Chuyện Hà Nội: Phố Trịnh ở Thủ đô

20/07/2015 18:10 GMT+7

(lienminhbng.org) - 1. Việc thành phố Hà Nội đặt tên cho mấy chục con phố mới, ai cũng mừng, vì thành phố hiện có quá nhiều đường phố mới chưa có tên, việc tìm địa chỉ nhà riêng, cơ quan ở những nơi này thật khó khăn. Nhưng có một bất ngờ. Đó là phố Trịnh Công Sơn giữa lòng thành phố văn hiến Thăng Long - Hà Nội.

Dư luận phần đông hoan nghênh và ngợi khen thành phố đã lấy tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đặt cho một con đường gần khu vực Hồ Tây. Vâng, Hà Nội từ nay có đường mang tên Trịnh Công Sơn. Đó là một niềm vui ngoài mong đợi của nhiều người yêu nhạc Trịnh.

Thế mới hay, có những người đâu cần danh vị, chức tước, mà vẫn sống lâu trong lòng người, bằng sự nghiệp, bằng dâng hiến. Việc Trịnh Công Sơn được đặt tên đường, ai cũng ngỡ đầu tiên là ở TP.HCM, bởi ông từng nổi tiếng ở Sài Gòn và gắn bó với thành phố này cho đến khi ông rời “cõi tạm” để “về làm cát bụi”.

Nhưng lần đầu tiên là Huế. Huế là nơi đầu tiên có đường Trịnh Công Sơn. Thôi cũng được bởi đó là nơi nhạc sĩ họ Trịnh sinh ra và lớn lên. Vậy mà Hà Nội, vâng! Hà Nội đã có một nghĩa cử, một hành động mang tính văn hóa khi chọn Trịnh Công Sơn làm danh nhân cho thành phố của mình và đặt tên ông cho một con đường.

Phải thôi. Trịnh Công Sơn đã yêu đất nước này, yêu nhân loại và đã viết những bài ca mang tính nhân văn, mang tầm nhân loại. Viết đến đây tôi lại nhớ mỗi ngày qua những ngã tư đường phố, vẫn vang đâu đây trên hệ thống loa chỉ huy giao thông ở Hà Nội bài Nhớ mùa Thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn. Giai điệu bài hát làm bâng khuâng hồn ta khi đang đi giữa phố phường Thủ đô…


Con đường mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

2. Đường Trịnh Công Sơn, đó là một quyết định nhân văn, một sự tôn vinh xứng đáng. Còn nhớ trong Nghị định 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 207/2006/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội đã quy định tiêu chí: “Danh nhân phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận”.

Dẫu không danh hiệu nghệ sĩ, không huân, huy chương hay bằng khen, không cả giải thưởng âm nhạc… nhưng Trịnh Công Sơn, với gia tài âm nhạc đồ sộ, những bài hát mang thông điệp sẻ chia, an ủi với mọi phận người, những bài hát kêu gọi tranh đấu cho nước non hòa bình, cho dân tộc đoàn tụ… rất xứng đáng để vinh danh.

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm