03/03/2021 07:35 GMT+7
(lienminhbng.org) - "Có cá đổ vạ cho cơm", đây là câu tục ngữ đáng bàn từ góc độ ẩm thực và ngôn ngữ.
Ăn cơm là chuyện thường ngày ở mỗi gia đình Việt Nam. Dĩ nhiên, bữa cơm muốn ngon trước hết nồi cơm phải ngon (phụ thuộc vào chất lượng gạo và kỹ năng nấu). Nhưng bữa cơm chỉ ngon thực sự nếu có thức ăn ngon, hợp khẩu vị.
Thì đây, theo dân gian, cơm với cá là "công thức" cơ bản của một bữa ăn lý tưởng. Thực ra, vẫn còn nhiều thực phẩm giàu đạm khác, như thịt (trâu, bò, gà, lợn...) hay tôm, cua, ốc, ếch... Nhưng cá vẫn là thực phẩm thân thuộc, dễ kiếm và dễ chế biến.
Từ cá (bất luận cá đồng, cá sông hay cá biển) người ta đều có thể chế biến thành nhiều món: Nấu riêu, rán, hấp, kho, gỏi, làm mắm... Nhưng cá kho chính là món ăn điển hình ở làng quê. Đã kho thì phải mặn (mặn như kho), nấu kỹ (trên bếp hoặc vần trong than nóng) và phải khô (kho mà lõng bõng nước thì hỏng).
Ngày xưa (và bây giờ cũng thế), không gì tuyệt hơn mâm cơm gia đình bày ra có món rau (luộc, xào, nấu canh...), một đĩa cá kho, một đĩa cà... Có nhiều câu tục ngữ đề cao giá trị thức ăn là cá: “Vảy cá còn hơn lá ra”; “Không có cá lấy rau má làm trọng”; “Khói về đằng kia ăn cơm với cá/ Khói về đằng này liếm lá gặm xương” (Lời đồng dao trẻ em khi quạt khói) v.v… "Cơm thơm ăn với cá kho/ Công đức Bác Hồ bản nhớ ngàn năm", Chế Lan Viên đã viết vậy trong bài thơ “Bữa cơm thường trong bản nhỏ” (1954) làm chúng ta liên tưởng tới cuộc sống sung túc, đủ đầy của những người nông dân trong chế độ mới.
Câu tục ngữ “Có cá đổ vạ cho cơm” được Nguyễn Đức Dương (trong “Từ điển Tục ngữ Việt”, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) giải nghĩa là: "Có cá tất sẽ tốn cơm hơn (vì ai cũng muốn ăn thêm do quá ngon miệng). Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: "Thức ăn càng ngon thường càng hao cơm hơn". Nói ngắn gọn thì, bữa cơm mà có cá sẽ ăn được nhiều cơm.
Nhưng tại sao lại có từ "đổ vạ" ở đây? "Cá đổ vạ cho cơm" là sao?
"Vạ" là danh từ có 3 nghĩa: "1. Tai họa bỗng dưng đến với một người nào đó (VD: Mang vạ vào thân; gặp tai bay vạ gió) đồng nghĩa với tai hoạ, tai vạ. 2. Điều tội lỗi phải gánh chịu (VD: Đổ vạ cho người khác; vạ mồm vạ miệng). 3. [cũ] Hình phạt, thường bằng tiền, đối với người đã vi phạm tục làng thời phong kiến (VD: Nộp vạ; phạt vạ; ngả vạ) (“Từ điển tiếng Việt”, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).
"Vạ" trong "đổ vạ" nằm ở nghĩa 2 (điều tội lỗi phải gánh chịu). “Đổ vạ” tức là "gán vạ cho người khác khiến người khác phải chịu hậu quả (vì vạ đó)". Hành vi này nằm trong trường nghĩa của các từ, như "đổ lỗi", "đổ thừa", "đổ vấy", "đổ bệnh"... đều có hàm ý không hay.
Vậy ta có thể có một cách suy luận như thế này chăng: Khi có cá, người ta thường ăn được nhiều cơm. (Ngày xưa), gạo thóc rất hiếm và rất quý, nếu ăn nhiều cơm (hao tốn lương thực) sẽ ảnh hưởng tới chi phí và đó là điều không khuyến khích. Vậy nên, chuyện tốn cơm, không được giải thích là do có thức ăn ngon là cá mà lại "đổ lỗi" cho cơm (có thể là cơm ngon!). Chà, thế này thì oan cho cơm quá đi!
Tất nhiên, suy luận như vậy thật khó chấp nhận vì luận cứ không thuyết phục. Vấn đề có lẽ là để hiệp vần ("cá" hiệp vần với "vạ"), rồi từ đó thành "đổ vạ". Nhưng bao nhiêu người đọc câu tục ngữ này đều không phát hiện ra cái "bất bình thường" của sự tình. Cũng bởi là hầu hết mọi người (chỉ cần đọc qua) đều hiểu một cách tường minh ngữ nghĩa của câu tục ngữ mà quên rằng, rõ ràng có một điều "phi logic" nằm trong cấu trúc cú pháp của tục ngữ đang xét.
Tự nhiên cơm bị tiếng oan
Cũng vì "anh cá" chen ngang đấy mà!
PGS-TS Phạm Văn Tình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất