Chữ và nghĩa: 'Bước qua xác tao'

05/08/2020 06:45 GMT+7

(lienminhbng.org) - “Bước qua xác tao” là một câu thành ngữ (hay là một quán ngữ?) chưa được thống kê trong các cuốn từ điển tiếng Việt. Nhưng tần số sử dụng có thể nói không hề ít trong giao tiếp từ xưa tới nay.

Chữ và nghĩa: 'Cha chết không lo bằng đỏ lò Tây Bắc'

Chữ và nghĩa: 'Cha chết không lo bằng đỏ lò Tây Bắc'

Đó là một câu tục ngữ có cấu trúc so sánh quen thuộc. Dân gian thường mượn cấu trúc “A chẳng (không) bằng B”. Ví dụ: “Vợ dại không hại bằng đũa vênh”, “Chồng đánh còn hơn gánh gồng”, “Chửi cha không bằng pha tiếng”...

Đây là một phát ngôn mà chủ thể luôn ở ngôi thứ nhất số ít. Và đây không chỉ là một câu nói bình thường. Bởi người thốt ra câu nói đó đã ở một hoàn cảnh hết sức đặc biệt “có một không hai”. Có thể nói là người đó đang ở một tình thế "một mất một còn" trước hiện thực vô cùng nghiệt ngã.

Đó chính là một "tuyên ngôn" đanh thép trước một sự tình có liên quan trực tiếp với người nói. Trong cuộc sống thiếu gì những nghịch cảnh như vậy. Chẳng hạn, ông bố nọ kiên quyết không đồng ý cho cô con gái rượu của mình lấy anh chàng mà ông không bao giờ chấp nhận, ông nói: “Mày nói với nó muốn làm rể nhà này thì hãy bước qua xác tao đã nhé!”.

Hay một anh chàng yêu "cuồng si" cô nàng nọ, nhưng nghe phong thanh có nhiều anh vẫn đang là "vệ tinh" tán tỉnh, anh phải ra tuyên bố "dằn mặt": “Tao đã yêu con Vy rồi đấy. Đứa nào mà còn định mon men đến nó thì phải bước qua xác thằng này nhé!”.

"Bước qua xác tao" thể hiện một thái độ, một sự lựa chọn trước một cách giải quyết mà người nói có vai trò quan trọng. Trong nhiểu khả năng có thể xảy ra trong hiện thực mà có một khả năng người đó không bao giờ chấp nhận (con gái lấy anh chàng mình không ưa...) thì câu thành ngữ trên để chuyển tải một ý chí sắt đá "ai khuyên cũng chẳng thay đổi". Mạng sống của mỗi người là cái quý nhất trên đời này. Vậy mà người ta sẵn sàng "đánh cược" bằng chính cái quý giá đó. Đúng là "lời thề tựa một nhát dao".

Chú thích ảnh
Tranh minh họa. Nguồn: Internet

“Bước qua xác tao” có tiền giả định: “Có ai đó định làm, hay cố tình làm một việc mà có thể gây nên hậu quả, hoặc chí ít cũng đe dọa nghiêm trọng tới thể diện của người khác”. Đấy là thông điệp trực diện. Nó làm người nghe phải hoảng hốt (và chùn tay) trước tình thế “Nếu cứ quyết định dấn thân thực hiện thì bi kịch sẽ xảy ra và lúc đó, mọi việc sẽ trở nên vô cùng tồi tệ”. Có ai cả gan dấn thân theo ý mình để nhìn thấy "cái chết" nhỡn tiền của một người (mà không có họ không được).

"Bước qua xác tao" có nghĩa là bước qua một trở ngại lớn tột cùng. (Cô gái nọ sẽ không vui vẻ gì khi ngày cưới của mình sẽ là ngày đại tang của gia đình - ông bố tuẫn tiết). "Bước qua xác tao" thực chất là sự khẳng định ý chí sẵn sàng "không còn gì để mất" của người nói. Và lúc đó, không biết là "ai sẽ bước qua xác ai?". Người nghe sẽ phải chấp nhận rủi ro lớn nhất nếu cứ quyết tâm hành động. Đạt được mục đích đâu chưa biết, song rất có thể người đó phải trả giá đắt (thậm chí bỏ mạng) trước tuyên bố quyết liệt của người nói.

“Bước qua xác tao” không khác gì một lời “tuyên chiến”. Bởi khi người ta lấy cái chết để bảo đảm cho quyết định của mình thì người đó chỉ còn một cách lựa chọn: Không chấp nhận hiện thực có khả năng xảy ra với bất cứ giá nào. Người nghe nào đó nhận thông điệp này phải chấp nhận một rủi ro, có thể nói là kết cục thảm khốc, nếu không cân nhắc để thay đổi ý định.

Xét cho cùng, tổ hợp “bước qua xác tao” khẳng định một thái độ, một ý chí, một lời nguyền. Chính vì vậy mà nó có ý nghĩa và giá trị lập luận cao. Câu nói bất hủ mà Trần Hưng Đạo nói với vua Trần Nhân Tông ngày xưa “Nếu bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu thần trước đã” cũng hàm ý tinh thần đó. Vua sẽ không bao giờ để một công thần (là Quốc công Tiết chế) có vai trò số một với triều đình, với đất nước phải chết. Vậy ông phải quyết định, không được phép do dự với ý chí “Sát Thát” (tiêu diệt giặc Nguyên) của toàn dân lúc đó.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm