01/12/2017 07:30 GMT+7
(lienminhbng.org) - Chiều 28/11, trong khi rất nhiều người dân hiếu kỳ tụ tập trên cầu Long Biên để xem Bộ Tư lệnh Công binh trục vớt và di dời quả bom dưới sông Hồng, thì tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Võ Tiến Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã chuyển thông tin về việc triển khai phương án nạo vét Hồ Gươm.
Theo ông Hùng, trong thời gian qua, công ty đã kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học và nguồn lợi Thủy sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản thực hiện việc quét lưới để khảo sát các cá thể sống tại Hồ Gươm. Qua khảo sát, đã không phát hiện thêm “cụ rùa” nào mà chỉ thấy cá.
Một thông tin mà tôi, kẻ không phải “hộ khẩu” Thủ đô, vẫn có gì đó ngậm ngùi, nuối tiếc.
Còn người Hà Nội, những ngày này, đi qua Hồ Gươm, liếc nhìn mặt hồ xanh biếc, có ai thầm ước một lần, “cụ” ngoi lên?
Theo PGS-TS Hà Đình Đức - người có nhiều năm nghiên cứu về “cụ rùa” Hồ Gươm, được mệnh danh là "nhà rùa học" cũng xác nhận. “Hồ Gươm có tất cả 4 "cụ rùa", 3 cụ mất cách đây rất lâu, "cụ" cuối cùng "ra đi" ngày 19/1/2016. Suốt 1 năm qua, tôi theo dõi nhưng không còn dấu vết của "cụ rùa" nào” - PGS nói. Dẫu vậy, nhiều người vẫn mong quá trình quét lưới để khảo sát các cá thể sống tại Hồ Gươm, trước khi tiến hành cuộc nạo vét làm sạch hồ quy mô lớn nhất trong 50 năm qua, vẫn còn sót lại một vài “cụ rùa”. Vậy mà…
Từ đây, mãi mãi chúng ta không còn được chiêm ngưỡng các “cụ” ngoi lên, trong sự vui mừng của mọi người. Nếu người ta có thả xuống những cá thể rùa cùng chủng loại, thì cũng phải cả trăm năm rùa mới lớn bằng các tiền bối. Nhưng, những con rùa hiện đại này sẽ không có huyền sử.
Dù đau đớn không còn rùa, nhưng Hồ Gươm vẫn còn đó và tồn tại thiên thu, để chúng ta còn được ngân nga các ca từ tuyệt vời: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu (ca khúc “Người Hà Nội”); “Ôi nhớ, Hồ Gươm xanh thắm/ Nơi Tháp Rùa nghiêng soi bóng/ Thành cũ Thăng Long/ Hồn nước non thiêng/ Còn lắng đâu đây dấu xưa oai hùng/ Hà Nội ơi!” (ca khúc “Nhớ Hà Nội”).
Hồ Gươm luôn là vậy, nguồn cảm hứng bất tận với các văn nghệ sĩ bởi tính biểu tượng thiêng liêng về văn hóa, về lịch sử; đồng thời còn là không gian văn hóa đặc sắc của người Hà Nội. Hiện tại, chúng ta mong sao văn hóa ứng xử với Hồ Gươm thật chuẩn mực. Cảnh quan xung quanh hồ ngày càng đẹp hơn, cây cối xanh tươi, các hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp, văn minh, làm vui lòng người dân Thủ đô cùng khách du lịch.
***
Điều quan trọng nhất, cần phải trả lại cho Hồ Gươm môi trường trong sạch bởi hồ còn mang chức năng sinh thái quan trọng. Vậy mà, thực tế rất lo ngại khi các nhà khoa học đã chỉ ra Hồ Gươm đã mất khả năng tự làm sạch, nước bị ô nhiễm nghiêm trọng; cá và động thực vật chưa được bảo vệ đúng mức khiến chất hữu cơ vào lòng hồ không trở thành thức ăn mà biến thành chất ô nhiễm. Chiều dày đáy bùn cao nhất là 1,64m, nơi ít bùn nhất cao 0,47m. Lượng oxy cần thiết để oxy hoá các hợp chất hoá học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ gấp gần 2 lần so với tiêu chuẩn cho phép.
Vậy thì, làm sao cấm được suy nghĩ của người dân, rằng sự ô nhiễm của Hồ Gươm là một trong những nguyên nhân khiến các “cụ rùa” đổ bệnh, rồi qua đời?
Hiện, các công nhân công ty thoát nước Hà Nội đang ngày đêm nạo vét lòng hồ. Hy vọng Hồ Gươm sẽ được tẩy sạch, trở thành “lá phổi” đúng nghĩa.
Hẳn lúc đó, các “cụ rùa” sẽ “ngậm cười nơi chín suối!”.
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất