Chào tuần mới: Tết 'thích ứng'

10/01/2022 07:17 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Chỉ còn 3 tuần nữa là đến Tết Nhâm Dần 2022. Vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm những ngày này chính là việc có nên về quê ăn Tết hay không, nhất là với những người làm ăn, sinh sống xa quê hương.

Góc nhìn 365: Ngày Tết, đi hay... ở?

Góc nhìn 365: Ngày Tết, đi hay... ở?

Chúng ta đã ở khá gần cái Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Và, khi không khí Tết đang dần lan tỏa và chi phối mọi chi tiết của đời sống hàng ngày, câu chuyện “đi chơi hay ở nhà” dịp Tết lại bắt đầu được hâm nóng trên mạng xã hội.

Ngoài chuyện năm nay kinh tế khó khăn thì còn lý do khác, đó là càng gần Tết, ở nhiều địa phương, tình hình dịch bệnh Covid-19 lại càng diễn biến phức tạp. Đã vậy, một số địa phương còn ban hành các văn bản, thậm chí lập cả chốt kiểm soát, ra các “tâm thư” kêu gọi, động viên người dân hạn chế về quê trong dịp Tết này vì lo sợ dịch bệnh.

Năm hết Tết đến, tâm lý chung của mọi người là muốn về quê sum họp cùng gia đình. Đấy cũng là một phong tục đẹp, là nguyện vọng chính đáng của bất cứ người xa quê nào. Tết đến mà không về thì đúng như lời mở đầu một ca khúc: “Nếu chiều nay lỡ hẹn không về/ Thì Xuân năm nay Xuân sẽ buồn/ Sẽ buồn hơn mấy cội mai già/ Và mùa Xuân quên mặc áo mới”.

Chú thích ảnh
Đào Nhật Tân chuẩn bị phục vụ Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: TTXVN

Tết năm nay tất nhiên là sẽ khác nhiều so với mọi năm. Chúng ta đã trải qua 2 năm chống dịch căng thẳng, quyết liệt. Còn nhớ, nhiều người làm ăn xa quê cũng vì dịch bệnh, vì sự an toàn chung của cộng đồng mà “ai ở đâu ở yên đó” trong những ngày dịch bệnh căng thẳng. Tuy nhiên, từ tháng 10/2021, Chính phủ đã ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", trong đó không có quy định nào mang tính “ngăn sông cấm chợ”, mà nêu cao tinh thần “thích ứng”.

Do đó, nhìn nhận khách quan thì cho đến thời điểm này, việc một số địa phương lập chốt kiểm soát, đưa ra “tâm thư” kêu gọi, vận động người dân hạn chế về quê dịp Tết là không phù hợp, nhất là nhiều nơi làm chặt chẽ quá mức cần thiết. Ví dụ, Ngày 30/12/2021, TP Thanh Hóa có thư ngỏ với nội dung khuyến cáo người dân không về quê dịp Tết Nhâm Dần nếu không thực sự cần thiết, để chung tay cùng thành phố phòng chống dịch.

Chú thích ảnh
Công nhân lao động chuẩn bị lên tàu về quê đón Tết. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Hoặc là như xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La có văn bản nêu “Lên kế hoạch cho các hộ gia đình có người thân đi lao động, đang làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, lao động tự do ngoài tỉnh có nhu cầu trở về địa phương trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, phải chủ động về trước ngày 10/1/2022 (tức ngày 8 tháng Chạp) để đảm bảo cách ly y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế”. Văn bản này sau đó đã phải “đính chính”.

Tết về quê sum họp và “Mang tiền về cho mẹ” vẫn là điều có thể làm trong cái Tết giữa đại dịch này. Nhưng mỗi người dân về quê ăn Tết cũng cần phải tự xem xét, điều chỉnh sao cho thích ứng với tình hình phòng chống dịch bệnh tại địa phương mình về, khai báo đầy đủ về tình trạng sức khoẻ, nguy cơ nhiễm bệnh của chính bản thân và gia đình mình.

Hơn thế, trong suốt những ngày Tết, cần tự điều chỉnh và thay đổi cách thức chúc tụng, thăm hỏi, tụ tập anh em, bạn bè dịp tất niên... Nếu thấy có những vấn đề về sức khỏe cá nhân, cần khai báo y tế trung thực, tự ý thức phòng tránh để không ảnh hưởng đến người thân và bà con lối xóm.

Sẽ không có được cái sự “bình thường mới” nếu như cùng với lý do phòng chống dịch bệnh nhưng mỗi nơi làm một kiểu, không đúng với quy định của Chính phủ. Và cũng sẽ không có “bình thường mới” nếu mỗi người không biết thực hiện một cái Tết “thích ứng” cho bản thân và gia đình.

Một cái Tết cần nhất tới đây là cái Tết thích ứng an toàn, linh hoạt.

Xuân An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm