Cải tiến chữ Quốc ngữ: Dùng tiếng nói của người Hà Nội làm chuẩn thì quá sai

27/11/2017 12:47 GMT+7 | Thế giới

Thăm dò ý kiến

Quan điểm của bạn về ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS. TS Bùi Hiền

 

(lienminhbng.org) – Xung quanh ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS. TS Bùi Hiền, độc giả Hoàng Minh Hiển ([email protected]) đã gửi đến báo Thể thao & Văn hóa một số ý kiến đóng góp.  Chúng tôi xin chia sẻ ý kiến này:

Độc giả Hoàng Minh Hiền viết: “Tôi là độc giả thường xuyên của báo, trước đây từng được học về lý luận văn hóa cũng như học về Văn hóa Việt Nam. Nay tôi thường đọc sách về văn hóa, lịch sử cũng như ngôn ngữ.

Nhân tiện có nhiều ý kiến quanh vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ, tôi xin gửi quý báo mấy ý kiến xung quanh vấn đề này. Kính mong quý báo cho đăng tải để có thêm đường dư luận nhằm giữ gìn và phát huy sự trong sáng của Tiếng Việt.

Câu chuyện cải tiến chữ viết cho đến nay vẫn chỉ có các nhà nghiên cứu và sư phạm liên quan đến ngôn ngữ trao đổi mà tuyệt nhiên không có nhà văn hóa hoặc nhà lý luận về văn hóa tham gia.

Dưới góc độ văn hóa, Tiếng Việt được cấu thành từ 3 thành phần gồm: Tiếng nói, Chữ viết và Văn bản. Trong khi đó, không hiểu là tác giả hay người trả lời phỏng vấn cứ nhầm lẫn giữa Tiếng Việt với chữ viết của Tiếng Việt nên có lúc nói tác giả Bùi Hiền cải tiến Tiếng Việt, lúc thì nói cải tiến chữ viết.

Ở phạm trù văn hóa, nói dùng tiếng nói của người Hà Nội làm chuẩn thì quá sai, bởi mấy lý do sau: Một là tiếng nói của người Hà Nội không phải tiếng nói đại diện cho cả dân tộc vì đó là tiếng địa phương. Không phải vì thủ đô đóng tại Hà Nội mà ta có thể lấy tiếng địa phương đó làm chuẩn. Nếu cứ vậy, đến khi nào đó, thủ đô chuyển đến địa điểm mới thì tiếng Việt lại phải thay đổi theo nữa hay sao?

Thứ hai là, về mặt văn hóa, tiếng nói của người Việt đang dùng là Tiếng Phổ thông. Đó là tiếng nói phổ cập cho tất cả các miền có chọn lọc để có nghĩa chung cho mọi người đều hiểu được. Các từ ngữ mang tính địa phương đều bị hạn chế đưa vào trong tiếng Việt. Điều này thể hiện qua cách trình bày trong các cuốn từ điển Tiếng Việt.

Thứ ba là chữ viết chỉ là công cụ hiển đạt tiếng nói, vì thế đã có tiếng phổ thông với các thuật ngữ có các âm tiết khác nhau trong tiếng nói thì chắc chắn cách viết khác nhau. Ví dụ: chẻ (củi) so với trẻ (con). Nếu lấy tiếng nói của người Hà Nội làm chuẩn thì chúng ta đi ngược lại chuẩn mực của Tiếng phổ thông.

Ví dụ về chữ cái được cải cách theo đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền
Ví dụ về chữ cái được cải cách theo đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền

Chính vì vậy, khi lấy tiếng nói của người Hà Nội làm chuẩn thì nó đã không chuẩn về mặt văn hóa và ngôn ngữ học. Ở góc độ lịch sử thì Tiếng nói của người Việt đã được cải tiến trong quá trình phát triển xã hội. Tiếng nói của người Việt cổ khác xa bây giờ. Ngay chỉ cách đây vài trăm năm thôi mà Tiếng nói của người Việt cũng khác xa.

Bằng chứng là cuốn từ điển Việt-Bồ-La đã dùng chữ cái Latinh để phiên âm tiếng nói thì thấy khác hẳn hiện nay. Ví dụ chữ TR phải đọc rung lưỡi chữ R như tiếng Khơ-me hay Tiếng Nga, không đọc thành TR mà đọc thành T…R. Nghĩa là tiếng nói Trưng sẽ đọc như Tơ Rưng và gần giống với T’rưng. Về bản chất âm thanh khi đọc nhanh chữ T’rưng sẽ gần hoàn toàn thành âm Trưng ngày nay.

Chính chữ quốc ngữ ngày nay đã làm thay đổi cách phát âm tiếng nói của người Việt theo hướng ngắn gọn, nhanh hơn, đỡ rườm rà hơn, âm sắc rõ hơn.

Qua hàng trăm năm sử dụng, chúng ta thấy rằng, người Miền Trung (từ Khu bốn cũ) đổ ra thường có xu hướng nói theo chữ viết đã chuẩn hóa thành chữ Phổ thông nên có sự dịch chuyển Tiếng nói của người Việt như ngày nay.

Riêng từ Miền Trung đổ vào thì vừa quen viết chữ theo Tiếng nói vừa quen nói theo chữ viết đã chuẩn hóa. Ví dụ khi nghe qua điện thoại cần đánh vần chữ petrolimex, người ta thường hỏi lại là “B” Bò hay “B” Phở vậy. Hay như địa danh Phước Kiển trên giấy tờ thì luôn nói thành Phước Kiểng và viết cũng thành Phước kiểng. Hay chữ “Tiếng Việt” không thấy ai viết thành “Tiếng Việc”.

Tất nhiên là tại khu vực phía Nam thì đa phần người thành phố Hồ Chí Minh và thành phố khác cũng nói theo chữ viết đã chuẩn hóa. Điều này có thể minh chứng bằng các phát thanh viên của các đài truyền hình Tp. Hồ Chí Minh, Cần thơ, Vĩnh Long v.v… hay các bài hát ca sỹ đã và đang hát.

Ngoài ra, PGS Bùi Hiền có vẻ nhầm lẫn giữa nguyên tắc vật lý trong ghép âm của Tiếng nói. Đó là hai âm ghép với nhau mà nói chậm sẽ tách rời nhưng nói nhanh sẽ trộn với nhau. Khi dùng máy ghi sóng âm và phân tích sóng âm ta sẽ nhận ra sự trộn lẫn (thành hợp âm) này.

Việc PGS Bùi Hiền thay đổi cách dùng một số chữ cái đã cắt xén các âm này hoặc biến chúng thành âm khác như Tre=Che, Tiếng=Tiếq. Như vậy đã vô hình trung làm thay đổi Tiếng nói chứ không còn thuần túy là cải tiến chữ quốc ngữ.

Chính vì vậy, để cải tiến chữ quốc ngữ cần phải đảm bảo các điều kiện sau đây: Một là phải lấy tiếng Phổ thông làm chuẩn và sử dụng chữ cái Latinh để diễn đạt chuẩn mực tiếng nói. Hai là, việc chuẩn hóa Tiếng nói Phổ thông không phải phạm vi cải tiến chữ viết mà nó phải do Viện ngôn ngữ học chủ trì hay Hội đồng ngôn ngữ học đề xuất việc thêm bớt thuật ngữ như thế nào để đảm bảo sự trong sáng của Tiếng Việt (gồm Tiếng nói, chữ viết và văn bản)

Ba là, khi cải tiến chữ viết phải tôn trọng nguyên tắc vật lý về ghép âm thanh trong tiếng nói khi dùng ký tự Latinh để diễn đạt. Có như vậy, tiếng nói mới giữ được sự chuẩn hóa mà không bị chữ viết làm sai lệch hay biến đổi khác đi.

Bốn là phải do các nhà ngôn ngữ học chủ trì dưới sự tổ chức thành Hội đồng được Nhà nước cho phép Năm là, cải tiến chữ viết phải đảm bảo giữ gìn sự trong sáng của Tiếng nói phổ thông vì đó là phần cốt lõi của Tiếng Việt.

PGS-TS Hoàng Dũng: 'Cách cải tiến tiếng Việt của ông Bùi Hiền là bấp bênh'

PGS-TS Hoàng Dũng: 'Cách cải tiến tiếng Việt của ông Bùi Hiền là bấp bênh'

PGS-TS Hoàng Dũng (Đại học Sư phạm TP.HCM) là một chuyên gia đầu ngành về ngôn ngữ học hiện nay. Ông chia sẻ quan điểm khoa học về lối “cách tân” tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền.

Hoàng Minh Hiển ([email protected])

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm