Doug Engelbart qua đời: 10 phát minh vĩ đại nhưng không hái ra tiền

06/07/2013 08:03 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Doug Engelbart, người được mệnh danh là cha đẻ của các loại chuột máy tính hiện đại, đã vừa qua đời ở tuổi 88. Điều đáng chú ý là ông không thu được bất kỳ xu nào từ việc phát minh ra con chuột, phương tiện đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cách thức con người giao tiếp với máy tính. Nhưng ông không phải là nhà phát minh duy nhất chẳng được hưởng lợi hoặc hưởng rất ít từ đứa con tinh thần với tầm ảnh hưởng khồng lồ của mình.

Dưới đây là 10 phát minh khác, trong đó những con người đứng sau phát minh lẽ ra phải trở thành tỷ phú nhờ những gì họ tạo ra.

1.Đèn LED

Khi Nick Holonyak Jr. sáng chế ra chiếc đèn LED hữu dụng đầu tiên vào năm 1962, ông dự đoán rằng ngày nào đó "đứa con" của mình sẽ thay thế các bóng đèn dây tóc của Edison. Các cộng sự của Holonyak nói rằng lẽ ra ông phải được trao giải Nobel. Cá nhân ông chỉ khiêm tốn nói: "Thật kỳ cục khi nghĩ rằng có ai đó phải nợ anh điều gì. Khi nói về chuyện thiệt hơn, chúng ta thật may mắn khi vẫn đang còn sống".

2. Giấy ghi chú

Mỗi năm công ty 3M bán hàng tỷ tập giấy ghi chú Post-It Notes mang màu vàng đặc trưng. Nhưng các nhà phát minh ra giấy ghi chú đã tự mô tả bản thân họ là "thấy thoải mái" vì không giàu có. Giấy ghi chú về cơ bản là sản phẩm kết hợp của Tiến sĩ Spencer Silver, người vào năm 1968 đã tạo ra một loại băng dính với đặc điểm không dính chặt và có thể bị gỡ đi vào bất kỳ lúc nào, với cộng sự Art Fry. Sau khi biết về phát minh của Silver, Arty Fry đã sử dụng loại băng dính mới này để gắn các tờ giấy ghi chú vào sổ nhạc của ông.

Mikhail Kalashnikov đã không thu được một đồng nào với khẩu AK huyền thoại
3. AK-47

Khẩu súng trường Kalashnikov, còn được biết tới với tên AK-47, đã được quân nhân Mikhail Kalashnikov tạo ra khi ông đang dưỡng thương tại một bệnh viện của Liên Xô trong Thế chiến II. Đến nay, hàng chục triệu khẩu súng AK đã được tạo ra, nhưng Kalashnikov chẳng thu được đồng nào từ phát minh của ông. Bản thân ông cũng không đòi hỏi gì, nói rằng phát minh của mình là vì lợi ích của Tổ quốc.

4. Kim đĩa than

Marie Killick đã phát minh ra kim đĩa than chuyên dùng trong các máy phát đĩa than. Tuy nhiên bà đã không đăng ký bản quyền và dù nhiều năm kiện tụng vẫn không thu được đồng nào từ các bị đơn. Năm 1958, bà thắng kiện chống lại công ty Pye, nhưng chỉ một năm sau đã phải tuyên bố phá sản.

5. Tàu đệm khí

Christopher Cockerell đã sử dụng một chiếc máy hút bụi và các hộp thiếc để thử nghiệm lý thuyết khi ông phát triển tàu đệm khí, con tàu đã băng qua vùng biển nằm giữa Calais, Pháp, tới Dover, Anh trong năm 1959. Con tàu đệm khí đầu tiên không cần bến cảng đặc biệt, không cần neo đậu và có thể đi qua Eo biển Manche trong vòng nửa giờ đồng hồ.

Cockerell đã được phong hiệp sĩ, nhưng ông phải chiến đấu trước tòa nhiều năm mới được thưởng chút tiền từ Tập đoàn Nghiên cứu Phát triển Quốc gia Anh.

6. Trò chơi xếp hình

Trò chơi xếp hình (Tetris) của nhà phát triển phần mềm người Nga Alexey Pajitnov đã được phát triển tại một trung tâm nghiên cứu do Chính phủ Nga bỏ vốn vào năm 1985. Ông chỉ bắt đầu được nhận tiền bản quyền 10 năm sau đó, khi thành lập công ty Tetris.

7. Máy thu thanh quay tay

Nhà phát minh Trevor Baylis gần đây nói rằng ông chẳng còn đủ tiền để sống ở nhà riêng tại vùng Twickenham, London, bất chấp việc hàng triệu chiếc đài radio hoạt động nhờ một thiết bị tạo điện chạy bằng lực quay tay gắn kèm theo đã được bán hết trên thế giới. Công ty mà ông đã xây dựng đã thay đổi sản phẩm ban đầu của ông và dần dần ông mất kiểm soát hoạt động sản xuất cũng như tạo lợi nhuận.

"Phần lớn chúng tôi không phát minh vì tiền" -  Baylis nói với BBC gần đây - "Giờ tôi biết rằng ít nhất mình đã để lại dấu ấn của bản thân với chiếc đài radio, với đèn pin hoạt động nhờ sức người và các thứ tương tự".

Tương tự, cha đẻ karaoke cũng không được hưởng lợi từ phát minh lớn của ông
8. Máy hát karaoke

Doanh nhân người Nhật Bản Daisuke Inoue đã kiếm tiền từ việc việc chơi trống tại một ban nhạc ở một quán bar, nơi cho phép khách tới uống rượu cầm micro hát tự do. Một lần nọ, khi không thể tới biểu diễn, ông đã thu âm tiếng trống vào băng cassette để ban nhạc vẫn có thể chơi mà không có mình. Sau đó, ông tạo ra máy 11 Karaoke, chiếc máy karaoke đầu tiên của thế giới. Đáng tiếc ông không đăng ký bản quyền và vì thế đã chẳng kiếm được đồng bạc lẻ nào từ phát minh này.

9. MP3

"Không phải mọi nhà phát minh đều sáng tạo để kiếm tiền. Một số người muốn phát minh chỉ để đóng góp cho sự tốt đẹp chung" - Tiến sĩ Tilly Blyth tại Bảo tàng Khoa học, Công nghệ và Kỹ thuật Anh cho biết.

File nhạc nén MP3 nhanh chóng trở thành chuẩn của nhạc số trên Internet và được hàng tỷ người sử dụng. Ít người biết rằng đây là sản phẩm của nghiên cứu sinh tiến sĩ người Đức Karlheinz Brandenburg. Ông đã bắt đầu dự án từ những năm 1980, nhưng  do chẳng có tiền để phân phối phần mềm liên quan tới MP3 nên đã tung nó ra thị trường với tư cách phần mềm miễn phí.

10. World Wide Web

Mạng World Wide Web hay mạng thông tin toàn cầu, là sản phẩm của Tim Berners-Lee. Ông tạo ra mạng này khi đang làm việc tại một phòng nghiên cứu ở Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) nhằm giúp các nhà khoa học làm việc hiệu quả hơn. Berners-Lee nói rằng bí mật trong việc đứa con tinh thần của mình nhanh chóng vươn ra khỏi CERN và được cả thế giới đón nhận sử dụng như hiện nay là nhờ ông đã chia sẻ nó miễn phí.

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm