Chữ và nghĩa: 30 chưa phải là Tết

18/01/2020 08:23 GMT+7

(lienminhbng.org) - Câu tục ngữ Ba mươi chưa phải là Tết nói lên một điều, cái gì chưa đạt tới ngưỡng cần thiết thì chớ vội bỏ qua, đốt cháy giai đoạn. Nguyên lý biến đổi từ lượng thành chất trong triết học biện chứng cũng gần như thế. Sự vật có khi đã hội đủ mọi điều kiện quan trọng, nhưng có khi chỉ thiếu một “điều kiện đủ” là chưa làm nên chuyện.

Chữ và nghĩa: 'Thảo mai' nghĩa là gì?

Chữ và nghĩa: 'Thảo mai' nghĩa là gì?

“Thảo mai” là gì? Tôi tin rằng từ này không hề xa lạ với nhiều người. Nó không phải là từ mới bởi vì từ khá xa rồi, từ "thảo mai" đã được sử dụng tương đối rộng rãi. Chẳng hạn: "Tôi lạ gì cái giọng điệu thảo mai của con Lan nữa. Mới nghe nó nói thì con kiến trong lỗ cũng bò ra. Nhưng nghe cứ thấy thớ lợ giả giả thế nào ấy".

Quả trứng đã nở thành gà, nhưng nếu mẹ gà kia chưa cục cục rồi mổ vỡ cái vỏ lấy lỗ thông hơi thì chú gà chíp kia chưa bứt vỏ chui ra được. Hai anh chị yêu nhau thắm thiết, họ hàng đồng tình, nhưng nếu chưa đưa nhau ra ủy ban phường để ký vào một “hợp đồng dài hạn” thì chưa chính thức được coi là vợ chồng…

Một đội bóng đang dẫn bàn (mà dẫn bàn chênh lệch chứ không chỉ 1 trái) tới tận phút 90, nhưng nếu trọng tài chưa nổi còi mãn cuộc thì các cầu thủ chớ vội mà ôm nhau chúc mừng. Có khi chính từ mấy phút bù giờ kia đối phương ghi bàn chuyển bại thành thắng. Chắc nhiều khán giả ham mê trái bóng tròn còn nhớ trận chung kết Cup C1 lịch sử ngày 25/5/1999 giữa hai CLB bóng đá lừng danh là Bayern Munich (Đức) và MU (Anh) tại Sân vận động Nou Camp (Barcelona, Tây Ban Nha). Đội bóng Đức làm chủ thế trận. M. Basler ghi bàn cho B. Munich ngay phút thứ 6 và đội bóng xứ Bavaria đã giữ sạch lưới cho đến phút 90. Ấy vậy mà chỉ trong 3 phút bù giờ, T. Sheringham và O. Solskjaer đã lật ngược tình thế. MU thắng 2-1 trong một trận cầu "không tưởng". Chiến thắng này cũng là bài học sâu sắc cho mọi cầu thủ và xa hơn, mọi vận động viên trong các cuộc tranh tài thể thao.

Tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc có kể lại một câu chuyện ngụ ngôn rất hay về một anh học trò nghèo. Ngày ấy, hễ anh đi qua một ngôi đền thờ gần nơi học thì y như rằng trong đền nọ có tiếng chuyển động như ai đó muốn cất lời chào hỏi. Mà đền thì vắng tanh vắng ngắt. Còn ông từ giữ đền liên tục nằm mơ thấy thần báo mộng rằng có quan lớn vãn cảnh đền của ông. Ông cứ chờ hoài mà chẳng thấy “vị quan” nào đến sất. Thay vì quan lớn đến thăm như thần báo trước chính là anh học trò nghèo kia.

Chú thích ảnh

Quá lạ lùng, ông từ bèn kể chuyện này với nho sinh nọ và không quên nói rằng: “Thầy sau sẽ làm nên nghiệp lớn đó. Thần báo cho tôi mấy lần rồi”.

Anh học trò kia mừng rỡ, hí hửng ra mặt. Thay vì phải tiếp tục chăm lo đèn sách, anh bỗng nhiên trở nên hợm hĩnh kiêu căng. Anh chê cô vợ của mình “vừa xấu vừa đen”, từ đó rắp tâm tìm cách ruồng rẫy cô vợ cần ăn đời ở kiếp. “Mình mà đỗ rồi, mình phải bỏ nó đi để lấy một cô vợ thật xinh đẹp”. Mấy hôm sau, có người hàng tổng đến đòi nợ. Anh ta không trả, còn lớn tiếng: “Ta chưa có mà giả. Chớ nên cậy giàu vội. Khoa này ta sắp đỗ rồi, ta sẽ lấy vườn đất các người đấy...”. Thần thấy vậy giận lắm, bèn quyết định xóa tên anh ta trong sổ đăng khoa vì kẻ kia đã “vị đắc ý, cố thất đức” (chưa được như ý đã mất đức). Từ tích trên, dân gian ta có câu thành ngữ “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”.

Theo cấu trúc “chưa A đã B” này, ta có thể tìm ra khá nhiều thành ngữ tương tự cùng mô hình ngữ nghĩa: Chưa nóng nước đã đỏ gọng, Chưa khỏi rên đã quên thầy, Chưa thăm ván đã bán thuyền, Chưa đi đến chợ đã lo ăn quà, Chưa làm đã ăn...

Ở đời, không ít người bất chấp những logic của cuộc sống hiển minh: Rằng muốn đạt tới mục đích thì phải lao động, phấn đấu cho xứng đáng. Mà khi đến được đích rồi cũng nên có một cách ứng xử sao cho hợp lẽ đời. Kiêu căng, tự phụ, hợm hĩnh ngay cả khi thành đạt cũng là đáng trách. Vậy mà, thực tế điều thành đạt kia đã đến đâu... Không ít người chưa nên “quan” đã nói giọng quan, đã dậm dọa, đe nẹt người này người nọ. Cũng có người chưa được cất nhắc, đề bạt vào một cương vị mới đã tính đến chuyện lo vây cánh, mưu cầu lợi lộc cho mình, cho cả con cháu nữa.

Đó không chỉ là một lối sống theo kiểu ăn non, ăn xổi mà còn là một cách ứng xử thiếu văn hóa, không phù hợp với một phong cách sống lành mạnh. Đêm 30 trời còn tối lắm, hãy ráng đợi thêm chút nữa. Có đáng là bao đâu. Chỉ một tích tắc thôi là lịch sử sẽ “sang canh”. Lúc đó thì lời chúc của mỗi người chúng ta mới thực sự linh nghiệm, thực sự có ý nghĩa và mang về phước lành cho mọi người nhân dịp Tết đến Xuân về.

Ba mươi chờ phút Giao thừa

Đất trời chuyển dịch đến giờ sang Xuân

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm