(lienminhbng.org) - Những lời chỉ trích mà Pep Guardiola nhắm vào Barca chỉ là một phần trong câu chuyện về một loạt vấn đề nhạy cảm tồn tại trong lòng đội bóng. Phần lớn những vấn đề ấy có chung một điểm xuất phát: Sandro Rosell.
Ngày 1/7/2010, Sandro Rosell bước vào ngôi nhà FC Barcelona với cương vị Chủ tịch đời thứ 39. Trong 3 năm qua, Rosell giành 8 danh hiệu khác nhau cùng Barca, mà đỉnh cao là hai chức vô địch La Liga, và ngôi quán quân Champions League. Rosell cũng giúp Barca cải thiện được gần 100 triệu euro tiền nợ. Mặc dù vậy, cần phải xem lại khái niệm “hơn cả một CLB”.
Giữ khoảng cách với Pep
Đó là sự thật! Giữa Rosell và Pep luôn tồn tại một khoảng cách. Chưa bao giờ mối quan hệ giữa Rosell và Pep suôn sẻ như nụ cười trên môi họ, khi cùng ăn mừng những chiến công với Barca. Không ai phủ nhận Pep là một huyền thoại ở Camp Nou, đặc biệt là trên cương vị thuyền trưởng, kể cả là Rosell. Thế nhưng, vị Chủ tịch của Barca lại có sự e ngại vì Pep là sản phẩm của triều đại cũ - đối thủ Laporta.
Pep luôn tôn trọng tình bạn, những ai tiếp xúc với ông đều biết điều đó. Ngay cả Roberto Baggio, người rất ít lên tiếng về đời tư và có thời gian ngắn đá chung với Pep, cũng hết lời khen ngợi vị HLV đã có 2 Cúp Champions League này. Là người sống tình cảm, Pep luôn giữ mối quan hệ với Joan Laporta, cùng những quan chức cũ của Barca như Txiki Begiristain, Rafa Yuste, Joan Patsy, và cả Johan Cruyff. Họ thường cùng nhau ăn tối. Điều này càng khiến Rosell không hài lòng. Tất cả những người trên đều ít nhất một lần chịu lời lẽ không hay từ Rosell.
Vết nứt lớn nhất trong mối quan hệ Pep - Rosell diễn ra ngày 25/9/2011. Hôm ấy, sau khi Barca giành kết quả “bàn tay nhỏ” trước Atletico Madrid, Pep bước vào phòng họp báo ở Camp Nou và làm tất cả phóng viên ngạc nhiên. “Tôi có cảm tình rất tốt với bộ máy lãnh đạo cũ. Sau rất nhiều điều vĩ đại đã làm cho đội bóng, họ không đáng phải chịu như thế”. Lời nói của Pep ám chỉ đến việc Laporta từng bị cáo buộc tham nhũng năm 2010 và một vài nhân vật lãnh đạo khác cũng liên quan.
Trong cuộc họp báo chia tay Pep, thay vì ca ngợi thành tựu mà ông làm cho Barca trong 5 năm, tính luôn cả khi còn dẫn dắt Barca B, Rosell tập trung nhấn mạnh về người kế thừa Tito Vilanova. Không thức giận, nhưng Pep cũng có chút ấm ức riêng.
Cuối tháng Ba vừa qua, một bài báo xuất bản ở xứ Catalunya bất ngờ đưa tin Pep và Tito không nhìn mặt nhau tại New York. Nhiều người cho rằng, Rosell đứng đằng sau thông tin này. Cũng chính Rosell còn kéo Pep vào cuộc chiến giành chữ ký của Neymar, bằng cách tung tin về những lời lẽ không mấy hay ho. Điều này vượt quá giới hạn, và Pep bùng nổ bằng những phát biểu chỉ trích sự bạc bẽo của CLB cũ.
Đâu rồi, khái niệm “hơn cả một CLB”?
Rất nhiều lần Rosell tự hào rằng Barca “hơn cả một CLB”. Rosell còn thể hiện rằng, khái niệm này cũng là chiêu bài để ông tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo, diễn ra năm 2015. Nhưng nhìn vào ba năm đầu tiên Rosell giữ cương vị cao nhất, khái niệm mà bất kỳ một cule nào cũng phải tự hào ấy đang bị mai một.
Ngày 26/3/2010, trước khi thất bại trong cuộc tranh cử với Rosell, Laporta quyết định trao chức Chủ tịch danh dự cho Johan Cruyff. Đây là bước đi được nhiều cule ủng hộ, Cruyff là một phần lịch sử Barca, và là người có công lớn để khai sinh La Masia đình đám như ngày nay. Sau đúng 4 tháng - và cũng chỉ vài ngày sau khi thắng cử, Rosell tước đi danh hiệu của Cruyff, và dành cho ông những lời lẽ chẳng tốt đẹp gì.
Trong giai đoạn đầu mùa 2010-11, khi Barca của Pep đang gặt hái kết quả tích cực trên sân cỏ, trong Hội đồng quản trị nảy sinh vấn đề nghiêm trọng. Chính Rosell tạo nên một cảnh hỗn loạn trong cuộc họp Hội đồng với những vấn đề thiếu hợp lý mà ông tự biên tự diễn, và đây là sự cố đầu tiên trong lịch sử Barca, cũng như lịch sử bóng đá TBN.
Không những thế, Rosell còn liên tục lôi Laporta ra tòa với cáo buộc tham nhũng và yêu cầu ông này phải chịu trách nhiệm về những khoản lỗ trong quá khứ. Barca đang phải sống chung với những điều xấu đến từ Rosell - người đã chi 206 triệu euro cho chuyển nhượng.