Tròn 15 năm nhận danh hiệu Di sản Thế giới: Hãy cùng cứu thánh địa Mỹ Sơn!

02/12/2014 07:27 GMT+7 | Di sản

(lienminhbng.org) - Theo đại diện Ban quản lý di tích Mỹ Sơn, nguy cơ sụp đổ trong mùa mưa bão của nhiều đền, tháp tại đây đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, khi bản thân chúng đang trong tình trạng bị lún, nghiêng, bào mòn từ vài năm nay.

Hôm nay, 2/12, tỉnh Quảng Nam kỷ niệm 15 năm Mỹ Sơn được công nhận Di sản thế giới. Nhưng khi các chuyên gia trong và ngoài nước chưa khám phá được cách thức xây dựng những tháp cổ này, thì việc bảo tồn thực sự là thách thức.

Đau lòng trước một “Mỹ Sơn khác”

Những người từng say đắm vẻ đẹp ma mị đầy hoài cổ của Di sản thế giới này hẳn sẽ không hình dung được một Mỹ Sơn khác: Ngập lụt cục bộ trong mùa mưa cộng thêm một số đền tháp đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Thực tế, trong quần thể khoảng 70 công trình đền tháp được người Pháp phát hiện trước đây, Mỹ Sơn có tới 20 công trình kiến trúc đền tháp không còn nguyên vẹn. Một số đền tháp đối diện với nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng: B3, B4, B5, B6, C2, C3, C7, D4, E3, E6, E8, F1 và F2.  

Trong khi các đền tháp như B1, B9, C1…, gây háo hức được du khách tham quan, trầm trồ khen ngợi thì B3 đứng nghiêng 8 độ về phía Tây Nam, chờ “án tử” từ sự bào mòn của thời gian. Trong lòng kiến trúc, nhiều viên gạch bị bong rơi, tường nhiều vết nứt, vết dài nhất đến 6m, rộng 8-12cm. Sự xâm thực của suối khe Thẻ như một con vi trùng âm thầm tàn phá cơ thể B3 vì gây ngấm nước làm ẩm mục chân tháp, có nơi, chỉ cách tường có 7m.


Tháp B3 đang bị nghiêng lún 8 độ về phía Tây Nam nhưng vẫn chưa có giải pháp bảo vệ

Bên cạnh đó, tháp F1 giờ chỉ như một đống đổ nát, bị chằng chéo bởi những trụ cột kiên cố. Không ai có thể tin rằng, đây chính là đền tháp đẹp đẽ được khai quật 10 năm trước. Lớp tường gạch tại đây bị bạc màu và hầu hết đã đứt, rạn mạch liên kết với nhau. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với sự xuống cấp trầm trọng và đang đặt tại khu vực có nền địa chất yếu,  B3 và F1 là 2 tòa tháp hiện có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Trước thực trạng trên, trong mỗi mùa mưa lũ, BQL di tích Mỹ Sơn gần như lúc nào cũng ngồi trên đống lửa để sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Theo ông Nguyễn Công Khiết (Phó BQL di tích Mỹ Sơn), trong khi chờ sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, phía quản lý chỉ có thể đưa ra những biện pháp tạm thời như rà soát từng tháp, phát hiện những cây rừng đổ gãy để có biện pháp chống đỡ hoặc đốn hạ. "Năm nay, các cây rừng che phủ ngăn cản dòng suối đã được phát quang, đoạn suối Khe Thẻ bên ngoài di tích thông thoáng hơn nhiều" – ông Khiết nói - "Hy vọng khi có mưa, lượng nước sẽ rút nhanh hơn, hạn chế nguy cơ gây ngập lũ cục bộ tại khu đền tháp như những năm trước".


Một tháp cổ tại quần thể Mỹ Sơn phải được bảo vệ bằng hệ thống mái che và giá đỡ

Chờ đợi và hi vọng từ.... Ấn Độ

Tròn 15 năm trước, Mỹ Sơn chính thức trở thành một trong những Di sản Văn hóa Thế giới đầu tiên tại Việt Nam. Và ngần ấy thời gian cũng là những nỗ lực của giới chuyên môn trong nước cũng như quốc tế để ngăn chặn sự xuống cấp của cụm di sản độc đáo này.

Liên tiếp, từ năm 1982 tới này, nhiều đoàn nghiên cứu của Ba Lan, Nhật Bản, Ấn Độ đã tới Mỹ Sơn để khảo sát và đưa ra những tư vấn quan trọng – trong đó đặc biệt phải kể tới vai trò của cố kiến trúc sư Kazik (Ba Lan) trong việc tham gia bảo tồn và trùng tu một số tòa  tháp. Nhưng, với đặc điểm địa chất, cũng như kết cấu gạch đã trải qua hàng trăm năm như Mỹ Sơn, những cố gắng này cũng chỉ có tác dụng trì hoãn sự bào mòn của thời gian được phần nào.

Gần nhất, cuối tháng 9 năm 2013, khi Tháp B3, B5 trong Quần thể di tích có dấu hiệu bị nghiêng và nứt lún nặng, Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn đã tiến hành kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra hiện trạng toàn bộ khu tháp Chăm cho các ngành chuyên môn cấp trên. Được biết, Viện Khoa học công nghệ (Bộ Xây dựng) đã được mời vào cuộc với việc khảo sát, khoan thăm dò... để tìm ra phương án chống đỡ. Tuy nhiên sau hơn một năm, việc tìm ra phương án chuẩn cho trường hợp này vẫn bế tắc.

Theo ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Nam, việc chưa có giải pháp khả thi là điều khó  khăn nhất trong việc trùng tu tháp B3 hiện tại: "Với tòa tháp này, vấn đề cốt yếu là việc xử lý nền móng và tìm kiếm nguyên nhân chính của việc nghiêng lún. Thực hiện được điều ấy, chuyện bảo tồn mới có thể tính đến".

Đằng sau niềm tự hào về một Di sản Thế giới, nỗi lo lắng và những nỗ lực để cứu Mỹ Sơn là câu chuyện song hành với số phận của Thánh địa này trong những năm qua. Một chút hi vọng được đưa ra trong thời điểm Mỹ Sơn tròn 15 năm được UNESCO công nhận: Vào cuối tháng 10 vừa qua, trong chuyến thăm Ấn Độ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ về bảo tồn và trùng tu các công trình kiến trúc Chăm tại Mỹ Sơn. Khi di sản Việt Nam trở thành di sản của thế giới, chúng ta cũng có thể đặt thêm hy vọng về sự chung sức gìn giữ "tài sản chung" từ những người bạn quốc tế như vậy.

Thúy Hồng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm