19/11/2019 07:14 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần luôn theo dõi và chờ đợi những tài năng điện ảnh mới ở mỗi Liên hoan phim. Ông cũng lạc quan cho rằng: "Lực lượng trẻ của chúng ta trong cả điện ảnh và truyền hình đang rất tốt, không có gì đáng lo ngại, vấn đề là định hướng để không bị thị trường hóa".
Trước thềm Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 (sẽ diễn ra từ 23 đến 27/11 tại Bà Rịa Vũng Tàu), đạo diễn - NSND Nguyễn Hữu Phần chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) những suy nghĩ của mình.
* Nếu phải chia sẻ một băn khoăn lớn nhất về thực trạng điện ảnh hiện nay, ông sẽ nói gì?
- Phim Nhà nước ngày càng ít được đặt hàng, trong khoảng 30 - 40 phim mới mỗi năm thì không có hoặc chỉ vài phim Nhà nước, có tính chính luận. Xã hội hóa điện ảnh thì nhà sản xuất sẽ hướng đến mục tiêu có lãi và không tránh khỏi tràn ngập phim thị trường.
Tôi cho rằng, Nhà nước vẫn nên hỗ trợ, tài trợ, đặt hàng một số phim nhưng quan trọng hơn là phải tính đến sự hấp dẫn của các dự án. Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một điển hình: được đặt hàng mà có doanh thu tốt.
Chúng ta cũng cần quan tâm làm sao để phim chính trị vẫn ăn khách, phim đặt hàng mà vẫn hiệu quả.
* Với những phim tham dự Liên hoan phim Việt Nam sắp tới, ông có nhận xét gì?
- Tôi chưa xem nhiều. Nhưng tôi và các đạo diễn cùng thời, chẳng hạn như anh Khải Hưng, vẫn thừa nhận với nhau rằng, những người làm phim trẻ bây giờ rất giỏi và chúng tôi phải học hỏi. Chúng tôi là thầy nhưng thấy cách làm phim hiện giờ khác thời chúng tôi, cả về công nghệ và cách thức thực hiện.
Tất nhiên, cũng có những vấn đề cần khắc phục. Chẳng hạn, tôi rất ngạc nhiên khi thấy những người trẻ dường như ít xem phim của nhau. Hoặc vừa rồi chúng ta có Tuần phim Đan Mạch, rất nhiều phim hay mà tôi không thấy người làm phim trẻ nào. Người làm nghề không nên bỏ qua những cơ hội thế này.
* Chúng ta vẫn nói với nhau rằng rằng điện ảnh Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển, chưa có nhiều phim hay, theo ông là vì đâu?
- Chúng ta đừng đặt vấn đề một cách cảm tính rằng phim nào hay. Có thể bạn thấy hay nhưng chắc gì người khác đã thấy vậy. Phim hay theo kiểu thắng rạp và hay theo kiểu để suy nghĩ thì khác nhau.
Cũng có nhiều người hỏi tôi tại sao phim Việt Nam chưa hay? Nếu trả lời không có người tài thì đơn giản quá và không đúng đâu. Chúng ta không thiếu người tài nhưng vì chúng ta chưa có khán giả hay. Đó mới là vấn đề quan trọng. Nếu chúng ta có một lượng khán giả tốt, người ta sẽ thấy là những phim hài nhảm không đáng xem và người ta sẽ không làm nhiều nữa.
Tôi từng dự LHP Busan và thấy điện ảnh Hàn Quốc hoàn toàn là phim tư nhân, không có phim Nhà nước, nhưng Nhà nước có một khoản tiền rất lớn dành cho điện ảnh cộng đồng. Ở đó, nhiều tổ chức cộng đồng cũng được học về điện ảnh để họ có thể tự quay và dựng thành phim. Từ đó, mọi người hiểu điện ảnh là để phản ánh xã hội chứ không đơn giản là một trò chơi, có lực lượng lớn khán giả hiểu được cái hay - dở.
Chúng ta chưa bao giờ chú ý đến khán giả, chúng ta chỉ chú ý làm phim. 70-80% khán giả đến rạp xem phim là từ 15-25 tuổi. Mà để phục vụ tầng lớp khán giả đó thì người ta không nhập phim được giải Oscar, Cannes về để chiếu đâu, vì không có người xem. Nếu cứ tiếp tục như vậy, tôi lo rằng giới trẻ sẽ quen với việc xem phim là một trò giải trí, là trò chơi chứ không phải xem để có cảm xúc, để suy nghĩ và bình luận như ngày xưa nữa.
* Thực tế là mỗi năm không có hoặc rất ítphim được Nhà nước đặt hàng, trong khi nhiều phim thị trường chất lượng không tốt. Vậy khán giả muốn ủng hộ phim Việt và nâng tầm thưởng thức thì phải làm thế nào, thưa ông?
- Tôi nghĩ, cần thiết có một chính sách để có một lực lượng khán giả biết tiếp nhận cái hay. Một cách đơn giản có thể tham khảo ở các nước là "để dành" 1-2 rạp trong số 10 rạp để chiếu phim nghệ thuật cho những khán giả "cao cấp". Rồi sẽ có những khán giả bình thường cũng đến xem để hiểu hơn, để họ thấy sang trọng lên, đẳng cấp khác và thấy cái nào cần xem, cái nào không.
Hay có một cách khác là đưa điện ảnh vào nhà trường, không phải để dạy điện ảnh mà để dạy giáo dục công dân, đạo đức... Tôi thấy các tác phẩm điện ảnh phù hợp nhiều vô kể, như thế các em vừa tiếp xúc với nghệ thuật, mà dễ cảm hơn rất nhiều.
* Cũng có ý kiến cho rằng, điện ảnh Việt Nam còn thiếu những tác phẩm mang bản sắc dân tộc, ông có đồng ý với ý kiến này?
- Thực tế là có những phim theo kiểu rất Việt Nam mà đem ra nước ngoài thì họ không hiểu. Có lần tôi dự một hội thảo ở Nhật, tôi có gửi họ xem thử phim Ma làng, họ không hiểu. Họ xem xong hỏi tôi: khoán là gì, đổi mới là gì…?
Trong khi đó, phim Hàn Quốc được khán giả nhiều nước yêu thích vì họ chọn vấn đề văn hóa Hàn Quốc nhưng cũng rất quốc tế, đụng đến tất cả mọi người như: tình cảm gia đình, anh em...
Cái khó của những nhà làm phim hiện nay là phải làm sao để chọn những vấn đề rất Việt Nam nhưng mà khán giả quốc tế cũng hiểu và cảm nhận được. Những nhà làm phim trẻ hiện nay rất giỏi nghề và tư duy nhưng tôi thấy họ ít đầu tư cho sự nghiệp lớn của cuộc đời mình. Không nhất thiết phải nghĩ là làm gì đó cho xã hội nhưng nếu biết nghĩ làm gì đó cho đời thì họ mới tìm được đường đi.
* Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Khán giả rất ấn tượng với bộ phim "Em còn nhớ hay em đã quên" của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, từng đạt thành tích cao tại LHP Việt Nam lần thứ 10. Nhắc đến tác phẩm này, ông nhớ nhất điều gì? - Tôi đã vay tiền làm phim này và đây là tác phẩm khiến tôi rất sung sướng, ở chỗ tôi được làm hoàn toàn theo ý mình và làm cho mình. Thời điểm 1992 mà vay hàng trăm triệu để làm phim không phải đơn giản, hơn cả một gia tài và không hiểu sao tôi rất tin tưởng rằng phim sẽ thành công. Khi ra mắt, phim trở thành hiện tượng, khán giả vô cũng yêu mến và giành 4 giải tại LHP lần thứ 10 (giải Bông sen bạc - không có Bông sen vàng, giải Biên kịch, Âm nhạc và Diễn viên nam chính xuất sắc). Tôi cũng làm được cái điều là chứng minh phim thị trường không có nghĩa là chạy theo những thứ tầm thường, phim thị trường vẫn có thể là phim nghệ thuật. |
Tiểu Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất