Nhà thơ Phan Huyền Thư: Nhà thơ không là 'loài dị biệt'

06/10/2014 16:38 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Sau hơn 10 năm vắng tiếng trên văn đàn, nhà thơ Phan Huyền Thư trở lại với bản thảo thơ Sẹo độc lập, được phát hành bởi Nhã Nam và chiều 29/9 chị đã có buổi giao lưu ký tặng sách tại Hội sách Hà Nội - Thành phố vì hòa bình diễn ra từ ngày 26/9 đến 2/10 tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. Bản thảo tập thơ có những câu ấn tượng với nhịp ngắt như sau:

“…tôi

được độc lập

với mẹ

bằng sợi dây

rốn

cắt đứt cơ thể

vết

sẹo làm người…”

Nhân dịp này, TT&VH Cuối tuần có cuộc đối thoại cùng nhà thơ Phan Huyền Thư về thơ và người thơ.

Sợ sự u tối của nhận thức

* Khi đọc tập thơ mới, tôi nhận ra một số bài chị đã sáng tác cách đây hơn 10 năm và chưa công bố chính thức?

- Đơn giản là vì có những điều, người ta chỉ có thể tâm tình với nhau khi mọi hiểu lầm, cay đắng bẽ bàng đã đi qua. Thậm chí, có rất nhiều bài thơ, tôi viết như một cách trò chuyện với chính mình, hoặc trần tình với bạn bè vài điều mà thay vì gặp nhau, uống với nhau vài ly hay chỉ là ngồi yên lặng bên nhau suy ngẫm. Nhiều khi người ta khó giãi bày hơn là một mình đối diện với trang giấy trắng.

Tôi độc thoại là chính, ít gặp bạn bè nhưng luôn sống hết lòng với họ trong tâm tưởng. Điều này khiến cho tôi có ý định tuyển chọn những bài thơ chủ yếu viết để trò chuyện với bạn bè trân quý thành một tập.


Nhà thơ Phan Huyền Thư

* Có những khi tôi nghĩ, chị đã bỏ quên thơ ở đâu đó, sau những bận rộn phim trường, và cả những mũi dao thị phi cay đắng chực chờ đâm nát tâm hồn chị?

- Tôi thì ngược lại, có những khi tôi nghĩ, thơ đã bỏ tôi rồi! Cũng có thời gian tôi không viết được gì. Hay đúng hơn là viết rồi lại xóa hết. Có điều gì đó bất ổn khi mình không tìm thấy mình trong con chữ nữa. Không tìm thấy mình trong nỗi đau ấy nữa... chỉ là vì đã quá ngưỡng đau.

Nhưng nếu cho tôi nói thật, tôi đã từng tự miệt thị mình vì trong lúc sực tỉnh, tôi thấy cái tư cách của một “con đàn bà” làm thơ nó vừa rũ rượi sướt mướt, lại vừa ngộ nhận một cách đáng thương. Chết đuối trong khổ đau và nước mắt của chính mình. Tôi đấy ư? Sao mà “yếm thế” đến vậy nhỉ?!

Rồi tôi cũng đã thỏa thuận được với mình: “Không bao giờ rơi lệ vì những ai không hiểu giá trị của giọt nước mắt”, nhưng có lẽ điều đó cũng là nơi nương náu của thi ca chăng?

* Tập thơ mới thể hiện rõ sự biến chuyển tâm thức của chị trong hơn 10 năm qua, thấy được những bài cách đây 10 năm, dịu dàng sâu lắng, nữ tính và cũng hoang mang hơn, còn bây giờ, sao cay đắng đầy rẫy những vấn đề u minh thế?

- Vấn đề lớn nhất mà tôi ngộ ra được trong khoảng thời gian 10 năm như bạn nói đó là: “Rồi ai cũng sẽ phải trở về ngôi nhà mang tên chính mình”. Tôi đã từng thấy mình như con ốc sên bị đập nát vỏ, lết đi giữa rong rêu tháng ngày với những mảnh vỡ còn găm đầy trong nhuyễn thể, mỗi một lê lết lại một đớn đau.

Trước đây, tôi sợ nghĩ sai, làm sai, sợ đắng cay, bẽ bàng. Bây giờ tôi vẫn sợ nhưng là sợ mình sẽ không còn nhận được ra những đắng cay hay sai lầm ấy nữa. Tôi sợ nhất sự u tối của nhận thức. Bạn sẽ thấy sự giằng co với sự u tối của chính mình trong tập thơ này.

* Khi viết, chị có nghĩ, những ngôn từ rút ra từ tim đau và vết thương bởi sự độc ác của người đời này, sẽ cảnh tỉnh được tâm hồn để con người sống thiện lương, tử tế hơn?

- Chữ nghĩa như một hợp chất kỳ lạ, có thể cầm máu, cầm nước mắt, liền vết thương và giảm đau rất hữu hiệu... Tôi tự chữa lành cho mình những vết thương và tự nhủ rằng không được phép “ăn vạ”.

Nhà thơ không thể là “loài dị biệt” theo cách cứ tự làm mình đau rồi kêu toáng lên cho mọi người phải chú ý. Không được phép ngụy tạo cho những nhầm lẫn có thực. Không được phép ngụy biện cho những hành vi nông cạn và ngu dại của mình. Im lặng và viết. Tác phẩm chính là sự lý giải tốt nhất trước những lầm lẫn, thị phi hay đơm đặt của đời sống.

Tôi là người đau khổ, vì quá hạnh phúc

* Tôi không còn thấy trong thơ chị hình ảnh một người đàn bà đau nỗi đau riêng của mình nữa, mà là tiếng nói của rất nhiều đàn bà cứng cỏi khác, có những chất chứa thời cuộc?

- Tôi có một niềm tin rằng thơ của tôi sẽ khiến người ta nhìn vào cuộc sống trực diện hơn và sống cũng thận trọng hơn. Hình như mọi người đang có thái độ buông tuồng và cẩu thả trong đời sống này. Họ sống hời hợt, dễ dãi với cả nỗi buồn, niềm vui của mình hàng ngày. Thực ra, tôi thấy thông cảm nhiều hơn là trách móc cho những sự hời hợt và ngộ nhận của những tạng người bản năng mạnh. Nhưng một nghịch lý là những người đàn bà sâu sắc thực sự, họ lại luôn thấy mình hẹp hòi, dốt nát và yếu ớt. Chính tôi là một thực trạng.     

* Đọc thơ chị, tôi thấy đau và mệt, còn chị, chị có tâm trạng thế nào khi sáng tác?

- Lâu nay tôi viết cực khó. Là do chính tôi khó với mình thôi. Trước đây, mỗi khi viết, tôi có cảm giác như vừa vứt ra khỏi cuộc đời mình một thứ gì đó rất mơ hồ và đương nhiên là thấy nhẹ nhõm đi rất nhiều. Bây giờ lại khác. Tôi cảm thấy mình có lỗi khi quăng ra từng mảnh hồn mình và làm phiền đến sự tĩnh lặng, hồn nhiên của người khác. Tâm trạng của tôi hiện nay hầu như là luôn sám hối. Và chữ chỉ là một phương tiện như tiếng mõ, tiếng chuông để những câu kinh siêu hình trong tôi được dẫn độ đến một cảnh giới cần phải đến.

* Làm thế nào để cân bằng giữa tâm hồn lúc nào cũng bùng nổ cảm xúc và dễ nổi loạn của người thơ, với lý trí đủ tạo ra mềm mỏng, chấp nhận, chịu đựng mà cũng cương quyết của người làm đạo diễn?

- Cũng đơn giản thôi, cơ chế tự cân bằng khi tôi phải làm một nhà thơ nữ với khi tôi là một bà mẹ có ba con trai. Sự tự điều chỉnh giữa một đạo diễn nữ với một tập thể các đồng nghiệp nam trong một hãng phim của nhà nước. Chính điều đó đã là cán cân “công lý, tâm lý và cả sinh lý” nữa. Vô cùng ẩn ức. Và vì thế mỗi khi sáng tác xong cả thơ và phim thì đều vô cùng thăng hoa. Tôi là một người đàn bà đau khổ vì quá hạnh phúc mà.

* Xin cảm ơn chị.

Việt Quỳnh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm