01/09/2021 07:07 GMT+7
(lienminhbng.org) - “Ai ở đâu ở đó”, tổ hợp 5 âm tiết này đang được nhắc đến nhiều trên báo chí - truyền thông trong chiến dịch chống Covid-19 đang ở giai đoạn rất căng thẳng ở Việt Nam hiện nay.
Chỉ có 5 âm tiết rất ngắn gọn nhưng đây là một thông điệp hàm súc, phản ánh rất rõ quan điểm chống dịch của cơ quan chức năng gửi tới người dân, nhất là ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Nó thể hiện một chủ trương, một giải pháp tình thế rất quan trọng, cấp bách, cần phải thực thi. Trong bài này, tôi chỉ tập trung phân tích nội dung ngữ nghĩa của tổ hợp từ nói trên cho rõ hơn mà thôi.
Đọc qua, chắc nhiều người liên tưởng ngay tới cụm từ “ở đâu”, vốn được dùng rất thông dụng trong các câu hỏi: “Anh đang ở đâu?”, “Nó ở đâu mà tìm?”, “Sách này có ở đâu?”. Nhưng trong nhiều trường hợp không dùng để hỏi thì người ta cũng không dùng “ở đâu” như một kết hợp tự do.
“Ai ở đâu ở đó”, như đã nói, có 5 thành tố, 5 âm tiết, nhưng chỉ có 4 từ (ai, ở, đâu, đó) do từ “ở” được lặp lại 2 lần. Ta thử xem Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) lần lượt giải nghĩa (chỉ dẫn nghĩa được coi là thích hợp với ngữ cảnh sử dụng này):
Ai, đại từ, nghĩa 2. Từ dùng để chỉ người bất kì nào đó (VD: "Đố ai quét sạch lá rừng/ Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây" - ca dao).
Ở, động từ, nghĩa 2. Có mặt trong một thời gian hoặc một thời điểm nhất định, tại một nơi, một chỗ nào đó (VD: Bây giờ tôi đang ở cơ quan. Ở có mấy hôm rồi lại đi).
Đâu, đại từ, nghĩa 1. Từ dùng để chỉ một nơi, một chỗ nào đó, cần được xác định [thường dùng để hỏi] (VD: Chợ ở đâu? Hai chị em rủ nhau đi những đâu? Đi công tác ở đâu?).
Đó, như đại từ đấy: Đấy, đại từ, nghĩa 1. Từ dùng để chỉ một sự vật, địa điểm, thời điểm hoặc sự việc đã được xác định, được nói đến, nhưng không ở vào vị trí người nói, hoặc không ở vào lúc đang nói (VD: Đấy là dãy nhà tập thể. Từ đấy về sau. Lúc đấy anh đang ở đâu? v.v…).
Như vậy, “ở” là động từ (giữ vai trò vị ngữ), “đâu”, “đó” là đại từ chỉ định (chỉ nơi chốn, thời điểm…).
Tổ hợp “ai ở đâu ở đó” được hiểu đầy đủ là “Ai đang ở đâu thì ở yên đó (không được di chuyển vị trí)”. “Ai” là đại từ vô nhân xưng, không nhằm vào một người nào cụ thể, nhưng ở đây, “ai” (tức mọi người liên quan) đều có thể liên hệ tới chính bản thân mình, nhận thấy bổn phận của mình cần thực hiện. Đó chính là thông điệp “khẩn” mà các địa phương đang giãn cách xã hội cần quán triệt khi thực hiện với quyết tâm dập dịch nhanh và hiệu quả.
Ở đâu ở đó em ơi
Còn ngày gặp gỡ ta thời tính sau.
PGS-TS Phạm Văn Tình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất