Truyện tranh lịch sử: Sân chơi của người cẩn trọng

26/03/2014 17:45 GMT+7 | Văn hoá


(lienminhbng.org) - Không học sinh nào ở trường Lương Thế Vinh đăng ký thi tốt nghiệp môn Lịch sử. May mắn hơn một vài trường khác có… 1 em chọn Sử làm môn thi tốt nghiệp. Vấn đề làm thế nào để người Việt Nam, nhất là giới trẻ, biết thích thú tìm hiểu sử Việt Nam, đã đi tìm lời giải dưới nhiều hình thức: Học sử trên các bảng chỉ đường, Thi đố về sử Việt trên truyền hình, Làm phim sử Việt,... và đặc biệt nổi lên thời gian gần đây là Làm truyện tranh sử Việt.

Tuy nhiên, để có các dự án truyện tranh sử Việt dài hơi, chuyện không đơn giản mặc dù thị trường này tỏ ra rất tiềm năng.

Người Việt muốn biết lịch sử: thị phần rộng

Công ty Truyện tranh Phan Thị đang tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Hoàng Sa - thiên đường trong tôi”. Cuộc thi kéo dài 1 tháng, từ 24/2 - 24/3, dự kiến trao giải ngày 29/3 trong khuôn khổ Hội chợ sách TP.HCM sắp tới. Phan Thị hiện đang nổi lên trên thị trường truyện tranh lịch sử Việt Nam với bộ Thần đồng đất Việt: Hoàng Sa - Trường Sa.

Vào cuối tháng 9/2013, công ty này phát hành tập đầu của bộ truyện nói trên với dự kiến ba tháng đưa đến tay người đọc một tập. Hiện Phan Thị mới tung ra tập hai của bộ truyện này và dự kiến cuối tháng 3/2014 sẽ có tập 3 nhân dịp hội chợ sách.

Dự án Thần đồng Đất Việt: Hoàng Sa - Trường Sa còn mới mẻ như vậy nhưng sức lan tỏa của nó khá rộng khắp, đủ để chủ dự án, Công ty Phan Thị tự tin khi tổ chức cuộc thi trong thời gian rất ngắn (1 tháng) và giải thưởng cuộc thi được xem là khá thấp (giải thấp nhất là 200 ngàn đồng và cao nhất gần 3,5 triệu đồng).


Bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt: Hoàng Sa - Trường Sa

Trước Công ty Phan Thị, hơn 15 năm trước, Nhà xuất bản (NXB) Trẻ đã bước chân vào “địa hạt” này và được xem là đơn vị đầu tư dài hơi cho truyện tranh lịch sử. Trong hơn 15 năm, đơn vị xuất bản này phát hành được hơn 50 tập truyện Lịch sử Việt Nam bằng tranh nhưng độ dài thời gian mà bộ truyện này bao phủ kéo dài từ thời người Việt cổ đến thời các Chúa Nguyễn mở cõi vào Nam. Sắp tới, 5 tập tiếp theo của Lịch sử Việt Nam bằng tranh sẽ có mặt nhân Hội chợ sách TP.HCM.

Từ giữa năm 2013, Công ty Sách Đông A cũng rục rịch chuẩn bị xuất bản truyện tranh về các danh nhân nước Việt. Trong Hội chợ sách TP.HCM vào cuối tháng 3/2014, hai bộ truyện tranh về các danh nhân lịch sử (9 tập) và các danh nhân văn hóa (10 tập) của Công ty Đông A sẽ chính thức phát hành. Mỗi tập truyện tranh do Công ty Đông A đầu tư xuất bản chỉ dày 18 trang gồm cả bìa với nội dung khái quát cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân.

Được biết, NXB Trẻ, Công ty Phan Thị hay Đông A đầu tư thực hiện và xuất bản các bộ truyện tranh này, ngoài cung cấp cho độc giả những kiến thức lịch sử, còn vì thị phần của truyện tranh đề tài này khá rộng. Vì cho dù truyện tranh mua bản quyền từ nước ngoài hiện đang chiếm lĩnh nhà sách và sạp báo, nhưng truyện về lịch sử và danh nhân Việt Nam, chắc chắn phải do người Việt thực hiện mà không có một ai bên ngoài thay thế được.


Bộ truyện Lịch sử Việt Nam bằng tranh của NXB Trẻ trong hơn 15 năm chỉ xuất bản được hơn 50 tập

Hơn thế, truyện tranh lịch sử và danh nhân Việt không chỉ phục vụ bạn đọc nhỏ tuổi thích đọc những loại sách nhiều hình ảnh “trực quan sinh động” mà còn được người đọc nhiều thế hệ quan tâm. Với lịch sử trải qua hàng ngàn năm, không phải người Việt nào cũng biết hết về lịch sử đất nước nên nhu cầu tìm hiểu sử xanh qua truyện tranh là cách nhanh nhất mà nhiều người lựa chọn. Chẳng thế mà, bộ truyện Lịch sử Việt Nam bằng tranh của NXB Trẻ, sau hơn 15 năm vừa thực hiện vừa ấn hành, có rất nhiều tập tái bản hơn 10 lần theo phương thức “bán hết rồi in tiếp”.

Giới làm sách cho rằng, đầu tư làm truyện tranh về lịch sử và danh nhân không sợ ế. Tuy vậy, làm truyện tranh về đề tài này không dễ chút nào.

Muốn lâu bền phải cẩn trọng

Học trò không thích học môn Sử trong nhà trường, có lẽ phần nhiều là do sách giáo khoa hay phương pháp truyền đạt kém sinh động, thiếu lôi cuốn. Truyện tranh cũng vậy, nếu nội dung truyện kém hấp dẫn thì cũng kém độc giả, nhất là giới trẻ.

Bộ truyện Thần đồng đất Việt: Hoàng Sa - Trường Sa có nội dung và cách thể hiện cuốn hút. Ngoài các trò nghịch ngợm tuổi nhỏ của các nhân vật qua nét vẽ dí dỏm, bộ truyện này lồng vào đó những kiến thức về lịch sử chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa trong quá trình mở cõi của người Việt.

Có thể nói, để người đọc, nhất là người trẻ, quan tâm đến lịch sử qua truyện tranh, thì truyện phải có hình thức và nội dung khiến người trẻ không đọc không được.

Nhưng để một bộ truyện tranh về lịch sử và danh nhân có sức sống lâu bền, nguyên tắc đầu tiên là sự cẩn trọng với những gì đã diễn ra trong quá khứ chứ không chạy theo yếu tố giải trí đơn thuần.


Một trang truyện tranh về danh nhân lịch sử Trần Thủ Độ do Công ty Đông A xuất bản sắp phát hành

Nhà khảo cứu Lê Minh Quốc được Công ty Đông A đặt hàng viết kịch bản hai bộ truyện danh nhân lịch sử và danh nhân văn hóa, cho biết: “Quan điểm của tôi, khi viết cái gì cho độc giả thiếu nhi là làm hết sức mình. Nhất là viết về danh nhân lịch sử lại cẩn trọng hơn nữa. Động lực thúc đẩy làm việc là khi có thêm một đứa trẻ biết về danh nhân nước nhà thì bản thân người biên soạn và đơn vị làm sách đã làm một việc thiện. Thiện ở đây có nghĩa là góp phần vun đắp các em thêm yêu lịch sử nước mình, để mai sau các em sống tốt hơn, yêu non sông đất nước, tự hào với cha ông mình hơn”.

Sự cẩn trọng là tối cần thiết khi làm truyện tranh về lịch sử, như bộ truyện Lịch sử Việt Nam bằng tranh của NXB Trẻ chẳng hạn. NXB Trẻ đã huy động và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ một lực lượng trí thức và họa sĩ hùng hậu cho dự án này, với những tên tuổi: nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, các nhà khoa học Tôn Nữ Quỳnh Trân, Nguyễn Khắc Thuần, Đinh Văn Liên, Lê Văn Năm, các họa sĩ gạo cội như Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Quang Cảnh, Nguyễn Đức Hòa, Nguyễn Huy Khôi, Lâm Chí Trung và sau này là các họa sĩ Tô Hoài Đạt, Lê Phi Hùng, Lê Tường Thanh, Nguyễn Văn Tiến…

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ cho biết: “Khi thực hiện Lịch sử Việt Nam bằng tranh, gần như các họa sĩ và người biên kịch phải thường xuyên phản biện với các nhà khoa học. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng là người quan tâm thường xuyên đến bộ truyện này. Khi một tập truyện hoàn thành, gần như đều được cụ Trần Bạch Đằng xem kỹ. Các họa sĩ thường xuyên phải giải trình với cụ là căn cứ vào sử liệu nào để vẽ họa tiết này. Do hết sức cẩn trọng nên dù hơn 15 năm, NXB Trẻ vẫn chỉ xuất bản được chừng ấy tập truyện”.

Do phải cần trọng, đầu tư nhiều về thời gian và công sức, nên dù thị phần truyện tranh đề tài lịch sử, danh nhân nước Việt luôn là thị trường độc quyền và rộng mở với các đơn vị xuất bản xứ ta, nhưng xem ra vẫn không nhiều người tham gia sân chơi này!

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm