Côn Minh, thành phố mùa Xuân (phần 1)
(Dulich - lienminhbng.org) - Côn Minh là thủ phủ của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Nơi đây còn được gọi với cái tên là Xuân Thành - nghĩa là thành phố mùa xuân, vì thời tiết ôn hoà dễ chịu, cây cối xanh tươi và rực rỡ sắc hoa suốt bốn mùa.
- Câu chuyện du lịch: Chếnh choáng giữa rừng anh đào ở Turtuk
- Câu chuyện du lịch: Pangong Tso, hồ thiêng bên núi tuyết Himalaya
- Câu chuyện du lịch: Lãng mạn mùa thu xứ Huế
- Câu chuyện du lịch: Leh, thành phố ngủ quên ở độ cao 3.000m
Lý do tôi đến với Côn Minh là vì bức ảnh đăng trên tờ báo mạng nước ngoài, bức ảnh chụp một cây hoa anh đào Trung Quốc nở rộ, hoa che phủ cả một khoảng trời rộng lớn.
Bức ảnh ngay lập tức đã thôi thúc tôi lên đường để nhìn tận mắt hình ảnh đẹp đẽ đó, một phần vì Vân Nam cũng khá gần và dễ đi, visa Trung Quốc cũng không quá khó để lấy nên tôi gần như khởi hành ngay sau đó một tuần.
Hoa mỹ nhân ở quảng trường Kim Mã
Trải qua một đêm trên tàu lên Lào Cai và gần một ngày trên xe bus, chúng tôi cũng đến được Côn Minh vào lúc chiều tối. Khách sạn chúng tôi ở nằm ngay trong khuôn viên của quảng trường Kim Mã - một trong những quảng trường trung tâm của Côn Minh, và là nơi trồng rất nhiều hoa mỹ nhân. Nếu không đến Côn Minh thì chắc tôi chỉ biết đến hình ảnh những vườn hoa mỹ nhân rực rỡ ở Paris, chứ không ngờ ngay tại một thành phố rất gần Hà Nội này cũng có những vườn hoa đẹp đến như vậy.
Múi giờ ở Trung Quốc nhanh hơn Việt Nam một tiếng đồng hồ, mặc dù Côn Minh gần như là nằm cùng kinh độ với Việt Nam, nên mặc dù đã 7h tối nhưng trời vẫn sáng, và hôm sau, lúc chúng tôi ra khỏi khách sạn lúc 7h sáng thì trời vẫn tối mịt, làm cả hai một phen hốt hoảng không biết là thực sự thì lúc nào mới là 7h tối và lúc nào mới đến 7h sáng.
Sắc hồng rực rỡ của hoa anh đào Trung Quốc
Vậy nên đến tận 8h sáng khi trời đã bắt đầu sáng rõ, chúng tôi mới bắt xe bus đến Viên Thông Sơn (Yuantong shan), một nơi vừa là vườn thú đồng thời cũng là vườn hoa anh đào lớn nhất thành phố. Từ bến xe bus, chúng tôi đi bộ dọc đường Thanh Niên để đến cổng vườn hoa.
Đường ở đây chia làn hơi khác, đường chính là cho ô tô, trên vỉa hẻ thì chia hai làn, bên ngoài là làn cho xe đạp điện và xe máy, bên trong là cho người đi bộ. Người dân ở đây tuân thủ luật lệ giao thông rất nghiêm chỉnh, nên đường phố rất đẹp và trật tự.
Lối vào chùa Viên Thông
Dọc đường bán rất nhiều ô chống tia UV. Vùng này nắng quanh năm nên loại ô này được ưa chuộng lắm.
Đi hết đường Thanh Niên là cả một vùng trời hồng rực hiện ra, nên không cần nhìn biển tên chúng tôi cũng biết đó chính là Viên Thông Sơn. Từ cổng vào đến từng ngóc ngách của nơi này, chỗ nào cũng được trồng rất nhiều loài hoa khác nhau. Đi qua các luống hoa đủ màu sắc nơi cổng vào là đến khu nuôi các loài hạc, khỉ, vẹt và con lười. Cuối cùng là đến thiên đường hoa anh đào, cũng chính là đích đến của tôi.
Cảnh sư thầy vớt rác ở chùa
Khu này trồng hai loại hoa, một là hoa anh đào, hai là hoa hải đường. Khác với hoa anh đào Nhật, hoa đào nơi đây bông rất to, cánh kép rất nhiều lớp, một cành có đến hàng chục bông như vậy xếp chồng lên nhau, màu hồng đậm. Thậm chí có những cành nở gần trăm bông hoa, tầng tầng lớp lớp hoa bám vào cành cây nhỏ xíu.
Hoa nhiều như vậy nên cành nào cành nấy trĩu nặng, uốn cong xuống như mái vòm, tạo thành một khu vườn hoa như trong cổ tích.
Loài thứ hai là hoa hải đường. Thực ra tôi cũng không rõ tên chính xác của loài hoa này, cái tên hải đường là do tôi nghe người bản địa phát âm và đoán tên Hán Việt là vậy. Hoa này màu trắng phớt hồng, bông nhỏ hơn, cánh ít lớp hơn và cũng thưa bông hơn hoa đào. Những đặc điểm này làm tôi cảm giác hoa hải đường có phần thanh thoát nhẹ nhàng hơn.
Chùa Viên Thông
Gần vườn hoa Viên Thông Sơn là chùa Viên Thông. Mặc dù là một ngôi chùa nhưng khách tham quan vẫn phải mất vé vào cổng, điều nay cũng gây sự bực tức cho không ít khách du lịch, nhất là khách bản địa. Bản thân chúng tôi cũng thấy hơi lạ vì chuyện mất vé vào chùa, nhưng cũng không kịp thắc mắc gì nhiều vì bị cuốn vào hình ảnh con đường hoa dẫn vào chùa.
Khuôn viên chùa khá rộng, với hồ nước trung tâm và nhiều cây cầu đá nhỏ. Đây cũng là chùa Phật giáo lớn nhất của Côn Minh, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 8 đầu thế kỷ 9. Một trong những hình ảnh ấn tượng nhất của tôi về ngôi chùa này, là hình ảnh sư thầy vớt rác ở ven hồ, xung quanh là rất nhiều rùa.
Hồ nhiều rùa, ếch và cá vàng đến mức chúng tôi cứ mải mê đứng ngắm nhìn chúng bơi lội khoan thai nhẹ nhàng mà không thấy chán.
Ngược lại với Viên Thông Sơn ồn ào đông đúc, chùa Viên Thông mang một không khí tĩnh lặng tuyệt đối, mặc dù chỉ cách nhau vài chục bước chân. Hoặc cũng có thể là do mất vé vào chùa nên số lượng khách trong chùa rất ít, mặc dù mùa này cũng là mua cao điểm du lịch của Côn Minh.
Bài & Ảnh: Kaze Hoa
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần