Chúng ta phải cảm ơn Ánh Viên một lần nữa

13/08/2015 10:08 GMT+7 | Thể thao

(lienminhbng.org) -  Những lần cảm ơn trước dành cho những kỳ tích mà Ánh Viên đã xuất sắc mang về, còn lần này là lời cảm ơn khi những nỗ lực của nữ kình ngư 19 tuổi đã cho thấy bơi lội Việt Nam thực sự đứng đâu trên bản đồ thế giới. Và đường tới với những giấc mơ còn xa lắm...

Đừng trách Ánh Viên

  8 HCV, 8 kỷ lục SEA Games, Ánh Viên trở thành Nữ hoàng trên đường đua xanh khu vực và dễ hiểu sau thành công ấy là những kỳ vọng lớn hơn được đặt vào cô gái mới 19 tuổi này. Sau số 1 Đông Nam Á, đương nhiên là phải vươn tới tầm châu lục và thế giới, thậm chí Ánh Viên còn được kỳ vọng sẽ mang về tấm huy chương Olympic lịch sử.

Dẫu những kỳ vọng ấy nằm ở thì tương lai, nhưng khi mà cơn sốt mới mang tên "Ánh Viên" còn chưa hạ nhiệt, thì rõ ràng lần tham dự giải vô địch thế giới thứ hai của tài năng sinh năm 1996 này được cả giới chuyên môn lẫn truyền thông đặc biệt trông đợi (lần đầu tiên giải bơi vô địch thế giới được tường thuật trực tiếp). Nếu Ánh Viên tiếp tục vượt qua được chính mình để đứng trong tốp 8 kình ngư hàng đầu thế giới như mục tiêu đã đặt ra thì đó cũng là kỳ tích lớn.

Và Ánh Viên đã làm được một nửa sự trông đợi đó qua những kỷ lục quốc gia và cũng là kỷ lục SEA Games của chính mình. Ở nội dung đầu tiên 200m hỗn hợp, Ánh Viên đã 2 lần lập kỷ lục mới với các thành tích: 2:13.41 (vòng loại) và 2:13.29 (bán kết). Tại nội dung cuối cùng 400m hỗn hợp, nữ kình ngư trẻ Việt Nam chỉ hụt cơ hội vào bán kết trong gang tấc khi bơi về hạng 10 chung cuộc sau 4:38.78 (thành tích tốt nhất của Ánh Viên ở nội dung này là 4:39.65 giây khi cô đoạt HCĐ tại Asiad Incheon 2014).


Ánh Viên đã cho thấy bước tiến bộ và nỗ lực đáng ghi nhận tại giải VĐTG và Cup thế giới

Không đạt được mục tiêu vào chung kết như đã đề ra, xem ra "cơn sốt Ánh Viên" có phần hạ nhiệt và đâu đó đã có lời "trách móc" nhắm vào những màn giao lưu kiểu "chạy show" của tiểu kình ngư. Nhưng nếu công tâm để nhìn, thì Ánh Viên không hề đáng trách bởi cô đã bơi vượt lên chính mình trong số 2/3 nội dung tham dự, trong khi giải vô địch thế giới cách SEA Games - đấu trường quá nhiều áp lực có Vàng là khá gần. Hơn thế, việc đứng trong tốp 16 nội dung 200m hỗn hợp và đặc biệt là hạng 10 thế giới 400m hỗn hợp cũng là những vị trí chưa từng có của bơi, lẫn điền kinh Việt Nam - 2 môn thể thao cơ bản nhất trong hệ thống thi đấu Olympic. Chỉ có điều...

... chừng đó vẫn là chưa đủ!

Chưa đủ không chỉ với mục tiêu giành quyền vào chung kết tại giải vô địch thế giới, mà còn là chưa đủ cho cả sự kỳ vọng vượt ra khỏi cái "ao làng" khu vực.

 3 lần phá 2 kỷ lục quốc gia và SEA Games của chính bản thân, nhưng cũng chỉ đủ giúp Ánh Viên vào sâu nhất là bán kết (200m hỗn hợp). Ở nội dung 400m hỗn hợp, dù bơi trên cả nhà vô địch Olympic London 2012 người Trung Quốc Ye Shiwen, thì cũng chỉ giúp Ánh Viên xếp hạng 10 chung cuộc.

 Và quan trọng hơn, qua 3 lần xuống nước tại giải vô địch thế giới, mặc cho vẫn là nữ kình ngư số 1 Đông Nam Á, thì những thông số chuyên môn có được vẫn là chưa đủ để Ánh Viên có thể tranh chấp huy chương tầm thế giới, hay Olympic. Thậm chí, ngay vào lúc này, việc tìm kiếm 1 tấm HCV châu Á thôi cũng đã là thách thức quá lớn, dù Ánh Viên đã từng có cho mình HCĐ ASIAD, HCV Olympic trẻ...

Vậy nên, trong cuộc trả lời báo chí gần đây, ông Nguyễn Hồng Minh, Nguyên vụ trưởng vụ thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT dù đánh giá cao màn trình diễn của Ánh Viên nhưng vẫn thẳng thắn nói rằng - Vấn đề của Ánh Viên ở đây là trình độ chưa đạt tới tầm có huy chương ở giải thế giới. Cũng theo ông Nguyễn Hồng Minh: " 1 năm nữa sẽ là cơ hội để Ánh Viên phấn đấu đến Olympic tại Brazil. Ta hi vọng Viên vào chung kết được, nhưng còn đạt được huy chương ở đấu trường này là rất khó”!


Tấm HCB nội dung 400m hỗn hợp tại Cup thế giới là thành tích mới nhất Ánh Viên có được

Vẫn phải nói lời cảm ơn

Không thể phủ nhận, sự ảo tưởng về khả năng của Ánh Viên sau màn thăng hoa trên đường đua xanh tại SEA Games 28 là có thật. Những con số chuyên môn đã được đưa ra so sánh và có vẻ như nó đã cận kề với những tấm huy chương thế giới, Olympic (và cũng kỳ lạ là không ít người còn... bỏ qua cả tầm châu lục) theo kiểu nghĩ... dấn 1 tí là tới!

Còn lúc này, sau giải vô địch thế giới thứ hai tham dự, khi Ánh Viên đã nỗ lực cao nhất và đã vượt lên chính mình, rõ ràng cái ảo tưởng ấy cần phải dẹp bỏ. Và trong lúc tài năng sinh năm 1996 này tiếp tục có những bước tiến vượt bậc trong 4 năm được đầu tư thông các chuyến tập huấn dài hạn tại Mỹ, thì những đối thủ của cô cũng tiến xa chả kém.

Ở độ tuổi 19 của Ánh Viên không hề là trẻ so với những ngôi sao khác trên thế giới bước lên bục huy chương tại giải đấu này. Gần hơn, nếu nhìn sang người hàng xóm Singapore vừa ghi dấu ấn lịch sử bằng tấm HCĐ thế giới đầu tiên của Joseph Schooling - kình ngư 20 tuổi, người mà cùng với Ánh Viên là 2 gương mặt xuất sắc nhất trên đường đua xanh SEA Games 28, thì bước tiến của nữ VĐV Việt Nam quả thật là chưa đủ.

Tất nhiên, chúng ta vẫn có quyền đặt hy vọng vào Ánh Viên, gần nhất có thể là 1 suất vào chung kết Olympic tại Brazil vào năm sau, hoặc 1 tấm HCV lịch sử tại giải vô địch châu Á cũng vào năm 2016 tại Tokyo (Nhật Bản) bởi tiềm năng của cô gái Cần Thơ này vẫn còn rất tiềm tàng. Nhưng cũng không thể cứ đặt hết lên vai Ánh Viên những kỳ vọng theo kiểu cấp số nhân và thực tế là nếu chỉ với 1 Ánh Viên, thể thao Việt Nam cũng khó có thể tạo được chỗ đứng bền vững trên bản đồ thể thao thế giới.

Nói xim cảm ơn Ánh Viên lần nữa là thế!

V.M
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm