Lần đầu tiên trình diễn rối hầu Thánh tại Hà Nội

22/09/2009 08:56 GMT+7 | Tin di sản

(TT&VH) - Hôm nay, 22/9 tại Không gian Tri thức - Trung Nguyên - 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội - lần đầu tiên trò Ổi Lỗi hay còn gọi là Rối Đầu Gỗ (chùa Đại Bi, Nam Giang, huyện Nam Trực, Nam Định) - một loại hình rối cạn hầu Thánh độc nhất xứ Bắc - sẽ có màn trình diễn trước đông đảo quan khách là các nhà nghiên cứu văn hóa, các PV báo, đài và những người yêu di sản tham gia cuộc Tọa đàm Để di sản “sống” trong đời sống đương đại do báo TT&VH tổ chức, nhân khép lại một năm thực hiện dự án truyền thông Báo động từ vốn di sản…. 


Chỉ dám mang Thánh tượng “dự bị”

6 nghệ nhân Nam Giang mang đến Hội thảo Thập nhị Thánh tượng (12 Thánh tượng) nhưng chỉ là Thập nhị Thánh tượng dùng trong các buổi tập. Thánh tượng nặng nhất là 3kg, nhẹ nhất là 1,5kg. Trong thời lượng 30 phút của cuộc hội thảo, các nghệ nhân sẽ trình diễn các trích đoạn Giáo Trò, hát Dâng Tràng, dâng và Múa Tiên, hát Giáo về luân lý... là những nét tinh hoa nhất nằm trong tổng thể trò Ổi Lỗi (Rối Đầu Gỗ).

Nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng giải thích lý do vì sao chỉ dám mang Thập nhị Thánh tượng “dự bị”: “Thánh tượng linh hiển, việc mang Thánh tượng ra khỏi không gian thiêng, từ lâu chưa ai dám làm. Bên cạnh đó, yếu tố tâm linh tác động cao, rất cao đến đời sống nghệ nhân qua những hiện tượng, những tai nạn có thật xảy ra ngoài đời không sao lý giải nổi khiến chúng tôi tin không thể mang Thánh tượng chính ra khỏi Đại Bi tự.

Nghệ nhân Đoàn Hữu Sòng (70 tuổi), Phó trùm Rối Đầu Gỗ cho biết: “Trước khi mang Thánh tượng lên Hà Nội, đích thân Đại đức Thích Thanh Quyết cùng các nghệ nhân phường Rối Đầu Gỗ đã phải sắm lễ tại ba cung: dâng  hương xin ở cung Đức Ông trước, sau là khiến tấu lên Đức Thánh Tổ, cuối cùng mới đến cung Thập nhị Thánh tượng. Nếu cả ba cung thỉnh xin mà các Thánh cho phép (thông qua việc xin đài) thì mới  được phép mang Thánh tượng đi. Trước khi đi, các nghệ nhân phường Rối Đầu Gỗ còn phải làm một lễ cho tất cả các nghệ nhân. Nếu trên đường đi xảy ra trục trặc gì với các Thánh tượng hoặc trong khi biểu diễn cho các quan khách xem, nhỡ có ai sức yếu, làm rơi Thánh tượng cũng xin các ngài độ và đại xá cho”.



Các nghệ nhân hội Rối Đầu Gỗ Nam Giang (Nam Trực, Nam Định) tại tòa soạn
báo Thể thao &Văn hóa chiều 21/9

Sau khi biểu diễn tại hội thảo xong, các nghệ nhân đưa Thánh tượng trở về cung Thập nhị Thánh tượng và lại phải làm ba lần lễ như ban đầu, sau đó là tắm cho Thánh tượng sạch sẽ mới được cất vào hòm. Nếu sau đó hai tuần, nhóm nghệ nhân từng tham gia biểu diễn Rối Đầu Gỗ không ai “gặp biến” thì xem như việc “xê dịch Thánh tượng” lần này coi như Thánh linh đã chấp thuận từ đầu chí cuối, mọi việc tốt đẹp. Còn ngược lại thì phải làm lễ sám hối, thỉnh xin Thánh linh xá tội...

Cần đầu tư, quảng bá cho Rối Đầu Gỗ thêm nữa

      Rối Đầu Gỗ là loại rối độc nhất trong các loại rối cạn ở Việt Nam mà căn cứ vào kinh văn, (tức là lời hát, gọi là Kinh Thánh Hội Rối) thì tạm có thể phỏng đoán trò Ổi Lỗi được kiện toàn hình thức và nội dung từ thời Lê Sơ (xem: Về Nam Giang, xem Rối Đầu Gỗ hầu thánh! - TT&VH Cuối tuần, thứ Năm, 4/12/2008) chứ chưa thấy có sử sách nào khẳng định về niên đại ra đời chính xác của loại rối này. Một năm, Rối Đầu Gỗ chỉ múa hầu Thánh trong ba đêm hội, (mỗi đêm diễn từ 4 - 5 tiếng đồng hồ) từ ngày 20 đến 22 tháng Giêng, xong rồi cất Thánh tượng vào hòm.

Lần đầu tiên Rối Đầu Gỗ “khăn gói đi diễn”, nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng mong mỏi: “Dịp mang Thánh tượng về thủ đô múa trước mọi người, dù chỉ trong một hội thảo thì đó cũng là vinh dự lớn lao đối với hội Rối Đầu Gỗ. Thông qua các phương tiện truyền thông, một lần nữa Rối Đầu Gỗ được quảng bá đến rộng khắp quần chúng nhân dân cả nước.


Nghệ nhân Đoàn Hữu Sòng xúc động: Chúng tôi mong muốn được nhiều dịp tham gia vào các hội diễn giao lưu với các loại hình  văn hóa văn nghệ dân gian khác, đặc biệt là với các loại hình rối truyền thống của Việt Nam, để qua đó học hỏi lẫn nhau, nâng Rối Đầu Gỗ lên một tầm cao mới, trong một thời đại mới...”.

Trao đổi với TT&VH về biện pháp nhằm bảo tồn loại hình này, các nghệ nhân cũng không giấu những khó khăn đang gặp phải. Theo như các nghệ nhân cho biết thì hiện nay các Thánh tượng đang phải “nghỉ” đằng sau Đại Bi tự trong một điều kiện bảo quản chưa được tốt... Vì vậy, ngành văn hóa cần nhanh chóng đầu tư kinh phí, để xây mới một nơi thờ tự, bảo quản các Thánh tượng có niên đại 400 năm không bị mối mọt làm cho hư hại. Hiện nay kinh phí để tập tành hoạt động hầu hết do các cụ, các ông trong phường rối phải tự góp tiền cho hoạt động, mua quần áo, chè nước mà không có một khoản hỗ trợ nào từ ngành văn hóa cũng như chính quyền địa phương. Vì vậy, hỗ trợ kinh phí sinh hoạt, động viên các nghệ nhân trong hội Rối Đầu Gỗ, nhất là với các anh em trẻ tuổi, cũng là hành động kịp thời trong việc giúp họ yên tâm, tiếp tục cùng với lớp nghệ nhân đi trước gìn giữ, bảo tồn một trò kịch nghệ dân gian đặc sắc độc nhất vô nhị của Việt Nam.

Tọa đàm Để di sản “sống” trong đời sống đương đại

Sau một năm thực hiện dự án truyền thông Báo động từ vốn di sản với sự hỗ trợ của Công ty Ford Việt Nam, báo TT&VH tổ chức cuộc tọa đàm nhằm khép lại dự án này. Bên cạnh việc báo cáo kết quả thu được, một vấn đề lớn nảy sinh từ thực tế các di sản trong quá trình thực hiện bài viết sẽ được đưa ra bàn luận tại cuộc tọa đàm: Di sản chỉ có thể bảo tồn trong đời sống đương đại hay có thể “sống”, có thể “phát triển”? Nếu có thể “sống” thì nó sống như thế nào? Việc đưa các yếu tố đương đại vào các di sản phi vật thể (như lễ hội Lảnh Giang đã làm) nên được nhìn nhận như thế nào?...

Cuộc tọa đàm có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa cùng đông đảo những người quan tâm tới các di sản văn hóaViệt Nam.


Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm