08/07/2020 06:51 GMT+7
(lienminhbng.org) - “Bàn tròn” tất nhiên là "bàn phải có hình tròn". Mà hình tròn là "phần mặt phẳng giới hạn bởi một đường tròn". Còn đường tròn là "tập hợp tất cả các điểm trong mặt phẳng cách đều một điểm cố định [gọi là tâm] một khoảng không đổi [gọi là bán kính]" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).
Hội nghị bàn tròn (tiếng Anh: a round-table conference, tiếng Pháp: conférence de la table ronde) là danh từ, chỉ một loại hội nghị liên quan tới cái "bàn tròn". Đây là một danh từ, chỉ các cuộc họp quan trọng, có nhiều đối tác tham gia, có thể là các cơ quan, các tổ chức trong một quốc gia, hoặc là đại diện các quốc gia hay các tổ chức quốc tế.
Thông thường, tại các hội nghị trong và ngoài nước, nhất là trong các hội nghị chính thức hay các buổi chiêu đãi trọng thể, người ta rất chú ý đến thứ bậc chỗ ngồi của chủ và khách.
Theo lệ thường, các vị trưởng đoàn ngồi giữa, còn tân khách thì tùy theo địa vị, tư cách... mà người ta sắp xếp chỗ sao cho phù hợp. Nhưng quả thật, nhiều khi sự "phân ngôi xếp bậc" như vậy đã đặt chủ nhà hay ban tổ chức vào thế khó. Bởi căn cứ vào tiêu chí nào để đưa ra một cách "định vị" ngôi thứ cho thỏa đáng (cơ bản được chấp nhận) là điều không dễ dàng, nhất là thành phần, cơ cấu các đoàn lại đa dạng, không tương đương.
Quay lại lịch sử liên quan tới "bàn tròn". Tương truyền, vào thế kỷ 5, dưới triều vua Arthur của nước Anh, có một nhân vật được coi là "hiệp sĩ huyền thoại”, đã có một sáng kiến: Trong các cuộc hội họp hay yến tiệc đông hiệp sĩ, đa dạng về thứ bậc (có người thuộc dòng dõi quý tộc hay công thần), thay vì như trước đó người ta phải phân ngôi thứ để bố trí các ghế ngồi thì Yawangse cùng với các kị sĩ (knights) của ông sẽ ngồi quanh một chiếc bàn tròn (kích thước to nhỏ tùy theo số lượng người tham gia).
Sáng kiến này quả là đắc dụng vì không phải lo thu xếp chỗ ngồi sao cho thuận với đa số hiệp sĩ. Nếu không có thể gây mâu thuẫn, làm nảy sinh tâm lý ghen tị (khi người này ngầm so sánh với người kia). Một tiếng giữa làng là lớn lắm. Trong nhiều hội nghị quan trọng sau này, người ta có thể từ "chuyện chỗ ngồi" mà suy luận, cho rằng chủ nhà hay ban tổ chức có dụng ý "nhất bên trọng nhất bên khinh". Điều này dễ làm mất lòng mất bề như chơi. Không hiếm trường hợp, có khi chính chuyện tưởng "nhỏ như con thỏ" đó lại là nguyên cớ xảy ra bất hòa, dẫn đến các cuộc thương thuyết thất bại.
Trở lại với đề xuất ở trên của các chàng hiệp sĩ nước Anh. Sáng kiến đó đã trở thành một giải pháp hay. Thế là sau Thế chiến I, hầu hết các hội nghị, hội đàm quốc tế đều tổ chức theo thể thức “hội nghị bàn tròn”. Nhờ phát kiến này mà Vua Arthur cùng các kị sĩ của mình được người đời sau quen gọi là các “hiệp sĩ bàn tròn” (knights - round table).
Lúc đầu, trong các hội nghị bàn tròn, mọi cử tọa được thu xếp ngồi xung quanh một chiếc bàn chính, to, hình tròn, phía sau có thể kê thêm ghế cho các đại biểu khác ngồi quây quanh. Nhưng dần dần, các hội nghị sau này không nhất nhiết phải kê một chiếc "bàn tròn vành vạnh" nữa. Nó chỉ mang danh "a round-table conference" (hội nghị bàn tròn) như một từ có tính nghi thức, chỉ đặc thù của cuộc họp. Còn tại phòng họp, người ta có thể kê bàn tròn, bàn oval, bàn dài, bàn vuông... Bởi tính chất của những hội nghị như thế là "không phân biệt địa vị, ngôi thứ, mọi người tham gia đều bình đẳng".
PGS-TS Phạm Văn Tình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất