05/04/2018 06:51 GMT+7
(lienminhbng.org) - Những hình ảnh ghi lại quá trình phá dỡ cụm công trình “Tràng An cổ” đang liên tục được báo giới cập nhật. Cuối tuần trước, công việc này đã bắt đầu và dự kiến kéo dài trong một tháng.
Chắc chắn, thời gian tới, không chỉ có phía xây dựng công trình, mà trách nhiệm của những cơ quan, đơn vị liên quan cũng sẽ được làm rõ. Nhưng đó chưa phải là tất cả câu chuyện.
Bởi, xa hơn vấn đề trách nhiệm, những gì từng diễn ra ở quần thể danh thắng Tràng An cũng là điều mà một vài Di sản Thế giới tại Việt Nam gặp phải ở các mức độ khác nhau, trong việc khai thác du lịch.
Thực tế, thống kê chung cho thấy: trên thế giới, mỗi di sản sau khi được trao danh hiệu từ UNESCO có thể đạt tới lượng khách trung bình 10 triệu lượt/năm và mang về khoảng 500 triệu USD. Tạm nhìn vào lũy tiến của lượng khách du lịch đến Ninh Bình sau khi danh thắng Tràng An nhận danh hiệu cấp thế giới, chúng ta cũng thấy điều này: năm 2014 là 4 triệu lượt khách, 2015 là 5 triệu lượt, 2016 là 6,5 triệu lượt và 2017 vừa qua là 7 triệu lượt.
Nhưng nếu chỉ nhìn vào lượt du khách để đánh giá về những giá trị kinh tế mà một Di sản Thế giới mang lại thì chưa đủ. Bởi, đi kèm với nó là những quy định, tiêu chí rất ngặt nghèo của UNESCO để bảo vệ tính nguyên trạng của di sản.
Hai vấn đề ấy, trong rất nhiều trường hợp, có tác động hữu cơ với nhau. Bởi, lượng khách du lịch đổ về luôn đi kèm với các bài toán về cơ sở lưu trú, hệ thống giao thông tiếp cận, các công trình phụ trợ nhằm tăng sức hấp dẫn… mà địa phương sở hữu Di sản phải tính đến.
Và thẳng thắn, trong nhiều trường hợp, với tâm lý nóng vội, muốn sớm “khuếch đại” lượng khách du lịch tới thăm, các Di sản Thế giới tại Việt Nam đã gặp khó từ cách làm của mình. Ý tưởng gây tranh cãi về việc dùng cáp treo để "đại trà hóa" lượng du khách tới hang Sơn Đoòng mỗi năm là một ví dụ.
Hoặc, cho tới hiện tại, vịnh Hạ Long vẫn nằm trong danh sách khuyến nghị của UNESCO về bảo tồn di sản- khi từ năm 2011, lời cảnh báo đã được đưa ra quanh nạn lấn biển, xây dựng các công trình lưu trú ven vịnh. (Trước đó, năm 2009, cố đô Huế cũng gặp vấn đề tương tự, nhưng đã kịp khắc phục và rút khỏi danh sách vào năm 2013).
Thậm chí, với một Di sản được coi là bảo tồn tốt như Hội An, ít người biết, UNESCO cũng từng gửi văn bản đề nghị chúng ta không lạm dụng hệ thống đèn neon hiện đại để chiếu sáng, cũng như ngừng để các xe… đạp vịt dưới chân chùa Cầu.
***
Trở lại câu chuyện của Tràng An. Như thông tin từ phía văn phòng UNESCO tại Việt Nam, chắc chắn, sai phạm này sẽ được đặt ra để chất vấn đại diện của Việt Nam trong kì họp lần thứ 42 của Ủy ban Di sản Thế giới vào tháng 6 tới.
Như so sánh thú vị của bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa của UNESCO tại Việt Nam, sai phạm ấy giống với việc chúng ta thiết lập khu vực không hút thuốc trong một môi trường đầy rẫy khói thuốc. Để rồi, khi những người không hút thuốc bước tới, người ta lại tổ chức hút thuốc ngay trong khu vực này.
Có nghĩa, câu chuyện cuối cùng vẫn nằm ở tư duy dài hơi để khai thác di sản một cách bền vững. Tư duy ấy cần một tầm nhìn khoa học và đặc biệt là sự kiên nhẫn đủ để nói không với cách khai thác theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”.
Cần nhớ, theo lý thuyết, việc "ứng cử" trước UNESCO cũng đồng nghĩa với việc... xung phong để tự nguyện bỏ tiền của và công sức ra gìn giữ các di sản tại quốc gia mình, không chỉ cho bản thân mà cho toàn nhân loại. Có nghĩa, nửa kia của danh hiệu Di sản Thế giới sẽ là trách nhiệm rất nặng nề, chứ không chỉ đơn thuần là niềm vui, hay ước mơ giúp mỗi địa phương đi lên nhờ du lịch.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất