Chuyện bê bối 'bao văn' giữa làng bút mực 90 năm trước

26/06/2021 06:30 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Chuyện này xảy ra cách nay vừa đúng 90 năm. Đấy là câu chuyện bị gọi là “bao văn” liên quan đến Diệp Văn Kỳ với Phan Khôi, Lê Cương Phụng hồi đầu năm 1931.

Lại Nguyên Ân “tri ân” Phan Khôi

Lại Nguyên Ân “tri ân” Phan Khôi

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sẽ có buổi tọa đàm chủ đề Xung quanh việc tìm lại những tác phẩm đăng báo của học giả Phan Khôi (1887-1959) vào lúc 9h ngày 26/3 tại Cà phê thứ Bảy (37 Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM).

Hồi ấy có một đoàn thể thao gồm mấy tay lái mô-tô cùng nhau làm một chuyến đi xuyên Việt, từ Nam Quan vào Sài Gòn. Hội thể thao Cercle Sportif Annamite chuẩn bị tổ chức tiếp đón.

Ông cử Diệp Văn Kỳ dự định sẽ diễn thuyết tại lễ tiếp đón ấy. Lúc đó tờ Thần chung mà ông là chủ nhiệm, đã bị đóng cửa, nhưng ông Kỳ đang là tổng thư ký Nam Kỳ báo giới tương tế lâm thời - một hội các ông chủ báo đang xin phép được thành lập - gia đình ông còn có nhà in Bảo Tồn do vợ ông là chủ.

Ông cử Kỳ muốn diễn thuyết về văn hóa địa dư các miền trên con đường từ Bắc vô Nam, nhưng tự mình không đủ tài liệu, bèn nhờ cậy 2 nhà báo: Ông cử Lê Cương Phụng và ông tú Phan Khôi. Ông Phụng góp một vài tài liệu văn thơ, ông Phan Khôi chủ trì, nhiều vốn liếng hơn, đã viết thành một bài dài chừng 25 trang giấy. Ông Kỳ nhận bài, hứa trả bài này 20 đồng.

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, tác giả bài viết

Đến bữa tiệc cộng đồng ở sân CLB Cercle Sportif Annamite đường Colombier, Sài Gòn, tối thứ Bảy 3/1/1931, không rõ vì một lý do gì đó, ban tổ chức bữa tiệc mà luật sư Trịnh Đình Thảo làm hội trưởng, lại nhất quyết ngăn cản, không cho ông Diệp Văn Kỳ diễn thuyết!

Ông Kỳ bèn đưa bài văn cho chủ bút nhật báo Trung lập lúc ấy là Bùi Thế Mỹ, ông Bùi thấy bài hay, vừa ngỏ lời khen, vừa cho đăng thành 10 kỳ báo, từ 19/1/1931 đến 2/2/1931, dưới nhan đề Nước non nhà.

Ông tú Khôi thấy báo đăng, rõ ràng văn của mình mà lại ký tên người khác, tiền thì chưa được trả, nổi xung lên bèn vác cây dù đi tìm cử Kỳ. Lời qua tiếng lại sao đó, rồi hỏi đến tiền, cử Kỳ rút ví chỉ có đủ 2 đồng đưa tú Khôi cầm tạm!

***

Chuyện loang ra trong làng bút mực Sài thành.

Chủ bút báo Đuốc nhà Nam là Đào Trinh Nhất viết trong mục “Chuyện thị phi” của báo mình một bài nhan đề Phuộc-nít-sơ văn chương, bảo rằng: Thứ văn có quan hệ đến lịch sử và địa dư như bài này thì chỉ có tài liệu là khó, chớ có tài liệu rồi thì ai viết chả được? Ý ông Nhất là công của tú Khôi và cử Phụng mới nhiều, chứ công sức viết của ông cử Kỳ chả đáng mấy! Viết và cung cấp tài liệu như tú Khôi, cử Phụng mà không được trả công, thế là phuộc-nít-sơ (fournisseur) văn chương, gọi bằng chữ Việt là “bao văn”! “Bao” tức là gần như cho không! - ông Nhất vừa bênh vừa khích tú Khôi.

Chú thích ảnh
Vụ việc “bao văn” ngày đó đã được mổ xẻ trên nhiều tờ báo trong đó có “Đông Tây”. Ảnh có tính chất minh họa (Nguồn: Phụ nữ mới)

Chủ bút Trung lập Bùi Thế Mỹ đã trót đưa đăng báo bài Nước non nhà với tên tác giả là Diệp Văn Kỳ, hẳn cũng tự thấy có liên can, bèn viết bài Quyền lợi và tương tế (Trung lập, 27/1/1931) cho rằng 2 ông Kỳ, Khôi, cùng làng văn với nhau, giúp người lúc này, rồi sẽ được người giúp khi khác!

Dịp ấy chủ báo Đông Tây là Hoàng Tích Chu từ Hà Nội vô Sài Gòn giao lưu đồng nghiệp trong Nam, gặp sự cố vụ “bao văn” này, lại được nhờ can gián. Tất nhiên, can thì có can, nhưng ông không quên viết thành một bài văn đùa nhan đề Cái án Tú Khôi - Cử Kỳ, ký bút danh Văn Tôi, cho in trong mục hài đàm của báo mình ở Hà Nội (Đông Tây 7/2/1931).

Văn Tôi vẽ ông cử Tây tên Kỳ họ Diệp thích diễn thuyết để phô chút tài văn tự, như con chim thích hót, con gà thích gáy; muốn diễn thuyết về con đường sơn xuyên từ Nam Quan vào tới Bến Nghé Đồng Nai nhưng tự mình chưa trải, sức biết có hạn, đành chạy đi tìm ông tú ta, ông cử ta!

Văn Tôi mô tả tú Khôi, nhà nho xứ Quảng như người “bán văn kiếm tiền”! Giọng viết vừa trêu đùa vừa bênh vực: “Chớ sao! Văn chương là món hàng của nhà văn tự. Nhà văn tự độc lập mới không chịu bán rẻ thân thế cho một ai!”.

Ông phân xử thế nào?

Ông bảo ông Kỳ: Gỗ lạt làm nhà, chủ thầu chả lẽ biếu không? Tài liệu để viết thành bài diễn thuyết, kẻ “bao văn” không thể uống nước lã cầm hơi mà có được! Cử Kỳ phải hoàn nốt số bạc cho tú Khôi!

Thế nhưng làm được thế cử Kỳ mới chỉ thoát được tội nhỏ; còn tội to vẫn chưa thoát, theo Văn Tôi, ấy là lừa dối độc giả khi định diễn thuyết bằng những kiến văn không phải của mình, không phải tự mình tìm được! Kẻ diễn thuyết như thế sẽ mang tiếng là “văn sĩ bịp”!

Văn Tôi bảo tú Khôi: Là kẻ bán, sao chẳng đợi kẻ mua lòi tiền ra rồi mới đưa hàng? Đưa văn ngay lúc chưa nhận tiền là hớ rồi! Nhưng bị hớ thì tự trách mình; còn cứ để mình trở thành chủ ngôi hàng “bao văn” thì ông sẽ đẻ ra các loại văn sĩ giả, văn sĩ mượn, văn sĩ ăn cắp, quấy rối nền văn!

Câu chuyện “bao văn” như một vở kịch và một bài học, giữa những người sẽ thành các bậc trưởng thượng trong làng báo làng văn, cách nay 90 năm, là như thế!

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm