23/10/2024 19:00 GMT+7 | Văn hoá
"Chào" là một hành vi bình thường trong nghi thức giao tiếp của con người với nhau. Đó là việc "tỏ thái độ kính trọng, hoặc quan tâm đối với ai bằng lời nói hay cử chỉ, khi gặp nhau hoặc khi từ biệt". (Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).
Như vậy, khi gặp gỡ hay chia tay người ta đều cần phải chào như một cử chỉ giao tiếp cần thiết ("Đi đến nơi nào lời chào đi trước/ Lời chào dẫn bước con đường bớt xa/ Lời chào thành quà khi gặp các cụ già/ Lời chào thành hoa nở ra bao việc tốt" - lời bài hát Lời chào của em của Nghiêm Bá Hồng). Trong bài này, tôi chỉ trao đổi về chuyện người Việt Nam chào khi gặp nhau.
Còn "chào hỏi" là một tổ hợp từ quen thuộc, vừa khái quát, vừa cụ thể về chuyện người Việt Nam chào nhau. "Chào hỏi" là "chào và hỏi han khi gặp nhau" (Từ điển, đã dẫn). Với nhiều ngôn ngữ khác, nghi thức này chỉ là một tổ hợp chào đơn giản. Khác chăng là ở vài ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga chẳng hạn) có sự phân biệt lời chào theo chiết đoạn thời gian trong ngày (chào buổi sáng, buổi trưa, buổi tối).
Người Việt Nam cũng dùng lối chào "chung chung" theo công thức "(vai người chào) + chào + đại từ hoặc tên người được chào"; ví dụ: Chào bạn! Chào đồng chí! (Cháu) chào bác! (Em) chào anh/ chị… Nhưng phổ biến nhất là lời chào kèm câu hỏi hoặc chỉ dùng câu hỏi thay lời chào: Cháu chào bác! Bác ra phố ạ?/ Chào em! Đi làm sớm thế?/ Chào! Hôm nay "sành điệu" nhỉ?/ Anh đi đâu vậy?/ Đi Hàn mới về à?...
Nhiều người (trong đó có các nhà nghiên cứu) cho việc hỏi han như vậy là thừa, hình thức, không cần thiết, vì bản thân các câu hỏi không có giá trị thông tin (câu hỏi không chính danh, đưa ra "vô thưởng vô phạt", hỏi để cho có). Không ít các chuyên gia ngôn ngữ - tâm lý lên tiếng chê bai cách thức hỏi này. Họ nói người phương Tây (vốn coi trọng đời sống riêng tư) đã bị "sốc" khi nghe những lời chào theo thiên hướng hỏi của người Việt Nam (sao cứ thóc mách vào chuyện công việc, gia đình khi chêm vào lời chào những câu hỏi "ngoài lề" rất không phù hợp?).
So sánh để thấy sự khác biệt của mỗi dân tộc về văn hóa chào hỏi. Ta tôn trọng bản sắc ngôn ngữ của các dân tộc khác, nhưng không vì thế mà coi nhẹ ngôn ngữ dân tộc mình, thậm chí đánh giá "kém văn minh". Hệ quy chiếu văn hóa có giá trị khác nhau.
Trong ngôn ngữ nhiều khi xuất hiện những yếu tố mà ta tưởng là thiếu hoặc thừa. Nhưng cái thừa và cái thiếu nào cũng đều có cái lý riêng của nó. Hỏi kèm với lời chào của người Việt Nam là không vô cớ. Đó chính là "đặc sản" làm nên sự khác biệt trong quan niệm dân gian về cách thức ứng xử cộng đồng, xuất phát từ mấy lý do:
1) Hỏi vì muốn biết thông tin của người khác để xác định một trạng huống. Câu hỏi "Cô đi chợ ạ?" (thấy bà cô xách làn ra phố) nhằm xác định đúng phán đoán của mình (rồi khuyên cô cẩn thận kẻo trời sắp mưa, hoặc nán chờ gặp cô sau khi cô xong công việc). Câu hỏi "Anh vừa đến cơ quan ạ?" (Anh đang đứng sờ sờ ở cơ quan) là để xác định "anh" đến cơ quan chưa lâu và như vậy thì công việc có thể chuẩn bị triển khai.
2) Hỏi để thể hiện sự quan tâm, chia sẻ. Đây là vấn đề chính của mọi câu hỏi. Chẳng hạn, khi hỏi "Khỏi ốm (đi làm) rồi à?" là người bạn hàm ý rằng "Mình vẫn quan tâm đến bạn và (trước hôm nay) đã biết bạn ốm". Hoặc câu hỏi "Đưa con nhập học đấy à?" thể hiện người hỏi vẫn cập nhật thông tin về gia đình bạn (biết con bạn đỗ đại học). Hoặc câu hỏi "Chào cậu! Sao mấy tuần nay không gặp?" thì đằng sau sự thắc mắc là điều lo lắng cho bạn.
3) Hỏi để khơi mào cho một cuộc giao tiếp tiềm năng. Câu hỏi gợi ý câu trả lời và đó là cách tốt nhất phát triển cuộc thoại. Chẳng hạn câu chào "Anh xem bóng đá ạ?" có thể dẫn đến cuộc trao đổi giữa 2 người xa lạ nhưng đam mê bóng đá. Câu chào "Em về muộn thế?" sẽ bắt nguồn cho sự bộc bạch của "em" với người chào vì lý do về muộn bất thường…
Có quá nhiều câu hỏi trong lời chào mà người chào dùng theo hướng "ngữ dụng". Câu hỏi đó xuất phát từ sự đánh giá, điều quan tâm, để từ đó bày tỏ sự cảm thông, động viên, an ủi người khác và đối tượng được chào hỏi cũng cảm thấy ấm lòng.
Dĩ nhiên, không phải đối tượng nào cũng được dùng câu hỏi để chào. Chỉ với những người được coi là có quan hệ thân tình, cởi mở, đồng quan điểm và sở thích. Với những người xa lạ, mới quen, người ta chỉ dùng một lối chào đơn giản, trung tính (miễn là thực hiện xong một nghi thức "kết nối" khi gặp mặt).
Chào hỏi phải có quá trình
Câu hỏi chứa đựng cái tình ở trong.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất