hơn 32.100 người tiêm mũi bổ sung. Đối với trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, toàn tỉnh có hơn 99,3% dân số trong độ tuổi được tiêm mũi 1 và hơn 94% dân số trong độ tuổi được tiêm mũi 2.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Văn Công Minh, hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp, đồng thời cũng bước vào giai đoạn nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, nguy cơ dịch tiếp tục lây lan rất cao. Trước tình hình này, ngành Y tế đã tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, hạn chế tập trung đông người, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán.
Trước sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron tại Việt Nam, ngành cũng chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở chủ động rà soát, quản lý chặt địa bàn để phát hiện người về từ các nước đang có ca nhiễm biến chủng mới Omicron để đưa vào cơ sở cách ly tập trung, hạn chế lây lan trong cộng đồng.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cho biết, những ngày qua số ca tử vong trên địa bàn tăng cao ở nhóm người bệnh từ 50 tuổi trở lên kèm bệnh lý nền, nguyên nhân một phần do tâm lý chủ quan cho rằng người lớn tuổi không đi đâu nên ít bị mắc bệnh, một số trường hợp ngại tiêm vaccine. Hiện nay, ngành Y tế tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc tự bảo vệ sức khỏe của bản thân, đồng thời tăng cường các đội y tế lưu động rà soát, nắm số lượng người dân chưa được tiêm vaccine để triển khai tiêm vét, tiêm tận nhà cho người dân. Mục tiêu của tỉnh là sớm đạt miễn dịch cộng đồng, vì thế tất cả người dân trong độ tuổi sẽ đều được tiêm vaccine, chỉ trừ trường hợp chống chỉ định tiêm.
Ngành y tế tỉnh cũng tích cực phối hợp với các địa phương củng cố hệ thống y tế cơ sở, phát huy hiệu quả trong việc giám sát ca mắc, thực hiện cách ly và điều trị F0 tại nhà; tập trung chuẩn bị hậu cần, sẵn sàng các phương án ứng phó với tình hình dịch có nguy cơ tiếp tục phức tạp trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, ngành đã liên hệ các nhà sản xuất tìm nguồn dự trù cung cấp lượng oxy đảm bảo phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, khẩn trương đề xuất Bộ Y tế tăng cường nguồn thuốc kháng virus, huy động nguồn lực để cung ứng các loại thuốc phục vụ điều trị người bệnh COVID-19 tại nhà nhằm giúp người bệnh được tiếp cận các loại thuốc kịp thời, hạn chế tình trạng chuyển nặng và tử vong.
Bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên phát hiện ở Việt Nam đã được ra viện
Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ngày 2/1 cho biết: Sau khi được phát hiện, cách ly, giám sát chặt chẽ và điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam đã được ra viện.
Cụ thể, sau 2 tuần theo dõi sức khỏe, bệnh nhân K.V.H.M không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, sinh hoạt bình thường và được xét nghiệm âm tính lần cuối ngày 1/1/2022. Ngày 2/1/2022, bệnh nhân đủ điều kiện ra viện theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trước đó, ngày 19/12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận hành khách K.V.H.M trên chuyến bay từ Anh về Việt Nam. Khi đến sân bay Nội Bài người này có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó, người này được xét nghiệm PCR khẳng định có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngay sau đó, bằng công nghệ hiện đại, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành giải trình tự gene khẳng định bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron. Bệnh nhân được cách ly tại khu cách ly riêng biệt của Bệnh viện và theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt, đảm bảo không lây nhiễm cho cộng đồng, an toàn cho công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện.
Sau khi bệnh nhân ra viện, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp tục phối hợp với gia đình theo dõi và quản lý sức khỏe của bệnh nhân tại gia đình, đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Đồng thời, Bệnh viện khuyến cáo người dân nên tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế, thực hiện “5K + tiêm vaccine”, đặc biệt lưu ý đối với nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh lý nền…
Trước diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch COVID-19, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Bệnh viện chủ động kiểm soát các diễn biến của dịch bệnh, đảm bảo phòng chống dịch, thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bộ đội, nhân dân. Đây cũng là mục tiêu kép mà Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chú trọng triển khai trong thời gian qua, xứng đáng là bệnh viện tầm chiến lược, tuyến cuối toàn quân, bệnh viện hạng đặc biệt quốc gia...
62 tỉnh, thành phố đều có ca mắc mới
Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 31/12/2021 đến 16 giờ ngày 1/1/2022, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.835 ca mắc mới, trong đó 13 ca nhập cảnh và 14.822 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.654 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố; có 9.628 ca trong cộng đồng.
Trong nhiều ngày qua, Hà Nội liên tục là địa phương đứng đầu cả nước với số ca mắc cao. Riêng ngày 1/1, Hà Nội vẫn có số ca mắc cao nhất (1.748 ca), tiếp đến là Vĩnh Long (1.223 ca), Tây Ninh (947 ca), Khánh Hòa (785 ca), Bình Phước (728 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (569 ca), Trà Vinh (563 ca), Bình Định (521 ca), Cà Mau (498 ca), Đồng Tháp (405 ca)...
Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.232 ca/ngày.
Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 20 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1 ca), Quảng Nam (14 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (5 ca).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 1.740.340 ca, trong đó có 1.355.459 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 2.990 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.358.276 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.304 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 4.375 ca; thở ô xy dòng cao; HFNC: 994 ca; thở máy không xâm lấn: 136 ca; thở máy xâm lấn: 780 ca; ECMO: 19 ca.
Ngày 1/1/2022, cả nước ghi nhận 216 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 32.610 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca mắc.
Trong ngày 31/12 có 1.254.064 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 152.201.656 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.665.634 liều, tiêm mũi 2 là 68.820.229 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 5.715.793 liều.
Thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa việc tiêm vaccine phòng COVID-19
Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 9629/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Công văn nêu rõ, để tăng cường thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có nhiệm vụ bảo đảm về số lượng vaccine và tiến độ tiêm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo rà soát, cập nhật thường xuyên để kịp thời có giải pháp phù hợp bảo đảm số lượng vaccine đủ tiêm cho các lứa tuổi theo tiến độ được giao; trực tiếp chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương, Bộ Y tế tiến hành ngay các thủ tục cần thiết theo quy định để mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành Công văn 9656/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo họp với chuyên gia, phối hợp lực lượng y tế, quân đội để thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa việc tiêm vaccine phòng COVID-19, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; có kế hoạch truyền thông thật tốt về việc vaccine Pfizer được gia hạn. Đồng thời, báo cáo cụ thể vaccine tiêm và nhận trong tháng 1/2022, kế hoạch bảo đảm đủ vaccine để tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên để hoàn thành mũi 3 trong quý I/2022, bảo đảm mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu các thông tin liên quan đến các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.
*Hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 đảm bảo tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên; rà soát không bỏ sót đối tượng tiêm chủng và tổ chức tiêm vét cho tất cả người dân có đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ liều vaccine.
Đồng thời, Bộ tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này; chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, UBND Thành phố vừa cập nhật kết quả đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn. Đến tối 31/12, dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh duy trì cấp độ 2. Trong số 22 địa bàn cấp quận, huyện, có 16 đơn vị đạt cấp độ 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), 6 địa phương đạt cấp độ 2 (màu vàng - nguy cơ trung bình) và không có địa phương nào ở cấp độ 3.
Tại thành phố Hà Nội, đêm 31/12/2021, UBND thành phố ban hành Thông báo số 865/TB-UBND về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng) trong phòng, chống dịch COVID-19. Trong 30 quận, huyện, thị xã, có 2 huyện ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp, tương ứng với màu xanh); có 18 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2 và 10 quận, huyện ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, tương ứng với màu cam). Quận Đống Đa sau 3 tuần liên tục ở cấp độ 3 thì hiện tại đã xuống cấp độ 2, cửa hàng ăn uống quận Đống Đa được bán tại chỗ.
TP.HCM lấy mẫu test nhanh tất cả trường hợp nhập cảnh
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) vừa công bố kết quả giải trình tự gene ngày 31/12/2021 của các ca nhập cảnh dương tính với SARS-CoV-2, đang cách ly tại Thành phố, cho kết quả có 5 trường hợp nhiễm biến thể Omicron.
Theo hệ thống giám sát ca bệnh, 5 trường hợp này nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 20/12 đến 25/12. Tất cả các trường hợp được cách ly tập trung ngay khi nhập cảnh và được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Mẫu xét nghiệm được chuyển Viện Pasteur để thực hiện xét nghiệm giải trình tự gene. Ngày 31/12/2012, kết quả được thông báo là nhiễm biến thể Omicron.
Hiện, tình trạng sức khỏe của 5 trường hợp này đều ổn định và đã có kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính sau 5-7 ngày. 305 hành khách đi chung các chuyến bay có trường hợp nhiễm biến thể Omicron đều được cách ly theo quy định và đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
Ngay sau khi nhận kết quả giải trình tự gene, Thành phố đã tiếp tục thực hiện điều tra, truy vết các đối tượng liên quan theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công điện số 2308/CĐ-BYT ngày 31/12/2021, đồng thời triển khai ứng phó với biến thể Omicron theo kịch bản đã được chuẩn bị từ trước. Ngành Y tế Thành phố tiếp tục giám sát chặt các trường hợp nhập cảnh, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly theo quy định; tiến hành giải trình tự gene các trường hợp nhập cảnh mắc COVID-19.
Từ ngày 1/1/2022, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất lấy mẫu test nhanh tất cả trường hợp nhập cảnh. Dự kiến trong hôm nay, lực lượng y tế sẽ lấy mẫu hơn 250 người.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách HCDC cho biết: Lực lượng chức năng đang tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron, nhập cảnh qua đường hàng không, đường bộ, đường thủy; test nhanh hành khách trước khi lên và sau khi xuống máy bay, cách ly ngay đối với trường hợp nghi nhiễm. Hành khách xét nghiệm âm tính sẽ xử lý theo quy định nhập cảnh trong Công văn số 10688 của Bộ Y tế. Hành khách dương tính test nhanh thì sẽ cách ly theo quy định hiện hành.
PV/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất