Tuổi già trên sân, tuổi trẻ chết mòn trên ghế dự bị

11/09/2011 14:40 GMT+7 | Italy

(TT&VH Cuối tuần) - Đối với môn thể thao được ưa thích nhất ở Italia, chỉ chiến thắng là đáng kể. Đấy là lí do tại sao người ta chỉ biết trông cậy vào mỗi lứa cầu thủ ngày càng già nua mà gạt ra ngoài những cầu thủ trẻ trung phơi phới sức sống. Trong khi ấy, các nền bóng đá khác đều đang vươn lên mạnh mẽ nhờ những cầu thủ trẻ bỗng hóa thành người khổng lồ. Nhưng cũng có gì lạ đâu khi ở Italia có một thủ tướng đang bước sang tuổi 76, già nhất trong số nguyên thủ các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.

Một trong những vấn đề cốt tử khiến calcio thất bại trên đấu trường châu lục và suy yếu ở trong nước: Cầu thủ trẻ. Bằng chứng quá rõ ràng: Trong khi ở Serie A, Milan đoạt Scudetto bằng những người đã 30 tuổi, thì ở Đức, Borussia Dortmund đoạt Đĩa bạc với những cầu thủ có tuổi trung bình 24!

Davide Santon là cầu thủ trẻ người Italia nổi bật hiếm hoi ở Serie A - Ảnh Getty

Hãy bắt đầu cuộc điều tra bằng việc đề cập đến đỉnh của kim tự tháp bóng đá Italia, nơi mà tất cả các cuộc phiêu lưu của giấc mơ đều hướng tới: Scudetto. Mùa trước, đội đã đoạt Scudetto lại chính là đội bóng có tuổi trung bình cao nhất giải đấu, 28,8, và độ tuổi trung bình của đội hình chính ra sân “càn quét” các đối thủ cũng trên 30. Một dấu hiệu rất rõ cho thấy điều gì đang xảy ra trên các sân cỏ Italia: để cần chiến thắng, và nữa, để không thất bại, người ta cần kinh nghiệm, một từ rất hào nhoáng để che đậy 2 chữ “tuổi già”. Điều ấy như một căn bệnh lây nhiễm trong bóng đá Italia từ nhiều năm qua, làm dậy lên nhiều cuộc tranh cãi để rồi bây giờ, khi xu hướng thất bại của họ trên đấu trường châu Âu và chất lượng Serie A đang xuống thấp ngày càng nhức nhối, đã trở thành một trong những điều được lôi ra mổ xẻ nhiều nhất, và so sánh với các nền bóng đá khác.

Hôm 7/5/2011, khi đoạt Scudetto trên sân Olimpico ở Roma, Milan đưa ra đội hình có tuổi trung bình là 30,5. Cách đó mấy hôm, Barcelona đoạt chức vô địch Liga trên sân Valencia và sau đó không lâu chinh phục được chiếc Cúp Champions League ở London có tuổi trung bình là 26,5. Borussia Dortmund của HLV Jürgen Klopp đoạt danh hiệu vô địch Bundesliga bằng một thứ bóng đá đẹp mê hồn với đội hình có tuổi trung bình chỉ 24, một kỉ lục. Một đội hình dạng như Dortmund ấy rõ ràng là điều không thể nào chấp nhận được ở Italia, bởi theo quan niệm làm bóng đá của người Italia, một CLB phải có dăm ba tên tuổi lớn, kể cả đang hết thời, và không thể nào đặt niềm tin vào giới trẻ được. Lille đã vô địch giải Ligue 1 với đội hình ở tuổi 25. Leonardo, khi về làm Giám đốc thể thao cho PSG cũng chủ trương xây dựng một đội bóng trẻ trung. Trong khi đó, Auxerre và Rennes có đội hình trung bình chỉ 23 tuổi. Những điều ấy ở Italia là không thể chấp nhận được. Tóm lại, Milan là một dạng hoàn toàn trái ngược với Dortmund!

Demetrio Albertini, hiện là Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Italia (FIGC), khi ra sân lần đầu ở Serie A trong màu áo Milan mới chỉ 17 tuổi rưỡi. Bây giờ, ở tuổi 40, chịu trách nhiệm đào tạo trẻ của FIGC, anh bắt đầu nhìn thấy rất rõ vấn đề. Anh nói: “Chúng ta cần phải hành động, cần phải làm một điều gì đó. Hãy nhìn sang Tây Ban Nha mà xem. Các đội U-17, U-19 và U-20 của họ đều chơi tuyệt vời. Những cầu thủ ấy sẽ là nòng cốt cho đội tuyên Tây Ban Nha trong tương lai gần. Họ có quá nhiều tài năng trẻ”. Còn ở Italia có gì? Không gì hết. Các tài năng trẻ lúc nào cũng có. Nhưng họ chết dần mòn trên các băng ghế dự bị, hoặc kinh hơn, trên khán đài. Bức tranh rất rõ. Các cầu thủ trẻ dần biến mất ở Serie A, chẳng khác gì khán giả cũng đang rời bỏ các khán đài. Mùa trước, các cầu thủ chiếm 22,7% đội hình các CLB Serie A (167/733 người), nhưng trên thực tế, các cầu thủ trẻ được ra sân vẻn vẹn 439 lần trong số 10.365 lần ra sân của các cầu thủ toàn bộ Serie A (chỉ chiếm 4,2%). Italia cũng chẳng sản sinh ra các tài năng nữa. Brazil đang khủng hoảng ở cấp độ đội tuyển quốc gia, nhưng cũng vẫn có một đội U-20 vừa đoạt chức Vô địch thế giới ở hạng tuổi này. Italia chẳng có gì hết.

Milan, Napoli và Lazio là những CLB có tuổi trung bình cao nhất Serie A ở mùa trước (trên 28). Cả 3 đội bóng này đều tuyên bố họ tìm kiếm các cầu thủ trẻ để tiến hành trẻ hóa, nhưng trên thực tế, tất cả chỉ là lí thuyết. Roma (tuổi trung bình 27,1) có một đội trẻ rất tuyệt vời, nhưng chủ yếu, những cầu thủ ở đội đó được đem cho các CLB khác mượn. Một vài cầu thủ trong số đó được ở lại “đội lớn”, được sử dụng trong một chính sách dựa vào lớp trẻ, nhưng lại bị nghi ngờ về bản chất thực sự của nó: liệu có phải họ tin tưởng thực sự vào các cầu thủ trẻ, hay họ cần những người này trong đội hình để cắt giảm chi phí lương bổng có thể lên tới 100 triệu euro/năm? Palermo và Udinese là những đội thực sự tin tưởng vào lớp trẻ, với tuổi trung bình đội hình dưới 25. Cagliari, Fiorentina, Bologna và Parma cũng theo hướng này. Nhưng các cầu thủ trẻ cứ lên các đội bóng lớn là biến mất. Các cầu thủ trẻ thực sự thì bị đánh bật ra nước ngoài, còn những đội bóng tạo ra họ, thường là những CLB trung bình, thì bán họ cho những đội bóng hạng dưới. Tất cả đều muốn bắt chước mô hình Guardiola của Barcelona, muốn tạo ra những Guardiola mới, nhưng không ai dám nghĩ đến việc tin cậy hoàn toàn vào đội hình trẻ, và hầu như không bao giờ trao cho họ cơ hội tỏa sáng.

Trong bối cảnh ấy, các đội tuyển trẻ của Italia đã không còn giành bất cứ danh hiệu nào ở cấp độ châu lục và thế giới. Đội ngũ U-21 đoạt chức Vô địch châu Âu năm 2004 (với Pirlo là biểu tượng) giờ đã không còn những người kế thừa xứng đáng nữa, khi các chàng trai trẻ mới gây thất vọng lớn lao vì không giành quyền dự vòng chung kết Thế vận hội London 2012 ở môn bóng đá nam. Mỗi khi có trận đấu, Ciro Ferrara, huấn luyện viên mới của đội U-21, luôn phải triệu tập một đội hình gồm toàn những cầu thủ đang chơi ở Serie B và Lega Pro (Serie C cũ), hoặc những dự bị của dự bị ở các đội Serie A... Sự nguy hiểm nằm ở chỗ, trong khi đất Italia không còn là nơi dụng võ cho những cầu thủ trẻ, chưa nói gì đến việc đào tạo họ nên người, thì một giải đấu đang già đi thậm chí còn trở thành nơi nuôi nấng các tài năng trẻ người nước ngoài, với những chàng trai đến từ Nam Mỹ hay Ghana. Trong giải vô địch mới nhất của lứa trẻ Italia, có 130 cầu thủ dưới 21 tuổi là người nước ngoài được đưa ra sân. Quá trình tự hủy diệt tiếp theo của calcio đang bắt đầu...

Thư Anh

Đào tạo cả những tài năng ngoại

Inter, Milan, Juventus và Fiorentina từ một số năm gần đây đã bắt đầu chiến lược mới: đưa các cầu thủ trẻ tài năng từ khắp nơi trên thế giới về và đào tạo họ nên người, bổ sung vào đội hình 1 khi họ trưởng thành. Tất cả đều thèm muốn có được những Messi như Barcelona đã từng có và các đội tuyển trạch viên của họ đi khắp thế giới, gửi về Italia các thông báo, phân tích, nhận xét, đánh giá, các băng hình.

Udinese là một minh chứng rõ ràng vào việc một CLB phải làm thế nào để tìm kiếm cho được những ngôi sao ngoại quốc từ khi họ còn trẻ. Phương pháp của Udinese được cho là độc nhất ở châu Âu, khi ở phía dưới của các khán đài của SVĐ Friuli là những phòng làm việc được lắp đầy các màn hình tivi và các đầu thu băng kĩ thuật số. Mỗi ngày, các quan sát viên phải xem hàng chục trận đấu từ khắp nơi trên thế giới. Khi phát hiện ra một cầu thủ trẻ nào đó đáng chú ý, các quan sát viên liền gửi yêu cầu đến cho các tuyển trạch viên đang hoạt động gần đó đến “hiện trường” và trực tiếp theo dõi cầu thủ kia trong một thời gian. Sau khi công việc này được tiến hành xong, toàn bộ băng hình và các đánh giá tại chỗ sẽ được chuyển đến cho Andrea Carnevale, cựu tiền đạo của Roma, Napoli và Udinese, hiện phụ trách công tác săn tìm tài năng trẻ của Udinese. Anh này sẽ quyết định có nên đưa cầu thủ đó về Udinese để đào tạo tiếp hay không.

Đấy chính là phương pháp mà Udinese đã phát hiện ra các cầu thủ trẻ xuất sắc, từ Asamoah đến Sanchez, và mùa bóng nào cũng bán đi một vài người với giá rất cao, trở thành nhà vô địch Serie A về làm ăn có lãi.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm