Guus Hiddink: Đổi thay Chelsea

21/03/2009 17:54 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH CT) -  Trước và sau khi Guus Hiddink tới Stamford Bridge, Chelsea mang hai bộ mặt khác hẳn. Từ ngày 11/2, ngày HLV người Hà Lan chính thức ra mắt Premier League, ông đã giành được 4 chiến thắng liên tiếp. Nếu tính mọi giải đấu, thì Hiddink vẫn đang bất bại với 7 trận thắng, 1 hòa.
 
> Tottenham - Chelsea: Chặn đứng Hiddink?
> Tứ kết cúp FA: Chelsea lại thắng "kiểu Hiddink"
> Hiddink đặt mục tiêu giành cú "ăn ba"
> Cuộc đua vô địch Premier League: Hãy coi chừng Chelsea
> Chelsea: Hiệu ứng Hiddink hay lâu đài cát?

Có lẽ cuối mùa giải này, rồi thì Hiddink cũng sẽ đặt bút ký một hợp đồng dài hạn với Chelsea sau những gì mà ông đã thể hiện. HLV người Hà Lan làm được tất cả những gì mà người tiền nhiệm Luiz Felipe Scolari thất bại: những chiến thắng, một đội bóng gắn kết hơn như một tập thể, lấy lại sức mạnh xứng tầm với các tên tuổi trong màu áo xanh và thẳng tiến ở tất cả những giải đấu họ còn hy vọng.

Nhiệm vụ đầu tiên, đảm bảo một vị trí trong tốp bốn đội dẫn đầu, có lúc tưởng như sẽ rất chật vật dưới thời Scolari, giờ coi như đã là nghiễm nhiên. Không cần phải đợi tới mùa Hè, cũng với lực lượng chắp vá và mất cân đối như bây giờ, Hiddink đã vượt qua cả ba trở ngại với Chelsea biến họ thành một đội bóng bách thắng, mang nhiều hình ảnh của Chelsea-Mourinho nhất từ trước đến giờ, ở ba điểm cơ bản: thể lực, tinh thần thi đấu và sự tổ chức.
 
Chelsea hồi sinh dưới thời Hiddink

Trước khi Hiddink đến, sức bền của các cầu thủ là một vấn đề rất rõ ràng ở Stamford Bridge. Chelsea nhìn rất mệt mỏi vào giai đoạn cuối mùa, như họ thể hiện trong thất bại 0-3 trước M.U. Trong khi trận đấu đó còn có thể biện minh bằng chiếc thẻ đỏ cho Frank Lampard thì với những thất bại do các bàn thua muộn màng trước Liverpool và Arsenal là chỉ giấu rõ nhất cho thấy đội bóng áo xanh thiếu sẵn sàng cho cuộc đua dài ngày khốc liệt.

Guardian dẫn các thống kê của tổ chức nghiên cứu thể thao Opta cho thấy chỉ có 14% những bàn thắng của Chelsea được ghi trong 15 phút cuối cùng của trận đấu, thấp nhất trong số tất cả các đội Premier League và họ chỉ giành được 4 điểm với những bàn thắng được ghi trong 15 phút cuối đó, chỉ tốt hơn 5 đội và tất nhiên, kém xa chuyên gia lật ngược tình thế Liverpool.

Hiddink đã thay đổi điều đó bởi với ông, thể lực luôn là ưu tiên số một. Cuộc huấn luyện đặc biệt với ĐT Hàn Quốc mà ông dẫn dắt đến bán kết World Cup 2002 thậm chí làm rộ lên những tin đồn, hoàn toàn vô căn cứ, về việc đội này sử dụng doping. Tương tự, ba trong năm cầu thủ chạy nhiều nhất ở EURO 2008 là những người Nga. Thực ra, không có công thức thần kỳ nào cả. Khi được hỏi về thể lực phi thường của ĐT Australia ở World Cup 2006, tiền vệ Tim Cahill xác nhận “chúng tôi tập trối chết”. Không có gì đơn giản hơn thế. Nhưng lần này phải cho Hiddink thêm một điểm cộng bởi lẽ chuẩn bị thể lực cho một ĐTQG trong vài tháng khác hẳn với việc nhảy vào một CLB phải chơi trung bình 2 trận một tuần ngay giữa lúc mùa giải đang khốc liệt nhất.

Mặt khác, tuổi trung bình của các cầu thủ đội một Chelsea là 28,2, so với 25,8 của ba thành viên còn lại trong nhóm bộ tứ. Tức là chỉ sự chuẩn bị về thể lực là chưa đủ, vì đằng nào thì đội hình đã già cỗi của Chelsea cũng khó có thể chạy đua với những cầu thủ đôi mươi ở Arsenal hay M.U.

Do đó, tính tổ chức đóng vai trò quan trọng trong đội bóng mới của HLV người Hà Lan. Ngay sau khi Hiddink tới, Chelsea không còn để thủng lưới trước những đối thủ linh tinh như Ipswich hay Southend nữa. Họ không ghi được nhiều bàn thắng hơn, nhưng tuyến phòng ngự chơi chắc chắn hơn rất nhiều với 4 trận liền ở Premier League không để thua một bàn nào. Một phẩm chất khác mà Hiddink vẫn được ca ngợi đó là khả năng thích nghi. Trước khi ĐT Nga đánh bại tuyển Anh 2-1 ở Moskva tại vòng loại EURO 2008 hồi tháng 10/2007, Hiddink đã 10 lần gặp các ĐT Anh và đều không thể chiến thắng, những đội bóng của ông ghi được 5 bàn và để thủng lưới tới 18 bàn. Thế nên, chắc chắn là HLV người Hà Lan biết cách thay đổi đúng lúc, cả trên sân cỏ cho từng trận đấu cụ thể, lẫn trong dài hạn.

Thay đổi lớn nhất, và trực tiếp nhất có thể thấy được ở Chelsea có lẽ là tinh thần thi đấu. Vẫn cần thêm thời gian để khẳng định chắc chắn rằng Hiddink đã “thuần hóa” được những ngôi sao khó bảo ở Stamford Bridge, nhưng ít ra những gì ông làm được đến giờ cho thấy John Terry, Didier Drogba hay Michael Ballack sẵn sàng hợp tác với ông thầy mới. “Ông ấy là một chuyên gia về con người và đó luôn là điểm mạnh của ông ấy”, Clarence Seedorf, thành viên của ĐT Hà Lan vào bán kết World Cup 1998, khẳng định, “Ông ấy rất giỏi trong việc giải quyết những tình huống áp lực và tạo ra động lực cho đội bóng”.

Điều quan trọng nhất mà Hiddink đã làm được, có lẽ là khiến Drogba chơi bóng hết mình trở lại. Không có chân sút người Bờ Biển Ngà, Chelsea trở nên đơn điệu và yếu ớt trên hàng công khi dựa vào một Nicolas Anelka thiếu thể hình và sự cố gắng. Chân sút người Pháp có lối chơi kỹ thuật và đầy sáng tạo, nhưng anh không thực sự thích hợp với một Chelsea đã quen đá chặt chẽ, tổ chức tốt và cần những tiền đạo tốc độ, biết càn quét và giỏi phản công, nhất là khi họ phải lùi về phía sau.

Ngày hôm qua, Hiddink đã tuyên bố với Independent rằng cuộc đua đến chức vô địch Premier League vẫn còn để ngỏ và Chelsea “sẽ chiến đấu tới cuối cùng”. Ông cũng khẳng định về tham vọng của đội bóng Anh tại Champions League khi “chúng tôi đã lọt vào 8 đội cuối cùng, và bất cứ đội nào cũng sẽ nuôi những tham vọng lớn”. Hiddink có quyền tự tin, sau những gì ông đã làm được tại Stamford Bridge.

Bí quyết của Hiddink: Sự thích nghi

Guus Hiddink đã trình diễn đến sáu hệ thống chiến thuật khác nhau, và tất cả đều thành công, kể từ khi ông bắt đầu làm HLV bóng đá.

PSV, 1987-1990

Đội bóng Hà Lan giành chức vô địch Cúp C1 với đội hình 5-3-2. Hiddink triển khai Ronald Koeman đá quét và chơi dâng cao khi PSV giành quyền kiểm soát bóng. Trên hàng tấn công là Wim Keeth được Hans Gillhaus hỗ trợ. Việc Romario đến PSV vào mùa Hè 1988 đã giúp Hiddink phát huy tối đa đội hình đó bằng ba chức vô địch Hà Lan liên tiếp. Cầu thủ người Brazil được bố trí đá lùi phía sau hai tiền đạo.

ĐT Hà Lan, 1995-1998

Hiddink để Patrick Kluivert đá tiền đạo cắm và Dennis Bergkamp chơi như một hộ công trong đội hình 4-4-1-1 với lối chơi biến hóa và tấn công đẹp mắt, một trong những thế hệ tài năng nhất của bóng đá Hà Lan với thủ thành Edwin van der Sar, các hậu vệ Jaap Stam, anh em nhà De Boer hay Marc Overmars.

ĐT Hàn Quốc, 2000-2002

Một phép màu thật sự đã diễn ra với đội đồng chủ nhà World Cup 2002. Họ tiến thẳng vào bán kết với sức mạnh và lối chơi không e ngại bất cứ đối thủ nào. Mỗi ngày Hiddink đều tìm cách nâng cao thể lực của các cầu thủ, khiến họ mạnh mẽ đến mức có thể chơi với đội hình 3-4-3. Hàng công ba người bao gồm Park Ji Sung và Ahn Jung Hwan chơi cố định, vị trí còn lại do Lee Chun Soo và Cha Du Ri hoán đổi cùng nhau.

PSV, 2002-2006

Nhiệm kỳ thứ hai ở PSV, Hiddink đưa CLB Hà Lan vào bán kết Champions League và chỉ để thua do luật bàn thắng trên sân khách trước AC Milan vào năm 2002. Ông chơi với chiến thuật 4-4-2 ở lượt đi và 4-3-3 ở lượt về với Jan Vennegoor of Hesselink chơi cao nhất, Park Ji Sung và Jefferson Farfan ở hai bên cánh.

ĐT Australia, 2005-2006

Hiddink bắt đầu công việc ở ĐT Australia từ tháng 7/2005 và chơi với đội hình xuất phát 4-3-3, có thể chuyển sang 4-5-1 khi cần phòng ngự. ĐT Australia khi đó rất mạnh về thể lực và tinh thần thi đấu với các ngôi sao nổi bật là Lucas Neil, Harry Kewell, Mark Viduka và Brett Emerton. Họ chỉ để thua Italia tại vòng hai sau pha đóng kịch của Fabio Grosso dẫn tới quả phạt đền oan uổng.

ĐT Nga 2006-nay

Là HLV nước ngoài đầu tiên của ĐT Nga, Hiddink đã thay đổi truyền thống chơi với đội hình 5-3-2 yếu ớt và thay thế bằng hệ thống 4-3-3 đòi hỏi nhiều thể lực và sức mạnh. Hai hành lang được giao cho những tiền vệ chạy không biết mệt Yuri Zhirkov và Aleksandr Anyukov. Tuy nhiên, sau khi thua TBN 1-4, ĐT Nga lại chuyển sang 4-1-3-2 và cùng với sự trở lại của Andrei Arshavin, họ đã bùng nổ.

Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm