02/07/2014 07:39 GMT+7 | Âm nhạc
(lienminhbng.org) - Tối 30/6, tại Nhạc viện TP.HCM đã khai mạc chương trình Hội ngộ đàn tranh lần 4 - 2014. Đặc biệt đây là đêm hội ngộ đàn tranh hiếm hoi được bán vé và vé đã… cháy. Chương trình do CLB Đàn tranh Tiếng hát Quê hương phối hợp với nhiều đơn vị để thực hiện.
1. Đến lần thứ 4 thì đêm Hội ngộ đàn tranh mới vào được khán phòng Nhạc viện TP.HCM. Có nhiều yếu tố khách quan khi 3 lần trước đó, đêm hội này được tổ chức tại Cung văn hóa Lao Động vốn không có nhiều không gian cho âm nhạc.
Suốt 2 năm qua những người tổ chức âm thầm nuôi dưỡng đêm hội ngộ tôn vinh tiếng đàn tranh bằng nguồn vốn tự có, thì việc chuyển từ cung Văn hóa Lao Động sang Nhạc viện TP.HCM là một nổ lực rất lớn.
“Chúng tôi rất xúc động, cuối cùng thì cũng đã được nhìn nhận tích cực và có sự giúp đỡ tích cực từ nhiều phía để đêm Hội ngộ đàn tranh có một địa điểm hoàn hảo tiếng đàn réo rắt ngân lên” - NGƯT - nghệ sĩ Phạm Thúy Hoan cho biết.
Khác với nhiều năm trước, ở lần tổ chức thứ 4 này, đêm hội đàn tranh quy tụ những nghệ sĩ TP.HCM và vài nhóm nhạc trở về từ Mỹ và Pháp. Nghe thì xôm tụ nhưng thực tế thì BTC chẳng đủ kinh phí để mời những nhóm nhạc tại các địa phương khác về diễn trong khi những nhóm nhạc nước ngoài là hoàn toàn tự bỏ tiền túi về tham gia.
“Cũng chạnh lòng lắm nhưng biết sao được. Nếu có thêm những nhóm nhạc từ miền Bắc và miền Trung đêm Hội ngộ đàn tranh hẳn sẽ càng sôi động nhưng điều này vượt quá khả năng của chúng tôi. Tuy vậy, sự có mặt của những nhóm nhạc từ hải ngoại về cũng sẽ làm lan tỏa thêm sự đồng cảm với âm nhạc dân tộc. Và bọn tôi cứ cố gắng làm tốt để mỗi năm một tốt hơn” - NSƯT Hải Phượng tâm sự.
Sự đồng cảm thật là có thừa bởi hơn 400 ghế của Nhạc viện TP.HCM không còn chỗ trống, tất cả đều là vé bán được. Đây là một phép thử mà BTC đang cố hình dung sự thu hút của chương trình sẽ đến đâu. Năm nay, nội dung đi nhiều theo “diện rộng”, có nghĩa là BTC muốn lôi kéo nhiều hơn công chúng nhạc dân tộc bằng các hình thức biểu diễn phổ thông và dễ hiểu. Chẳng hạn như nghệ sĩ Võ Vân Ánh cùng ban nhạc VA’V Tranhsemble của mình đã chơi lại bài hit toàn cầu Let It Go và nhận được tiếng vỗ tay khá nhiều của các khán giả trẻ. Những nhóm nhạc trở về từ nước ngoài mang một không khí mới theo cách mà họ cảm nhận âm nhạc dân tộc qua tiếng đàn tranh.
2. GS-TS Trần Văn Khê, dù 94 tuổi nhưng vẫn ngồi đến phút cuối cùng, đã rất hồ hởi: “Tuyệt lắm, đêm hội ngộ này đem lại không khí rất lạc quan. Các bạn dù còn trẻ và trở về từ phương xa nhưng các bạn không cách xa truyền thống. Tiếng đàn có kỷ luật, nghiêm túc, có hơi Bắc, hơi Nam, hơi Xuân rất rõ ràng và quan trọng hơn, các bạn đã biến cái của người theo cách của mình rất hay”.
Đêm diễn được chia làm hai mảng chính. Phần truyền thống qua sự biểu diễn của ban đàn tranh Nhạc viện, ban Tiếng hát Quê hương, ban tứ tuyệt Duyệt Thị Trang, ban Phượng Ca (từ Pháp), Hướng Việt (Mỹ) với các tác phẩm nhạc lễ, tài tử Nam bộ, chèo, nhạc lễ miền Trung… Phần thứ hai thì mang màu sắc khác hẳn với những thử nghiệm ngả nhiều về world jazz của nghệ sĩ Võ Vân Ánh với những sáng tác riêng và những bài dân ca được phối khí bởi nhạc sĩ Nguyên Lê.
Việc chia mảng miếng tạo cho người xem sự so sánh thú vị và tất cả đều đồng cảm khi nhận ra âm thanh tuyệt vời của tiếng đàn tranh Việt Nam có thể đi từ truyền thống tới thể nghiệm mới. GS-TS Trần Văn Khê đã chốt lại rằng: “Âm nhạc của các bạn thật sự làm hài lòng một người già như tôi”.
Ngoài đêm diễn này, cuộc hội ngộ sẽ còn có chương trình Giai điệu quê hương diễn ra vào tối nay, 2/7 tại hội trường Cung Văn hóa Lao động TP.HCM. Ngày mai 3/7, cũng tại đây sẽ diễn ra chương trình tọa đàm về nhạc dân tộc và đàn tranh và tối 4/7 là đêm chuyên đề Đàn tranh xưa và nay với diễn giả là GS-TS Trần Văn Khê; các nghệ sĩ tham gia biểu diễn gồm: NSƯT Phạm Thúy Hoan, Hải Phượng; các nghệ sĩ Vĩnh Tuấn, Hoàng Cơ Thụy, Nguyễn Xuân Yên, Vân Ánh...
N. Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất