Để nhà máy thành không gian sáng tạo

17/12/2020 08:10 GMT+7

(lienminhbng.org) - Chúng ta đang có những cơ hội tuyệt vời – và cũng là cơ hội cuối cùng – để tạo dựng cho Hà Nội những không gian sáng tạo rộng lớn từ hệ thống những nhà máy cũ. Đó là lời khẳng định của rất nhiều diễn giả trong cuộc tọa đàm “Chuyển đổi di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo Hà Nội” diễn ra vào sáng qua 16/12.

'Di sản đô thị' và 'đô thị di sản'

'Di sản đô thị' và 'đô thị di sản'

Ở thời điểm mà dư luận đang hướng về nạn lũ lụt ở miền Trung, chuyện “di sản” xem ra là một cái gì đó không thực tế và xa vời. Nhưng thật ra, đó vẫn là một vấn đề có mẫu số chung với điều ta luôn nói đến những ngày qua: thái độ của con người trong việc gìn giữ những gì quan trọng và có tính bền vững với cuộc sống hôm nay.

Đề xuất này gắn với một thực tế: Thủ đô đang có đề xuất di dời 90 nhà máy hoặc cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi nội đô để đảm bảo các vấn đề về môi trường, dân sinh hay quy hoạch. Đa phần trong số đó đều có diện tích lớn và nằm trong 12 quận nội thành của Hà Nội.

Và trong bối cảnh Hà Nội sau một năm gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO nhưng vẫn thiếu những không gian sáng tạo đủ hấp dẫn, sẽ là là lý tưởng nếu các nhà máy này được chuyển đổi (một phần, hoặc toàn bộ diện tích) để “bù” vào phần thiếu hụt này.

Cần nhắc lại, cách “tái sinh” ấy vốn khá phổ biến ở những đô thị lớn trên thế giới. Tại đó, khi các nhà máy hoặc công trình có quy mô tương tự được di dời, phần kết cấu xây dựng cũ - thường có mặt bằng rộng và nhịp vòm lớn - sẽ được tận dụng cho các hoạt động nghệ thuật đương đại, thay vì đập bỏ một cách lãng phí. Chiến lược này vừa có tính văn hóa - khi các nhà máy thường gắn với lịch sử phát triển của thành phố - vừa tạo môi trường mở để thu hút nghệ sĩ và nhà đầu tư trong việc phát triển công nghiệp sáng tạo và du lịch.

Chú thích ảnh
ảnh minh họa

Không cần kể quá xa, bản thân Hà Nội cũng từng có một kinh nghiệm thú vị về mô hình này vào 7, 8 năm trước, khi “Zone 9” mọc lên một cách tự phát tại khu nhà kho của một xưởng dược phẩm trên phố Trần Thánh Tông. Trước khi bị đóng cửa sau một vụ hỏa hoạn, sức hút và những hoạt động mang hơi hướng nghệ thuật đương đại đã khiến nhiều người hi vọng nơi này trở thành một “quận nghệ thuật” trong thời gian ngắn.

Để rồi, những phân tích tại tọa đàm chỉ rõ: Hà Nội còn rất nhiều nhà máy hoặc cơ sở công nghiệp có vị trí lẫn giá trị kiến trúc hấp dẫn không kém gì Zone 9. Đó là cụm nhà máy Cao - Xà - Lá là hạt nhân mở ra cả một cụm đô thị mới tại Tây Nam thành phố với những khu tập thể đặc thù cho cán bộ và công nhân. Đó là nhà máy Bia Hà Nội - nơi vừa mở ra một giai đoạn mới cho lịch sử ẩm thực thành phố, vừa có kiến trúc độc đáo với khu điều hành gồm cụm biệt thự trên địa hình dốc nhẹ và cụm nhà xưởng xây trước 1945. Rồi, các trường hợp của nhà máy xe lửa Gia Lâm, giày vải Thượng Đình, bánh kẹo Hải Hà...

Như cách nói của nhiều chuyên gia, đó chính là những “trữ lượng” đặc biệt cho công nghiệp sáng tạo tương lai của Hà Nội.

Dù vậy, cũng cần nhắc tới một thực tế: Các nhà máy cũ của Hà Nội thường được xây dựng tại vùng ven đô trong quá khứ. Tuy nhiên, sự phát triển và mở rộng của thành phố đã dần “bao” lấy những công trình này và biến chúng thành những khu vực bất động sản vô cùng hấp dẫn. Và thực tế, việc chuyển đổi các di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo chưa bao giờ là điều dễ dàng so với xu thế biến nơi đây thành các cao ốc hoặc khu chung cư.

Minh chứng: Hầu hết quỹ đất của 21 nhà máy từng được di dời khỏi Hà Nội đều được “tái sinh” theo cách này. Đó không chỉ là câu chuyện về tầm nhìn, mà còn gắn với một thực tế rằng việc đầu tư cho các không gian sáng tạo không thể hấp dẫn, nếu chúng chưa hứa hẹn để tạo ra những giá trị gia tăng đủ lớn.

Bởi thế, để những nhà máy cũ trở thành các không gian sáng tạo, đó là một câu chuyện dài hơi về sự linh hoạt trong quy hoạch, về sự hợp tác của chính quyền và người dân, cũng như sự thăng hoa của các nghệ sĩ tại những” xưởng nghệ thuật”tương lai. Đặc biệt, đó còn phải là những cơ chế pháp lý đặc thù để thu hút nhà đầu tư một cách hợp lý và bài bản - khi mà thực tế cho thấy: Nếu hoạt động đủ tốt, các không gian sáng tạo có khả năng lan tỏa sức hấp dẫn ra cả một khu vực lớn, bởi các không gian liền kề với nó cũng sẽ đến lượt trở thành nơi kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ.

Bài toán ấy có thể phức tạp nhưng không thể bỏ qua, khi mà chúng ta đang muốn Hà Nội hướng theo xu thế của nhiều đô thị trên thế giới : Chuyển đổi từ thành phố công nghiệp sang thành phố của du lịch, dịch vụ và công nghệ.

Cúc Đường

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm