24/04/2014 09:45 GMT+7 | Di sản
(lienminhbng.org) - Tháng 4/2014, Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất được tổ chức tại Bạc Liêu. Đây là sự kiện văn hóa lớn nhất, mà cũng là một sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế lớn nhất được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu từ trước đến nay.
Bên thềm sự kiện này, Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, đồng Trưởng Ban Chỉ đạo Festival, đã dành cho PV TTXVN một cuôc gặp gỡ.
Báo Thể thao & Văn hóa xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc trao đổi này.
* Bạc Liêu chúng ta đã từng tổ chức thành công một số sự kiện thể thao quốc tế, nhưng đối với một sự kiện văn hóa lớn như thế này, Bạc Liêu liệu đã lường trước những khó khăn và sự phức tạp, thưa đồng chí?
* Đồng chí Võ Văn Dũng: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu trân trọng cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành Trung ương và cảm ơn các tỉnh, thành phía Nam và cả nước đã quan tâm, tạo điều kiện và dành cho tỉnh Bạc Liêu có vinh dự được đăng cai tổ chức sự kiện đặc biệt ý nghĩa này. Tuy trước đó, chúng ta cũng đã lường trước được những khó khăn và một khối lượng công việc khổng lồ phải giải quyết nếu được chính thức giao cho việc đăng cai tổ chức Festival, song càng đi sâu chuẩn bị, càng thấy sự phức tạp, độ khó cao và một núi công việc nặng nề với áp lực rất lớn.
Đồng chí Võ Văn Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, đồng Trưởng Ban Chỉ đạo Festival. Ảnh: Tô Phán
Có lẽ, đối với các tỉnh, thành khác, khâu nặng nhất trong việc đăng cai tổ chức Festival là thiết kế chương trình nghệ thuật, nội dung các hoạt động và kinh phí... Còn đối với Bạc Liêu, vừa phải lo tất cả những công việc ấy, nhất là chương trình nghệ thuật khai mạc, bế mạc (không được giống chương trình nghệ thuật tại Lễ đón bằng vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử của UNESCO tại Thành phố Hồ Chí Minh), lại còn phải lo hàng loạt chuyện, từ chỗ ăn, chỗ nghỉ của đại biểu và người dân, khách du lịch các nơi đến một cách đột biến...
Thời gian chuẩn bị không dài nhưng khối lượng công việc lớn. Tuy nhiên, Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu ý thức được tầm quan trọng của sự kiện này, nên sự quyết tâm rất cao, lại được sự ủng hộ của Trung ương, lãnh đạo và nhân dân các địa phương trong cả nước cùng với các doanh nghiệp nên chắc chắn Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 sẽ được tổ chức thành công như mong đợi.
* Thưa đồng chí, Bạc Liêu mong đợi điều gì khi đăng cai tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất?
- Đồng chí Võ Văn Dũng: Tôi cho rằng, đây là dịp cả nước xem xét, đánh giá Bạc Liêu, từ lĩnh vực tổ chức chương trình nghệ thuật và các hoạt động chính của Festival đến cơ sở hạ tầng, vệ sinh, trật tự, an ninh; sự văn minh, lối ứng xử văn hóa của cán bộ và người dân. Nếu công tác chuẩn bị không tốt, sự kiện diễn ra không tốt sẽ là điều đáng tiếc; ngược lại nếu công tác chuẩn bị tốt, sự kiện diễn ra thật tốt sẽ đánh dấu bước trưởng thành của Bạc Liêu trước cả nước, trước bạn bè quốc tế về một Bạc Liêu quyết đoán, tự tin, một vùng đất tuy còn nghèo nhưng biết phát huy truyền thống cách mạng hào hùng trong kháng chiến, truyền thống văn hóa lâu đời của cha ông để có cách đi riêng, hiệu quả trong hội nhập và phát triển. Vị thế Bạc Liêu do đó cũng sẽ được thay đổi.
Trao Bằng vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Đức Tám - TTXVN
Bạn bè trong và ngoài nước sẽ biết đến văn hóa của Bạc Liêu; biết được khả năng, trình độ tổ chức sự kiện quy mô quốc gia và quốc tế của Bạc Liêu; biết đến niềm say mê, yêu mến văn hóa, nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của người dân Bạc Liêu, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đối với việc phát triển sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật. Thông qua Festival, trình độ, khả năng tổ chức sự kiện lớn của Bạc Liêu cũng sẽ được nâng lên, làm tiền đề cho các sự kiện quan trọng khác rồi đây sẽ được tổ chức tại Bạc Liêu.
Mọi người sẽ biết đến Bạc Liêu là một trong những cái nôi lớn của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; là xứ sở của bản Dạ cổ hoài lang bất hủ, xứ sở của bản vọng cổ, bài ca vua của sân khấu cải lương; là quê hương của điệu hò Chèo ghe, nói thơ Bạc Liêu, điệu lý Con sáo...; là miền đất của văn nghệ, của văn hóa truyền thống và đồng thời luôn mở rộng vòng tay đón nhận và tiếp biến văn hóa, sáng tạo nên những sản phẩm văn hóa mang đậm đặc trưng của vùng đất Bạc Liêu bằng những loại hình nghệ thuật đương đại; là vùng đất của những con người phóng khoáng, hào hiệp, nghĩa tình, nhân hậu, khoan dung; là nơi có lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng nhưng hết sức nhân văn; hai lần giành chính quyền từ tay giặc mà không cần tiếng súng; là vùng đất mà văn hóa tâm linh được người dân nhiều nơi biết đến; là nơi có những giai thoại và sự thật về Công tử Bạc Liêu nức tiếng một thời.
Mọi người sẽ biết đến một Bạc Liêu năng động, chịu thương chịu khó đi lên từ khó khăn, trong khó khăn, với những công trình, dự án động lực, tạo đà cho Bạc Liêu phát triển, như dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, một dự án thân thiện với môi trường, sản xuất ra nguồn năng lượng sạch, tái tạo thứ hai ở Việt Nam và đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Để rồi đọng lại trong lòng mọi người là một Bạc Liêu nghĩa tình, thân thiện, cởi mở, hiếu khách; để rồi ai cũng muốn sớm có dịp trở lại Bạc Liêu. Và tôi cho rằng, đó chính là cơ hội để “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”.
* Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ về cuộc trò chuyện này!
Cao Thăng
Thực hiện
(*) Ý của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phát biểu tại Lễ đón Bằng vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại TP. Hồ Chí Minh.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất