22/03/2019 19:29 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Vừa nhận danh hiệu Nghệ nhân dân dân đầu tháng 3, cụ Nguyễn Phú Đẹ - người được coi là “đệ nhất danh cầm đàn đáy” của ca trù đã qua đời lúc 12h53 trưa nay (22/3), hưởng thọ 97 tuổi.
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Phú Đẹ sinh năm 1923 tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương trong một gia đình có truyền thống đàn hát. Cha của cụ là một tay đàn có tiếng, còn mẹ là một ca nương. Gia đình cụ nối nghiệp ca trù trong nhiều đời.
Cụ được chính ông nội mình là cụ Nguyễn Phú Tằng và cha là Nguyễn Phú Quỳnh truyền dạy đàn. Cụ được giới chuyên môn và công chúng yêu ca trù coi cụ là “Đệ nhất danh cầm đàn đáy" bởi kiếng đàn của cụ vang lên, người nghe có thể dễ dàng cảm nhận những ngón đàn đặc biệt không ai có. Các ngón nhấn, chùn, rung, vấy, chụp... của đàn đáy do cụ thể hiện đạt đến độ tuyệt kỹ.
Nhưng do biến cố của lịch sử, nghệ thuật ca trù bị mai một và lãng quên, do vậy, nhiều năm cụ cũng phải gác lại niềm đam mê của mình sang một bên để lo kiếm sống. Mãi đến năm 2005, khi nghệ thuật ca trù được nhà nước quan tâm và bảo tồn, cụ lại trở lại và tham gia biểu diễn rất tích cực.
Cùng năm đó, cụ giành được Huy chương vàng “Liên hoan Ca trù toàn quốc” khi đã bước sang tuổi 82, nhưng tiếng đàn của cụ đã khiến mọi người có mặt tại đó thán phục. Vào năm 2006, với những đóng góp của mình cho nghệ thuật ca trù, cụ được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian.
Tháng 10/2009, nghệ thuật ca trù được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Sau khoảng 5 năm kể từ ngày được công nhận, nghệ thuật ca trù đã phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Rất nhiều câu lạc bộ ca trù được thành lập và phát triển dưới bàn tay nhào nặn của người thầy Nguyễn Phú Đẹ. Từ giai đoạn 2009 đến nay, cụ đã truyền dạy cho rất nhiều các học trò.
Ca nương Phạm Thị Huệ, một học trò xuất sắc của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ tâm sự: “Tôi nhớ nhất kỷ niệm khi lần đầu tiên tới xin học đàn của cụ Đẹ. Cụ đã rất cởi mở và đưa đàn cho tôi, động viên tôi rất nhiều, vì thế tôi đã quyết tâm học và đạt được thành công như ngày hôm nay.”.
Trọn cuộc đời gắn chặt với tiếng tom, tiếng chát..., tâm nguyện lớn nhất của cụ vẫn là lưu lại được tiếng đàn cho đời và truyền lại được cái “lửa” của ca trù cho thế hệ sau. Cụ luôn răn mình rằng còn sống ngày nào còn phải cầm cây đàn ngày ấy, phải luyện làm sao cho tiếng đàn tròn vành, rõ tiếng... mới là được.
Hoài An (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất