23/09/2020 06:51 GMT+7
(lienminhbng.org) - “Cẩu lương” đang là một từ xuất hiện với tần suất không hề nhỏ trên mạng xã hội hay trong các phụ bản tiếng Việt những phim ngôn tình mà giới trẻ Việt Nam hiện nay đang háo hức theo dõi. Đây có phải là một từ mới mà giới trẻ "sành điệu" đang dùng?
“Cẩu lương”, một từ nghe vừa quen vừa lạ. Quen bởi nghe qua, ta biết ngay đây là một từ phiên âm Hán Việt. 狗粮 [gǒu liáng] là từ có 2 thành tố (cẩu: chó, lương: thóc gạo, thức ăn) có nghĩa là "thức ăn dành cho chó". Chao, mới nghe đã thấy có điều gì không ổn? Thức ăn mà lại là thức ăn cho chó có gì đáng lưu tâm đâu nhỉ? Ngày xưa, khi thóc cao gạo kém, người ta thường nói nhiều tới lương thực - cái cần thiết nhất để nuôi sống con người, chứ mấy ai quan tâm tới thức ăn cho súc vật (như trâu, bò, dê, ngựa, lợn, gà, chó...).
Nhưng cuộc sống, vốn thường xảy ra những chuyện lạ, những chuyện ngược đời. Và chính những chuyện đó lại trở thành chủ đề nóng, nhất là giới trẻ bây giờ, thuộc thời đại công nghệ phát triển. Tình yêu của họ cũng phải theo cho bắt kịp công nghệ số. Một sự kiện mới lạ, giật gân cũng có thể được lan truyền nhanh, mạnh với "tốc độ chóng mặt".
Dưới góc nhìn của ngôn ngữ học xã hội, đây là một từ phản ánh một hiện tượng xã hội, biểu hiện qua một từ lóng, có tên “cẩu lương”.
“Từ lóng” là một bộ phận cấu thành của “tiếng lóng” (slang). Tiếng lóng là "cách nói những từ ngữ riêng trong một tầng lớp hoặc một nhóm người nào đó, nhằm chỉ để cho trong nội bộ hiểu được với nhau mà thôi" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).
Tiếng lóng là một hình thức tồn tại của phương ngữ xã hội mà ở quốc gia nào cũng có. Bản thân tiếng lóng không phải là xấu. Nó chỉ xấu khi cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó sử dụng với mục đích không lành mạnh. Chẳng hạn các băng nhóm xã hội đen, các nhóm buôn lậu... thường sử dụng tiếng lóng hòng qua mặt các cơ quan bảo vệ pháp luật v.v…
Bây giờ, giới trẻ ở ta cũng rất hay sử dụng từ lóng. Họ dùng để nói chuyện cho vui và cũng có khi dùng để "qua mặt" người lớn (thầy cô, cha mẹ...). Chẳng hạn, các từ như “con nghẽo” (xe máy), “tiền bối” (bố mẹ), “gà tóc nâu” (bạn gái), “xe trâu” (bạn trai), máu khô (tiền dự trữ), chào cờ (bị làm kiểm điểm), bí kíp võ lâm (kinh nghiệm, mẹo vặt)... Từ lóng được hình thành "ký sinh" ngay trong lòng ngôn ngữ toàn dân. Nhưng từ lóng nhiều khi chẳng liên quan tới nghĩa gốc mà người ta chỉ mượn vỏ ngữ âm của từ để thể hiện một nội dung hoàn toàn khác.
Trở lại với “cẩu lương”, nó được giới trẻ Trung Quốc "lạ hóa", tức là cấp cho “cẩu lương” một nghĩa mới. Trong những show truyền hình, phim ảnh, truyện tranh hay thậm chí là những video TikTok người ta đều bắt gặp từ này. Không hiếm những phim ngôn tình "đắt khách" với giới trẻ như: “Nụ hôn của sói”, “Mộng Nam Kha”, “Lấy chồng bạc tỉ”, “Tại hạ không phải là nữ, Nhất sinh nhất thế tiểu hồng trần, Y lộ phong hoa... là cội nguồn sinh ra tiếng lóng, như “cẩu lương”.
Về phạm vi và ngữ nghĩa sử dụng, có thể nói, “cẩu lương” thể hiện mấy nét nghĩa: Thứ nhất, “cẩu lương” mang nghĩa bóng, ám chỉ "là hành động tình tứ của một cặp đôi nào đó khi nó thể hiện trước mặt một hay nhiều người độc thân và khiến họ phải cảm thấy ghen tị với cặp đôi đó". Không hiếm những video clip thể hiện những hành động thân mật "quá mức cần thiết" trong bối cảnh đang có ít nhất một người thứ ba bên cạnh. Những nam thanh nữ tú không ngại trao nhau những nụ hôn, những "va chạm nhạy cảm" và kèm theo những lời lẽ với sắc thái đượm mùi ngôn tình (lẳng lơ, ủy mị).
Thứ hai, “cẩu lương” được sử dụng để tạo nên một từ mới khác, diễn đạt một nội dung ngữ nghĩa theo hướng nghĩa mà chỉ những người đang sử dụng mới hiểu. Đó là các từ: Cẩu độc thân: Nói bông phèng, chỉ những người đang độc thân; ăn cẩu lương: Chỉ những người độc thân bất ngờ phải chứng kiến cảnh tình tứ của đôi trai gái; rắc/phát cẩu lương: Hành động cố ý của những đôi trai gái muốn người khác (thường là người độc thân) được "thưởng thức" hành động của họ (hành động có tính trêu ngươi, khiêu khích, kích động người khác); mua cẩu lương: Tự an ủi mình, giải khuây bằng việc xem những cảnh tình tứ v.v…
Giới trẻ Trung Quốc thường dùng từ "cẩu" (chó) để gọi đùa những người sống độc thân. Thế rồi, “cẩu lương” được dùng (hoán dụ và ẩn dụ), lấy hình ảnh chú chó ngồi nhìn chủ ăn một cách thèm thuồng nhưng bản thân lại không được ăn. Nó cũng giống như hình ảnh các cặp tình nhân đang thể hiện tình cảm mùi mẫn khiến cho người khác (nhất là những người độc thân) phải thèm thuồng, muốn “phát cẩu lương”, “rải cẩu lương”, “mua cẩu lương”...
Cũng từ câu chuyện chàng - nàng
Mà đem chú "cẩu" lang thang thế này.
PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất