Điều gì chờ đợi 'Công viên địa chất toàn cầu' Cao Bằng?

14/12/2016 06:52 GMT+7

(lienminhbng.org) - Với việc hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO vào cuối tháng 11 vừa qua, tỉnh Cao Bằng đã chính thức bước vào lộ trình "ứng thí" cho danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) - trước khi kết quả cuối cùng được công bố vào năm 2018.

Sự thực, so với các hệ thống danh hiệu Di sản khác của UNESCO, khái niệm CVĐCTC phần nào ít được nhắc tới hơn - dù Việt Nam từng sở hữu một danh hiệu này vào năm 2010 cho khu vực cao nguyên đá Hà Giang. Thậm chí, 2 chữ "công viên" còn có thời điểm gây ra cách hiểu sai cho một số người, rằng những địa điểm này sẽ được... phát triển theo mô hình công viên sau khi nhận danh hiệu.

Cũng không quá khó hiểu về điều ấy, khi danh hiệu CVĐCTC mới được UNESCO đưa ra chưa đầy 20 năm. So với nó, danh xưng Di sản Thiên nhiên Thế giới hoặc Di sản Văn hóa Thế giới đã có hơn 40 năm tồn tại. Và thực tế, nhiều địa phương luôn háo hức với cơ hội sở hữu danh xưng này, bởi sự hứa hẹn "đổi đời" cho ngành du lịch, nếu di sản được nâng tầm.

Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kĩ về những đặc thù của danh hiệu CVĐCTC, chúng ta sẽ nhận ra: đây chính là một cơ hội đặc biệt để những địa phương như Cao Bằng tìm kiếm "lực đẩy" mới cho mình.


Hồ Thang Hen - một trong những di sản địa chất nằm trong quần thể Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được công nhận là Danh thắng quốc gia.

Bởi, theo các tiêu chí được UNESCO đưa ra, khái niệm CVĐCTC ở đây được áp dụng cho một khu vực địa lý rộng, có những điểm địa chất đạt giá trị quốc tế về  thẩm mỹ, quan điểm khoa học, sự hiếm có và ý nghĩa giáo dục. Và, với UNESCO, một trong những mục đích chiến lược của việc xét tặng danh hiệu này nằm ở việc tạo cơ hội phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa bền vững cho những khu vực được vinh danh.

Thực chất, trên thế giới, trong những năm gần, chuyên ngành địa chất du lịch đang phát triển như một xu hướng đặc biệt trong địa chất học hiện đại. Đó là chuyên ngành phát triển theo hướng phục vụ du lịch, để du khách được cung cấp thông tin, kiến thức, lịch sử hình thành và sản phẩm tự nhiên của các cảnh quan được tạo thành từ sự biến đổi địa chất.

Kiến thức được cung cấp, cộng cùng việc tận mắt thấy độ kỳ vĩ về quy mô của những cảnh quan được thiên nhiên tạo dựng nên trong hàng ngàn năm, là lý do để rất nhiều khu vực địa chất đặc biệt trên thế giới tạo ra đặc biệt với du khách.

Và thậm chí, trong 3 Di sản Thế giới của Việt Nam là danh thắng Tràng An, vườn Phong Nha - Kẻ Bàng và vịnh Hạ Long, sự biến đổi địa chất cũng đóng góp một phần quan trọng để tạo nên cảnh quan, cho dù chúng ta còn chưa chú trọng giới thiệu với du khách về yếu tố này.

Nghĩa là, dù chỉ có... đá trong tay, những địa phương nghèo vẫn có thể tận dụng để tạo thành tài nguyên du lịch cho mình, nếu biết cách làm.

***

Và thực tế, kể từ khi nhận danh hiệu CVĐCTC, cao nguyên đá Hà Giang cũng đã bước chuyển mới về du lịch, khi lượng du khách tìm tới đây tăng khoảng 20% mỗi năm, với lượt khách trung bình hàng năm là 300.000 người.

Bởi thế, hơn 3000 km vuông được quy hoạch của Cao Bằng, với những thác Bản Giốc, hồ Hang Then, động Ngườm Ngao và các thắng cảnh địa phương... cũng đang đặt ra cho chúng ta những hi vọng  về một CVĐCTC thứ 2 tại Việt Nam.

Nhưng cũng cần nói thêm, nếu thành công, danh xưng ấy cũng chỉ là bước đầu tiên, nếu địa phương này muốn có một di sản thực sự trở thành điểm nhấn về du lịch. Đó lại là những câu chuyện rất dài về cách khai thác tổ chức du lịch, đào tạo nhân lực, đầu tư hạ tầng - và đặc biệt là tư duy để khai thác hợp lý, bền vững những giá trị từ danh hiệu đang có trong tay.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm