26/12/2011 11:05 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Với việc trở thành người kế nhiệm vị trí lãnh đạo CHDCND Triều Tiên sau cái chết của lãnh tụ Kim Jong-il, ông Kim Jong-un đã đứng vào hàng ngũ những người được giao trọng trách điều hành một đất nước, dù tuổi đời của họ còn rất trẻ.
1. Người trẻ nhất từng quản lý kho vũ khí hạt nhân
Ngay sau khi chủ tịch Kim Jong-il qua đời ở tuổi 69, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đã kêu gọi người dân ủng hộ ông Kim Jong-un và gọi vị tướng trẻ là "người kế nhiệm vĩ đại". "Kim Jong-un sẽ lãnh đạo nhân dân Triều Tiên hoàn thành sự nghiệp cách mạng qua nhiều thế hệ, bắt đầu từ cố chủ tịch Kim Nhật Thành và đã được chủ tịch Kim Jong-il dẫn dắt đến chiến thắng"- hãng KCNA tuyên bố. Năm nay mới khoảng 28 hay 29 tuổi, ông Kim Jong-un sẽ là người trẻ nhất từng có quyền điều khiển một kho vũ khí hạt nhân.
Theo phỏng đoán của giới phân tích phương Tây, Triều Tiên có đủ nhiên liệu hạt nhân để chế tạo ra từ 7-8 vũ khí nguyên tử. Hồi năm 2009, KCNA từng tuyên bố Triều Tiên thử “thành công” vũ khí hạt nhân dưới lòng đất nhằm “tăng cường khả năng răn đe hạt nhân và phòng vệ" của nước này. Giới chức Mỹ và Hàn Quốc ở thời điểm đó đều xác nhận có xuất hiện chấn động địa chất ở đông bắc Triều Tiên và họ tin đây là một vụ nổ hạt nhân.
Với việc lên nắm quyền ở Triều Tiên, ông Kim Jong-un cũng là nhà lãnh đạo trẻ nhất có quyền điều khiển một kho vũ khí hạt nhân.
2. Tổng thống trong độ tuổi 30
Faure Gnassingbe sinh ngày 6/6/1966, hiện là đương kim Tổng thống nước Cộng hòa Togo, một quốc gia nằm ở phía Tây châu Phi. Gnassingbe là con trai của cố Tổng thống Togo Gnassingbe Eyadema và đã được cha đưa vào nội các, nắm ghế Bộ trưởng Trang thiết bị, Khai mỏ, Bưu chính Viễn thông. Khi ông Eyadema qua đời vào ngày 5/2/2005, Gnassingbe được đưa lên kế nhiệm, lúc mới 39 tuổi. Tuy nhiên, do chịu nhiều áp lực, ông đã quyết định từ chức và công bố một cuộc tuyển cử mới vào ngày 24/4/2005. Faure Gnassingbe sau đó giành chiến thắng trong cuộc tuyển cử này và đường hoàng trở thành Tổng thống Togo. Mặc dù vậy, đây là một cuộc tranh cử gây nhiều tranh cãi ở đất nước này.
3. Lãnh đạo chính phủ khi mới 36 tuổi.
Nikola Gruevski có thể xem là một trong những nguyên thủ trẻ nhất của châu Âu. Người đàn ông sinh năm 1970 này đã ngồi ghế Thủ tướng của Macedonia kể từ tháng 8/2006. Ít người biết Nikola Gruevski từng làm một võ sĩ nghiệp dư kiêm, diễn viên sân khấu, trước khi theo học ngành kinh tế, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng rồi chuyển sang làm chính trị.
Ông đã từng giữ nhiều chức vụ lãnh đạo trong chính quyền của Tổng thống Ljubco Georgievski bao gồm Bộ trưởng Thương mại (1998-1999), Bộ trưởng Tài chính (1999-2002). Trong cuộc bầu cử Quốc hội Macedonia năm 2006, Gruevski được chỉ định là người đứng ra thành lập một chính phủ mới và ông trở thành Thủ tướng Macedonia ở tuổi 36.
4. Thủ tướng trẻ nhất thế giới
Danh hiệu này thuộc về Thủ tướng Dominica Roosevelt Skerrit. Sinh tháng 6/1972, Skerrit đã có bằng đại học chuyên ngành tiếng Anh và tâm lý tại Đại học Mississippi và Đại học New Mexico của Mỹ. Ông được bầu vào Quốc hội năm 2000, sau đó trở thành Bộ trưởng Giáo dục. Khi cựu thủ tướng Pierre Charles đột ngột qua đời vì đau tim, ông được tiến cử thay thế và nhậm chức năm 2004.
Lúc ngồi vào ghế Thủ tướng, Skerrit đã trở thành lãnh đạo chính phủ trẻ nhất thế giới, vượt qua thành tích từng do ông Joseph Kabila ở Cộng hòa Dân chủ Congo nắm giữ. Ngoài ra với việc đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 5/2005, Skerrit còn là lãnh đạo được dân bầu đầu tiên của thế giới sinh trong những năm 1970. Tính tới tháng 12/2010, Skerrit vẫn là lãnh đạo chính phủ trẻ nhất ở Tây bán cầu và là vị lãnh đạo trẻ thứ 3 thế giới.
Quốc vương Swaziland Mswati III, người đã lên nắm quyền
điều hành đất nước khi mới 18 tuổi
Quốc vương Swaziland Mswati III sinh ngày 19/4/1968, hiện là quốc vương Swaziland, đồng thời lãnh đạo Gia đình Hoàng gia Swazi. Năm 1986, ông đã kế nhiệm cha Sobhuza II làm người lãnh đạo vương quốc ở Nam Phi, khi mới 18 tuổi. Mswati III được xem là một trong những vị quân vương chuyên chế còn sót lại trên thế giới, bởi ông có quyền chỉ định Thủ tướng, thành viên nội các và hệ thống tòa án. Tuy nhiên ông vẫn phải chịu một số ràng buộc nhất định theo quy định của Swazi chứ không phải "thiên tử" có mọi quyền hành. Ngoài ra ông cũng không có quyền chọn người kế nhiệm.
Mswati III nổi tiếng vì thích sống xa hoa và cưới nhiều vợ. Kể từ khi nắm quyền, ông vấp phải nhiều điều tiếng là người thích thỏa mãn các sở thích cá nhân dựa vào tiền công của Swaziland, vốn là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên trong Swaziland, Mswati vẫn là vị quân vương được kính trọng và nhận được tình cảm yêu mến của nhân dân, dù phong cách sống của ông đã gây ra không ít sóng gió.
Tường Linh (Theo Washington Post)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất