Cấm phạm húy!!!

28/10/2014 08:45 GMT+7

(lienminhbng.org) - Người ta bàn luận rầm rầm chuyện cấm doanh nghiệp đặt tên “ăn theo” các danh nhân. Trăm năm đã qua kể từ khi các cụ mở phong trào Duy Tân tận đầu thế kỷ trước, khi các bậc túc nho đạo cao đức trọng, choáng ngợp trước sức mạnh khoa học công nghệ và hàng hóa tân kỳ của phương Tây, quyết vứt bút lông để dùng bút sắt, bỏ thi cử quan trường với “tiến sĩ giấy” để bước vào cuộc kinh doanh. Từ đó, các thương hiệu Việt ra đời âm thầm đi vào đời sống người dân Việt, cạnh tranh với hàng hóa Tây, Tàu tràn ngập.

Nhưng đến khi mở cửa, chắc vì nhu cầu giao dịch mà tên doanh nghiệp loạn cả lên, tây tàu ta lẫn lộn kiểu từ lôlôtica đến vuvuzela… Hoàn toàn vô nghĩa với người Việt.

Cấm thì cấm, nhưng mà thấy chuyện này nó cứ cũ kỹ làm sao. Xưa kia người ta lo phạm húy nên cấm nói đến tên riêng của bậc tôn trưởng mà lẽ ra phải kiêng. Các cụ chả kể mãi chuyện có người thi trượt vì bài thi phạm huý, vì chót bóng gió gì đến họ vua, danh chúa. Người có giỏi đến mấy cũng vứt đi, không bị xử tội còn là may.

Các cụ vẫn kể, ngày xưa, các gia đình có con cháu mới sinh sắm sửa cơi trầu, chai rượu, hương hoa, lễ vật đến nhà thờ họ yết cáo tiên tổ và vào sổ họ, ngày đó mới có tên húy chính thức, được họ hàng công nhận. Trong khi vào sổ họ phải đối chiếu gia phả để xem có trùng tên các vị tiên tổ hoặc ông bà chú bác trong nội thân hay không. Nếu có tức là phạm húy thì phải cấm tiệt. Chả thế, các cụ có uy vọng trong làng, trong họ thường được dân chúng biếu trầu rượu và nhờ đặt tên cho con.

Ngay cả hồi bà chủ sinh cậu con trai đầu lòng, cả nhà xảy ra cuộc tranh cãi nảy lửa trước khi ông chủ ra tư pháp phường “đăng ký thương hiệu” cho cậu quý tử.

Bà chủ thấy việc cấm tiệt doanh nghiệp “phạm húy” cũng có cái hay, chứ ông doanh nghiệp nào cũng Lý Thường Kiệt, Lê Thánh Tông thì giao dịch khó, nhầm lẫn thì nguy.

Mà chuyện nhầm lẫn tên hàng hóa giao dịch dễ xảy ra lắm. Chả nói đâu xa, ngày hôm qua trên bản tin thời sự, người ta tiêm nhầm nước cất thay vì vắc xin cho tận những 60 trẻ mầm non ở Đồng Tháp.

Rõ ràng người ta nói vắc xin sởi-rubella được đóng gói dạng bột đông khô, có màu vàng trắng kèm theo lọ dung dịch nước cất pha hồi chỉnh. Vắc xin đóng gói dưới dạng lọ thủy tinh 10 liều/lọ. Dung môi được đóng 5ml/lọ. Loại vắc xin do hãng Serum Institute của Ấn Độ sản xuất và cung ứng cho Việt Nam.

Tóm lại nó có nhãn mác, tên công ty, xuất xứ rõ ràng. Thế mà họ còn nhầm được. Chứ nếu các nhãn mác thuốc mà tên cứ na ná nhau thì nguy lắm. Cũng may, việc tiêm nước cũng như việc tiêm lại vắc xin sởi-rubella không ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu, chứ không thì… Bà chủ nghĩ đến vụ nhầm vắc xin với thuốc gây mê mà rùng mình.

Chắc người ta lo xa, nên cấm tiệt để vừa tránh phạm húy, vừa tránh nhầm lẫn.

Remote
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm