25/03/2014 08:59 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Hôm nay, Đại hội BCH VFF nhiệm kỳ VII sẽ diễn ra và chắc chắn, vấn đề bạo lực sân cỏ, khán giả, trọng tài, nhà tài trợ… sẽ được bàn tới trong cương lĩnh hành động của ông tân Chủ tịch VFF. Dễ hiểu bởi đó là các yếu tố tiên quyết, quyết định sự thành bại của các giải đấu và cùng với đào tạo trẻ, nó cũng quyết định luôn tầm vóc của cả nền bóng đá.
Hình ảnh rất nhiều những “người nhện” được truyền đi từ sân Cẩm Phả trong thời gian qua, những trận đấu của tân binh V-League 2014 Than Quảng Ninh, có thể không được khuyến khích vì lý do an toàn trong cổ động, nhưng nó lại chứa đựng những thông điệp tốt đẹp.
Chạy về phía khán đài…
Ở những nền bóng đá phát triển, với các giải đấu hàng đầu, các cầu thủ luôn dành một khoảng thời gian nhất định sau trận cho việc tìm đến các khán đài có CĐV của họ, để vỗ tay, tri ân người hâm mộ đã sát cánh cùng họ.
Thắng to hay thảm bại, cầu thủ đều lặp lại điều này một cách đều đặn, thậm chí là một thuộc tính. Người hâm mộ được xem như một phần của đội bóng (không phải bởi ở một số nơi, họ còn là các cổ đông) với ý nghĩa tinh thần quan trọng và đây chính là cách dễ nhất để đội bóng và CĐV xích lại gần nhau, bên cạnh những hoạt động bên lề khác.
Nhưng tại Việt Nam, chúng ta thường không nhiều lần được chứng kiến cảnh tượng này, với V-League đã hiếm, giải hạng Nhất còn hiếm hơn. Thậm chí ngay cả khi một cầu thủ ăn mừng bàn thắng, họ cũng rất ít khi chạy về phía khán đài để chia vui, mà thường chọn cột cờ phạt góc (nơi tập trung nhiều phóng viên ảnh – PV) hay tìm về cabin BHL đội nhà để cảm ơn ông… HLV trưởng đã cho mình cơ hội thể hiện.
“Các cầu thủ không ý thức được điều này, nhưng đội bóng thậm chí còn không khuyến khích họ làm việc ấy”, một ý kiến cho biết.
Sau cả 5 bàn thắng ghi vào lưới V.Ninh Bình trong trận đấu muộn vòng 9 vào chiều qua, không một lần nào cầu thủ B.Bình Dương đi về phía khán đài, nơi người ta được chứng kiến màn cổ động không ngơi nghỉ của rất nhiều các… “hot girl”.
Kéo được người hâm mộ đến sân vốn đã là vấn đề nan giải của bóng đá Việt Nam, việc níu chân họ ở lại là cực khó, khi chúng ta chỉ có một sản phẩm bóng đá mà không phải lúc nào cũng đẹp đẽ và ngoài ra, nhiều đội bóng và cầu thủ đôi khi để quên câu cảm ơn ở… ngoài đường.
Nhưng đừng chỉ biết tựa lưng
Trong khá nhiều các chuyên đề về văn hóa cổ động của bóng đá Việt Nam trên Thể thao & Văn hóa, chúng ta luôn nhất trí với nhau rằng, các CLB nước ngoài nhận được sự kề vai sát cánh của CĐV ruột, bởi đơn giản đội bóng là của cả một cộng đồng người, chứ không phải của riêng các ông chủ.
Ở Việt Nam, có thể nói những đội bóng như Thanh Hóa, SLNA, SHB.Đà Nẵng, Hải Phòng hay tân binh Than Quảng Ninh ít nhiều được thừa hưởng đặc ân này. Tình yêu của CĐV là tự nguyện hiến dâng, nhưng cũng có thể hối thúc với vài trường hợp cụ thể.
Với việc được tựa lưng vào các khán đài để chiến đấu, cũng như XM.Hải Phòng hay Thanh Hóa cách đây mấy mùa giải, thời điểm họ mới lên chuyên trở lại, thì Than Quảng Ninh đang làm nên hiện tượng thú vị ở V-League mùa này.
“Các cầu thủ cho chúng tôi thêm động lực, thậm chí là tiếp sức chúng tôi trong những thời điểm khó khăn, nhờ đó đội bóng có thể đứng vững để chiến đấu. Nói không quá lời, CĐV chính là tài sản lớn nhất của đội bóng, chứ không phải những bản hợp đồng đắt tiền”, một trụ cột đội bóng đất mỏ chia sẻ.
Song, nói thế không có nghĩa là đội bóng chỉ biết mỗi việc đón nhận thứ tình yêu không vụ lợi của người hâm mộ, mà phải có nghĩa vụ đáp trả. Bằng sự cống hiến với tinh thần trách nhiệm cao nhất, bằng cả những trận cầu đẹp mắt, thậm chí cần phải “nuôi” và “cấy” CĐV nữa.
Điều này không hề đơn giản, khi nếu so với sự sục sôi của khán giả Đồng Nai ở mùa giải trước, bầu không khí bóng đá ở thủ phủ Biên Hòa năm nay đã bớt cuồng nhiệt nhiều rồi. Nó cũng đúng với rất nhiều trường hợp khác, thậm chí với cả các ĐTQG.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất