'Hoá thạch' để bảo tồn cầu Long Biên

11/03/2014 07:02 GMT+7 | Di sản


(lienminhbng.org) - Ba mô hình cây cầu Long Biên bọc trong lớp hổ phách nhân tạo trở thành tâm điểm chú ý trong triển lãm Hà Nội hóa thạch của họa sĩ Vương Văn Thạo chiều 10/3. Và, nhiều người coi đây là cách tác giả này bày tỏ quan điểm của mình trước cuộc tranh luận về bảo tồn cầu Long Biên trong thời gian vừa rồi.

1. Triển lãm được tổ chức tại Trung tâm văn hóa Italya (Hà Nội) trong thời gian từ 10 - 22/3. 16 tác phẩm tại đây đều được chọn từ những cuộc triển lãm của họa sĩ Vương Văn Thạo trong gần 10 năm qua.

Khởi phát ý tưởng từ năm 2004, họa sĩ này đã có hàng loạt triển lãm trong và ngoài nước về những tác phẩm của mình sau 10 năm. Vắn tắt, đó là những tạo hình về các kiến trúc đặc thù của Hà Nội, được bao bên ngoài bởi chất liệu tổng hợp trong suốt như màu hổ phách. Kèm thêm vào đó là những vết nứt, vết tạp chất..., được Văn Thạo chủ động tạo ra, khiến người xem có cảm giác tác phẩm của anh là những hóa thạch "y như thật" theo thời gian.


Phiên bản hóa thạch cầu Long Biên của họa sĩ Vương Văn Thạo đang bày tại Hà Nội

"Cái khó nhất là tìm ý tưởng. Còn, cái khó thứ nhì là việc để những tác phẩm này tạo ấn tượng mạnh với người xem. Chẳng hạn, các vết rạn nứt là ý tưởng về nét phôi pha của thời gian, đồng thời ánh sáng sẽ tạo hiệu ứng thị giác khi chiếu qua những khe nứt ấy" - họa sĩ kể.

Văn Thạo, 46 tuổi, tốt nghiệp đại học mỹ thuật và sống cạnh sông Hồng. Người Hà Nội, nên yêu Hà Nội và sáng tác về Hà Nội cũng là điều dễ hiểu. Nhưng đáng nói, anh không hào hứng với một Hà Nội đang biến đổi từng ngày cùng với dòng chảy đô thị hóa. Tất cả những "hóa thạch" của Thạo đều là hình ảnh của một Hà Nội cổ kính, xưa cũ, và rất nhiều kiến trúc trong số đó đã không còn giống với "nguyên mẫu" giữa Hà Nội bây giờ.

"Mọi người đùa là tôi hoài cổ, hoặc từ chối hiện đại hóa" - Văn Thạo nói - "Còn với mình, tôi chỉ muốn những độc giả đứng trước tác phẩm sẽ tự suy ngẫm về những giá trị mang tính lịch sử của thành phố. Khi ấy, mỗi người sẽ tự chọn một cách giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hóa đó, theo cách của  mình”.

2. Giữa những Quốc Tử Giám, chú Tễu, làng cổ, nhà cổ, cột điện… tại triển lãm, cầu Long Biên có hẳn 3 "phiên bản hóa thạch" khác nhau. Xếp cách quãng, 3 cây cầu "hóa thạch" này có hiệu ứng khá độc đáo khi đặt trước tầm nhìn của độc giả: cây cầu xa nhất cũng là cây cầu rõ nét và đậm màu nhất. Càng lại gần, hai cây cầu còn lại được tạo hình với những nét mờ ảo và có màu sắc nhạt nhòa, dù đặt ngay sát trước mặt người xem.

Có nghĩa, đây là cách nhìn "ngược" so với logic ngoài đời. "Tôi thực hiện tác phẩm này cách đây 5 năm và từng nhận giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Khi đó, tôi muốn lưu ý với người xem: cây cầu Long Biên theo thời gian rất có thể sẽ chìm dần và không còn nhận được sự quan tâm như nó cần có"- họa sĩ nói.

Theo lời họa sĩ, những kiến trúc Hà Nội cổ là bề nổi, để tải kèm theo nó hàng loạt giá trị đặc thù về văn hóa, phong tục, lối sống của mảnh đất văn hiến. Những giá trị ấy, như lời Văn Thạo, đã mất đi khá nhiều và càng dễ tạo cảm hứng cho một người hoài cổ như anh. Chẳng thế, vị họa sĩ này đã từng có ý tưởng khá lãng mạn: sẽ đổ hổ phách để "hóa thạch" cho một vài ngôi nhà cổ thật sự, biến chúng thành những bảo tàng ngoài trời độc đáo ngay giữa lòng Hà Nội.

Nặng lòng như thế, trong số hàng loạt giải thưởng Văn Thạo nhận về từng có giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) vào năm 2011.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm