Vụ Torres: Hồ sơ những quả bom tấn... xịt ở Stamford Bridge

15/12/2011 12:36 GMT+7

(TT&VH)- Có thể hiểu vì sao Chelsea tìm cách bán rẻ Fernando Torres ngay sau một mùa giải. Họ đã có quá nhiều bài học quá khứ và thà là chịu lỗ 30 triệu bảng, còn hơn trắng tay, như trong những trường hợp dưới đây.

Adrian Mutu (2003-2004)

Tháng 8/2003, Chelsea trả cho Parma 15,8 triệu bảng để đưa Mutu về trong cuộc cách mạng nhân sự của Abramovich. Tiền đạo người Romania khởi đầu đầy hứa hẹn với 4 bàn sau 3 trận, nhưng số bàn thắng của anh ở Premier League trong phần còn lại của mùa giải còn không bằng 3 trận đầu. Khi Mourinho đảm nhận cương vị HLV tại Stamford Bridge mùa 2004-2005, Mutu thất sủng và mọi chuyện trở nên tồi tệ khi anh bị phát hiện sử dụng cocaine, bị cấm thi đấu 7 tháng. Chelsea tìm cách gỡ gạc với việc kiện Mutu ra tòa đòi bồi thường vì anh đã đơn phương phá vỡ hợp đồng với họ do lỗi của anh. Cầu thủ người Romania không chấp nhận phán quyết của nhà chức trách Anh, kiện ra Tòa án trọng tài thể thao Thụy Sĩ (CAS), nhưng tòa không thụ lý.

Vụ việc kéo dài lên đến tận FIFA, quay lại CAS, rồi lại sang FIFA và kéo dài suốt từ năm 2005 tới tận bây giờ. Mutu bị buộc bồi thường 17 triệu euro cho Chelsea, nhưng các luật sư của anh nói anh không có tiền và các bên đang chuẩn bị hồ sơ để kéo nhau ra Tòa thượng thẩm của Liên minh châu Âu. Một lần nữa, Chelsea chẳng nhận được gì ngoài những rắc rối.



Shevchenko là một trong những ngôi sao xịt của Chelsea- Ảnh Getty

Juan Sebastian Veron (2003-2007)

Đã biết rõ đây là một món hàng hớ, khi M.U chấp nhận bán lại cho Chelsea với giá 15 triệu bảng chỉ sau hai mùa họ mua cầu thủ này từ Lazio với giá tới 28,1 triệu bảng, nhưng HLV Ranieri vẫn chấp nhận canh bạc này. Tiền vệ người Argentina muốn “cho M.U thấy họ đã sai lầm thế nào” bằng phong độ ở Chelsea. Anh đã có khởi đầu rất tốt khi ghi bàn ở trận ra mắt thắng Liverpool 2-1 ngay trên sân khách, nhưng rồi ngày càng sa sút và cả mùa 2003-2004 chỉ chơi 14 trận. Sau đó là những năm tháng lưu lạc theo các hợp đồng cho mượn sang Inter Milan rồi Estudientes. Cuối cùng, anh trở về quê nhà Argentina theo dạng chuyển nhượng tự do, Chelsea chẳng được xu nào ngoài nỗi thất vọng tràn trề.

Hernan Crespo (2003-2008)

Một hợp đồng bom tấn khác của thời bấy giờ với giá 16,8 triệu bảng, nhưng cũng như người đồng hương Veron, Crespo có vai trò rất mờ nhạt, chỉ được ra sân 19 trận ở Premier League trong cả mùa 2003-2004, ghi 12 bàn trong 31 trận ở mọi giải đấu. Anh trở về Italia theo hợp đồng cho mượn ngay mùa sau và từ đó không hề muốn quay lại London, dù anh còn có thêm một mùa khoác áo Chelsea, 2005-2006, cho đến lúc được chính thức giải phóng khi hợp đồng đáo hạn vào tháng 7/2008. Một lần nữa, Chelsea trắng tay.

Andriy Shevchenko (2006-2009)

Có lẽ là hợp đồng bán cầu thủ thành công nhất trong lịch sử AC Milan khi họ đẩy chân sút người Ukraina đã 30 tuổi đi với cái giá đến 30 triệu bảng. Anh có tổng cộng 22 bàn trong 76 trận cho Chelsea ở mọi giải đấu, một sự tụt lùi tệ hại so với những gì Shevchenko làm được ở AC Milan trước đó và lại ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do, trở về Dynamo Kiev. Một lần nữa, Chelsea chẳng nhận được xu nào.

T.T


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm