Chữ và nghĩa: "Thâm Đông thì mưa…"

11/09/2024 06:58 GMT+7 | Văn hoá

"Thâm Đông thì mưa, thâm dưa thì khú, thâm nhũ thì chửa", đó là nguyên văn câu tục ngữ đã được Vũ Ngọc Phan sưu tầm, thống kê trong cuốn "Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam" (NXB Khoa học xã hội, 1978), trang 222.

Tục ngữ này được Nguyễn Đức Dương (Từ điển tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) giải thích như sau: "Nếu trời đằng Đông bị tối đi (là điềm) trời sắp đổ mưa; mặt dưa bị xỉn đi (là điềm) dưa sắp bị khú; đầu vú (từ hồng) chuyển sang thâm (là điềm) chủ nhân của nó đã có thai".

3 vế của câu tục ngữ miêu tả 3 sự tình, 3 kinh nghiệm (thuộc 3 lĩnh vực) đã được dân gian truyền tụng từ bao năm rồi. Cả 3 vế đều giống nhau về cách diễn đạt. Chúng đều có mô hình cấu trúc "(Nếu) A thì B" mà ở câu ghép này có 2 mệnh đề liên kết với nhau theo logic của phép kéo theo. Đọc lên ta thấy ngữ nghĩa rất tường minh.

Chữ và nghĩa: "Thâm Đông thì mưa…" - Ảnh 1.

Tranh minh hoạ. Nguồn: Internet

Vế 1 nói về kinh nghiệm xem thời tiết. Vế 2 là kinh nghiệm xem món dưa muối (dưa: Thức ăn làm bằng một số loại rau muối chua, như rau cải, su hào, rau sắn, dưa chuột…). Vế 3 là kinh nghiệm đánh giá việc thụ thai của phụ nữ nào đó. Cả 3 kinh nghiệm này đều rút ra từ sự quan sát bằng mắt. Dấu hiệu điển hình là sự chuyển màu bất thường của sự vật, hiện tượng, cụ thể là sự chuyển đổi màu sáng sang màu tối, sẫm.

Trong một số cuốn từ điển, tục ngữ này còn được chuyển chú xem một biến thể khác: "Sầm Đông thời mưa, sầm dưa thời khú, sầm nhũ (vú) thời chửa (nghén)". Tuy có thay đổi một vài thành tố (thâm = sầm, thì = thời, vú = nhũ, chửa = nghén) nhưng về cơ bản ngữ nghĩa chung của các biến thể này là giống nhau (đều phản ánh 3 kinh nghiệm dân gian). Tuy nhiên, ở đây có từ "sầm" là đáng lưu ý (khi nó tham gia vào cấu trúc tổ hợp). "Từ điển tiếng Việt" (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) giải nghĩa "sầm" là "1. [bầu trời] tối lại một cách đột ngột; 2. [vẻ mặt] bỗng nhiên mất tươi, có vẻ như tối lại và trở nên nặng nề". Còn "Từ điển tục ngữ Việt" (Nguyễn Đức Dương, đã dẫn) thì giải nghĩa "sầm" là "trở nên thâm đi (do ít được chiếu sáng)".

Như vậy, "thâm" (hoặc đen) là hệ quả của "sầm". Có "sầm" mới dẫn đến "thâm". Ví dụ: "Trời bỗng sầm rất nhanh" tức là trời chuyển đổi sáng thành tối. "Mặt nó tự nhiên sầm lại" là "mặt của "nó" đang bình thường dần dần chuyển trạng thái, không còn sáng sủa, vui tươi mà thành mặt lạnh, khó chịu". Như vậy, "sầm" là một từ "đồng hành" nhưng không hoàn toàn đồng nghĩa với "thâm" và "tối".

Nhờ "sầm" mà trời mới "thâm"

Kéo theo là trận mưa dầm chiều nay

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm