(lienminhbng.org) -
Đội tuyển nữ Việt Nam đã thua đáng tiếc trong một trận đấu mà có lẽ áp lực sinh ra từ sự thất vọng dành cho bóng đá nam đã khiến họ không thể là chính mình. Nhưng đó cũng là kết quả không có gì phải phàn nàn: Chúng ta không đối xử với họ như Nữ hoàng thì cũng không thể mong ngôi hậu.Đội tuyển nữ Việt Nam đã vào chung kết mà gần như chẳng gặp trở ngại gì đáng kể. Hiệp một, bóng cũng hầu như chỉ lăn trên phần sân Thái Lan, đội đã mất rất nhiều sức sau 120 phút hiệp phụ (và cả 9 loạt penalty) ở bán kết với chủ nhà Myanmar. Cho đến khi Minh Nguyệt mở tỷ số, ít ai nghi ngờ khả năng chiến thắng của đoàn quân HLV Trần Vân Phát.
Nhưng sau khi Seeraum bất ngờ gỡ hòa cho Thái Lan từ một pha đỡ bóng chủ quan của Nguyễn Thị Nga thì đội tuyển Việt Nam có dấu hiệu bị tâm lý. Đó là cơ hội đầu tiên của Thái Lan trong trận. Sau đó là thẻ vàng dành cho Minh Nguyệt.
Sang đầu hiệp hai, thì một bàn thua nữa đã đẩy họ vào khó khăn thực sự. Đó là lần đầu tiên ở giải lần này, đội tuyển Việt Nam phải rượt đuổi tỷ số. Các cầu thủ càng có dấu hiệu bị ức chế hơn khi đối phương chơi rất rắn và sử dụng cả tiểu xảo để câu giờ.
Các cầu thủ đã không thể thắng được chính mình. Họ tổ chức tốt, và thực sự đã cầm trịch trận đấu, đẩy Thái Lan vào thế bị động trong suốt hiệp một. Nhưng một bàn thua đã thay đổi tất cả.
Đáng tiếc là khi VFF treo mức thưởng lớn chưa từng có (2 tỷ cho tấm HCV SEA Games 27), thì các cô gái Việt Nam lại không thể giành Vàng. Sự kỳ vọng lớn hơn bình thường, có thể vì sự thất vọng của bóng đá nam tại SEA Games lần này, thể hiện qua một tấm băng rôn sau thất bại của U23 Việt Nam trước Malaysia: “Chuyển xem chị em và chờ mấy em U19.”
Nhưng chức vô địch không đến dễ dàng như suy nghĩ của các CĐV. Các cầu thủ nữ (và cả nam nữa) đều có thể là nạn nhân của sức ép. Và trong một ngày bất kỳ, họ đều có thể vấp ngã vì sức ép.
Những thành tựu của bóng đá nữ nhiều năm qua thường đến trong bối cảnh họ gần như chẳng phải chịu áp lực gì. Mọi sự chú ý dồn sang bóng đá nam, và các CĐV chỉ nhớ đến đội tuyển nữ trong hai trường hợp: 1) Họ vô địch; 2) Cần một điểm tựa so sánh để chỉ trích, nếu đội tuyển nam gây thất vọng.
Trước giải, Nutifood tuyên bố tài trợ 6 tỷ cho đội tuyển nữ, một khoản tiền chưa từng có trong lịch sử Mạnh Thường Quân đối với bóng đá nữ. Nhưng “từ khóa” để các nhà tài trợ chi tiền ở đây không phải đội tuyển nữ, mà là “có cơ hội dự World Cup”.
Bóng đá nữ chịu phận bên lề nhiều năm và cho đến lần SEA Games này, khi phải chịu những áp lực chuyển sang từ sự thất vọng dành cho bóng đá nam, thì việc họ không còn là chính mình cũng là dễ hiểu. Chúng ta cũng không có quyền đòi hỏi nhiều hơn, nếu các CĐV chỉ yêu bóng đá nữ theo kiểu “khi vui thì vỗ tay vào”, và nếu các Mạnh Thường Quân chỉ chờ đến khi cửa đến World Cup của họ là sáng sủa mới giúp đỡ.
Ở đâu thì bóng đá nữ cũng chịu thiệt thòi hơn bóng đá nam, vì đó là thị hiếu không thể thay đổi, nhưng nếu chúng ta nói yêu đội tuyển nữ chỉ để so sánh mỗi khi bóng đá nam gây thất vọng, thì đó không hẳn là yêu. Nếu bóng đá nữ không có khán giả, không được dư luận quan tâm và xã hội hóa tốt hơn, thì ngay cả khi có vô địch SEA Games lần này, thì sau ánh hào quang của tấm huy chương vẫn không phải là thân phận của nữ hoàng thực sự.
Thưởng nóng cho các cầu thủ 1.000 USD
Anh Văn Trần Hoàn, đến từ Việt Nam cho biết, ngay sau khi trận đấu kết thúc, một số CĐV đã quyên góp tiền và thưởng nóng cho các tuyển thủ nữ. Anh Hoàng cho biết: "Các CĐV Myanmar rất tuyệt vời, tôi không ngờ họ lại cổ vũ nhiệt tình đến như vậy. Họ hò hét còn to hơn chúng tôi, thậm chí mượn cả cờ chạy khắp sân. Tuyệt vời nhất là đội trống và kèn. Họ chơi không mệt mỏi.
Với các cầu thủ, HCB không có vấn đề gì, vậy là được rồi. Chỉ tiếc các cầu thủ của chúng ta yếu quá, không đủ sức chạy đến cuối hiệp 2 và bỏ lỡ nhiều cơ hội, chuyền hỏng vì đuối sức. Thay mặt hội CĐV, chúng tôi xin chúc mừng các cầu thủ nữ và mong các em tiếp tục phấn đấu, đá vì Tổ quốc, vì tấm lòng của CĐV".
|
Phạm An
Thể thao & Văn hóa