Đạo diễn Phan Huyền Thư: Không thể đùa với giá trị thiêng liêng!

11/01/2015 10:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Là người thuộc lớp nghệ sĩ trẻ, có cái nhìn cởi mở, đa chiều song đạo diễn Phan Huyền Thư thẳng thắn chỉ trích gay gắt hành động của một vài người trẻ trong Lễ hội Ake Ome! Theo nghệ sĩ trẻ này, không có một nguyên nhân nào “để chấp nhận điều thô bỉ này”.

* Trong vụ việc này chúng ta nên có cái nhìn như nào cho phải?

- Việc đáng xấu hổ như vậy thì chúng ta còn đòi nhìn nhận vấn đề gì nữa chứ? Rõ ràng là chúng ta đang thiếu vắng tư cách riêng của cả một thế hệ trẻ Việt Nam. Gương mặt, diện mạo, lực lượng thì hùng hậu đấy, nhưng mà thiếu nhận thức, thiếu kỹ năng nên thiếu cả nhân cách lẫn tư cách!

* Người trẻ thích đùa, điều này có thể “biện minh” cho những hành động phản cảm này không?

- Có nhiều cách để tìm kiếm niềm vui cho cá nhân hoặc cho cộng đồng, nhưng chưa bao giờ niềm vui của con người có hiểu biết, có giáo dục lại đến từ việc hạ thấp nhân phẩm người khác, chà đạp lên danh dự người khác, hay xúc phạm đến những giá trị thiêng liêng, riêng tư của người khác chứ đừng nói tới đây lại là một giá trị thiêng của một nền văn hóa nước ngoài! Tôi thấy không có bất kỳ lý do gì để chấp nhận điều thô bỉ này!


Đạo diễn Phan Huyền Thư

* Có vẻ như chúng ta đang bị hổng một khoảng trống lớn trong giáo dục tiếp nhận văn hóa trong thế giới phẳng?

- Chúng ta trách móc những người trẻ không có nghĩa là chúng ta có quyền coi đó chỉ là lỗi lầm riêng của họ. Phải tự xem lại thế hệ cha anh họ trong cách tiếp nhận văn hóa ngoại lai. Những bộ phim Hàn Quốc, Trung Quốc đang tràn ngập màn hình ti-vi nhà bạn không dạy họ cách ứng xử với nền văn hóa khác mà chỉ cho họ sự cảm thụ xa rời các vấn đề mang tính kỹ năng mềm. Bạo lực và tình dục, tham nhũng và giết chóc tràn lan trên truyền thông khiến cho chính chúng ta thấy sự hình thức, hời hợt và ngụy tạo của cái gọi là “lễ hội văn hóa”. Không ít người cho rằng các lễ hội văn hóa ngày nay chỉ gắn liền với PR và thương hiệu, scandal... Và tự thân nó cũng đã mất thiêng lâu rồi!

* Ở một khía cạnh khác, chị có nghĩ việc việc “bê nguyên” một lễ hội văn hóa quốc gia này vào quốc gia khác cũng không thật đúng vì nó không hợp với cộng đồng sở tại?

- Tôi kính phục sự kiên nhẫn và trung thành của người Nhật. Nhưng tôi cũng cho rằng đừng nên ảo tưởng về việc giao lưu văn hóa nghệ thuật với một xứ sở còn đầy bất an và thiếu thốn vật chất, lệch lạc về giáo dục như Việt Nam. Chúng ta đã, đang và vẫn sẽ còn lạc hậu về lĩnh vực phát triển văn hóa chừng nào chúng ta vẫn còn ngộ nhận rằng mình đã phát triển và tiến bộ không thua kém gì ai!

Phạm Mỹ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm