02/04/2022 07:30 GMT+7 | Tin tức 24h
(lienminhbng.org) - Du lịch là niềm đam mê của nhiều người, bất kể là để giải trí hay kinh doanh. Ngay cả trong thời kỳ kinh tế suy thoái, khi doanh thu có thể giảm, lĩnh vực du lịch hiếm khi phải đối mặt với việc đóng cửa hoàn toàn các hoạt động, chưa nói đến việc kéo dài hàng tháng trời.
Nhưng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã tạo nên một tình huống chưa từng gặp đối với ngành du lịch toàn cầu và có lẽ đây là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch này.
Tuy vậy, dường như giai đoạn đại dịch cũng không hẳn là “lãng phí” đối với ngành du lịch, bởi chắc chắn rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã mang lại những bài học quan trọng mà ngành du lịch có thể rút ra từ đó.
Mặc dù các chuyên gia vẫn đang đánh giá mức độ thiệt hại mà đại dịch gây ra cho ngành du lịch toàn cầu, song ngành “công nghiệp không khói” này đang chuẩn bị cho sự hồi sinh.
Việc đưa ra kịch bản chính xác cho ngành du lịch trong thời kỳ hậu COVID-19 sẽ là chuyện không tưởng, nhưng một số xu hướng đã bắt đầu được các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực lữ hành áp dụng để xây dựng tương lai của ngành du lịch trong thời kỳ “bình thường mới”.
Dưới đây là một số xu hướng đáng chú ý đang nổi lên trong ngành du lịch toàn cầu:
Dịch vụ không chạm
Mới chỉ cách đây vài tháng trở về trước, các hoạt động trước khi khởi hành tại sân bay, chẳng hạn như mua sắm, ăn uống tại nhà hàng hoặc thậm chí chỉ là mua một thức uống gì đó, là điểm thu hút lớn nhất đối với hành khách chờ tới giờ bay. Nhượng quyền bán lẻ là một trong những nguồn thu lớn nhất của sân bay, chiếm gần 30% doanh thu phi hàng không.
Nhưng hiện nay, các hoạt động đó đã trở thành một điều xa xỉ. An toàn và vệ sinh là các vấn đề được hành khách ưu tiên hàng đầu. Do đó, các công ty đang nhanh chóng triển khai các công cụ kỹ thuật số như sinh trắc học, trí tuệ nhân tạo (AI) và quản lý danh tính kỹ thuật số để cung cấp dịch vụ tự phục vụ liền mạch, với sự tương tác tối thiểu của con người trong tất cả các quy trình.
Đây không hẳn là sự đổi mới, nhưng đại dịch đã đẩy nhanh việc áp dụng chúng trong ngành du lịch. Công nghệ đã được sử dụng để khách hàng đặt vé và làm thủ tục tại sân bay, và giờ các công ty đang hướng tới việc cung cấp dịch vụ không chạm cho mọi thứ liên quan đến du lịch.
Xác định lại cơ cấu
Với việc các hãng hàng không ngừng hoạt động đội bay của họ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc tạo ra doanh thu đã trở thành một thách thức đối với ngành du lịch và khách sạn. Điều này đã buộc họ phải tăng chi phí đặt vé và đặt chỗ, gây thiệt hại cho túi tiền của du khách.
Kết hợp với nhu cầu giãn cách xã hội gia tăng, du khách ngày càng hạn chế di chuyển bằng máy bay trong các chuyến du lịch. Tác động này cũng thể hiện rõ trong xu hướng đi công tác. Sự ra đời của các ứng dụng hội họp trực tuyến cũng khiến một phần nhu cầu đi công tác bị giảm bớt.
Do đó, các công ty đang ngày càng áp dụng việc phân tích dữ liệu để tối ưu hóa đội bay hoặc quỹ phòng trống của họ. Điều này cho phép các công ty sử dụng các nguồn lực theo nhu cầu.
Trong tương lai, một số hãng hàng không có thể xem xét việc giảm đội bay để duy trì lợi nhuận. Điều này có thể thúc đẩy sự hợp tác giữa những hãng hàng không quốc tế cung cấp dịch vụ bay đường dài và những hãng hàng không cung cấp những chuyến bay chặng ngắn trong nước.
Ưu tiên du lịch nội địa
Trước các lệnh hạn chế đi lại trên toàn thế giới, với một số quốc gia vẫn chưa mở cửa biên giới cho du khách, du lịch quốc tế đã bị đình trệ. Bên cạnh đó là giá vé máy bay và giá khách sạn tăng cao, các chuyến đi nội địa với chặng ngắn ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người đam mê du lịch.
Hành khách - dù để giải trí hay công tác - thường có xu hướng chọn các điểm đến trong nước để đảm bảo an toàn tối ưu giữa mùa dịch, đồng thời tránh các quy tắc kiểm dịch khác nhau giữa các quốc gia. Trong tương lai, xu hướng này dự kiến sẽ tạo ra nhu cầu về các kế hoạch du lịch theo khu vực, chẳng hạn như người châu Á đi du lịch trong châu Á, người châu Âu đi du lịch trong châu Âu...
Tăng cường linh hoạt
Một bài học quan trọng mà đại dịch COVID-19 đã mang lại cho chúng ta đó là sự linh hoạt. Ngành công nghiệp du lịch cũng không ngoại lệ. Sự linh hoạt sẽ cho phép lĩnh vực này thích ứng với những thay đổi của hoàn cảnh và đây có thể là sự khác biệt giữa những doanh nghiệp đã bị phá sản và những doanh nghiệp “sống sót” sau khủng hoảng.
Trong thời gian tới, khi các hãng hàng không dự kiến sẽ nới lỏng các quy định thông thường của họ đối với việc hủy, đổi lịch và hoàn tiền vé, thì các khách sạn cũng được dự đoán sẽ thực hiện theo bước đó để cải thiện trải nghiệm của người dùng./.
Không gian mở
Giãn cách xã hội là biện pháp cấp thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Do vậy, khi lựa chọn điểm đến, ngay cả khi đại dịch “dịu xuống”, du khách vẫn có xu hướng sẽ chọn không gian mở ngoài trời như bãi biển, rừng, công viên quốc gia, khu bảo tồn động vật hoang dã v.v..., nơi mà việc tuân thủ sự giãn cách xã hội sẽ dễ dàng hơn.
Do đó, các báo cáo cho thấy, gần 70% các khu cắm trại thiên nhiên, thể thao mạo hiểm, công viên quốc gia và bãi biển đã mở cửa trở lại cho khách du lịch, so với chỉ 50% không gian trong nhà như bảo tàng và di sản.
Những người kinh doanh khách sạn trong thời kỳ “bình thường mới” này cũng có xu hướng cung cấp các lựa chọn lưu trú hoặc kỳ nghỉ làm việc với Internet tốc độ cao và không gian làm việc thoải mái dành riêng cho những người muốn thoát khỏi sự nhàm chán khi phải làm việc tại nhà trong một thời gian dài.
Xu hướng đang nổi lên này dự kiến cũng sẽ tạo ra các dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu các đối tượng khách hàng muốn thay đổi không gian làm việc như vậy.
Minh Trang/TTXVN (Theo Infosys BPM)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất