01/11/2018 07:25 GMT+7
(lienminhbng.org) - “Không dự án nào có lãi như thế” – nhận xét của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đưa ra trong phiên họp Quốc hội sáng 31/10 lập tức xuất hiện trên rất nhiều mặt báo.
Cụ thể, dự án được nhắc ở đây là trường hợp vịnh Hạ Long. Trong năm 2017, di sản này có kinh phí đầu tư từ ngân sách là 50 tỷ đồng, trong khi chỉ riêng tiền bán vé mang về đã là 1.100 tỷ đồng, nghĩa là gấp hơn 20 lần - chưa kể các nguồn thu từ lưu trú, mua sắm, ăn uống... chắc chắn sẽ gấp nhiều lần tiền bán vé.
Rộng hơn, theo Bộ trưởng Thiện, tỷ lệ nguồn thu/mức đầu tư tại các Di sản Thế giới ở Việt Nam cũng đều rất cao.
Chẳng hạn, di tích cố đô Huế thu 320 tỷ đồng, ngân sách đầu tư 47 tỷ đồng, phố cổ Hội An thu 247 tỷ đồng, ngân sách đầu tư 17 tỷ đồng. Và tổng cộng, cho đến giờ, 8 Di sản Thế giới Việt Nam đã đón 16 triệu lượt khách, trong đó có 7 triệu khách quốc tế.
Nhận xét của Bộ trưởng có thể gây bất ngờ cho những người ít quan tâm tới di sản. Nhưng thực tế, điều này từ lâu đã được khẳng định: di sản văn hóa luôn là nguồn tài nguyên có sự hấp dẫn đặc biệt cho du lịch. Và ở phạm vi quốc tế, du lịch văn hóa từ lâu, và sẽ mãi mãi, là dòng sản phẩm du lịch cơ bản – đặc biệt ở những quốc gia có chiều sâu văn hóa đo bằng hệ thống di sản đậm đặc như Việt Nam.
Cũng cần nói thêm,theo các thống kê chung trên thế giới, mỗi di sản sau khi được trao danh hiệu từ UNESCO có thể đạt tới lượng khách trung bình 10 triệu lượt/năm và mang về khoảng 500 triệu USD. Tại Việt Nam, qua trường hợp danh thắng Tràng An – di sản gần nhất nhận danh hiệu cấp Thế giới (2014) -, ta có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào lũy tiến của lượng khách du lịch đến Ninh Bình: năm 2014 là 4 triệu lượt khách, 2015 là 5 triệu lượt, 2016 là 6,5 triệu lượt và 2017 vừa qua là 7 triệu lượt.
Do vậy, từ khá lâu, khái niệm “công nghiệp không khói” đã trở nên quen thuộc với nhiều địa phương khi nhắc tới chiến lược phát triển du lịch của mình. Và thực tế, rất nhiều Di sản Thế giới tại Việt Nam cũng đã sớm được lên kế hoạch để khai thác tiềm năng hiện có.
***
Nhưng cũng cần nhắc lại, thông tin trên Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cung cấp khi nói về một câu chuyện đặc biệt: dù nguồn thu lớn, nhưng ngân sách cho lĩnh vực bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa lại không nhiều.
Bởi thế, người đứng đầu ngành Văn hóa nhấn mạnh: nếu quan tâm đầu tư, coi việc đầu tư tu bổ di sản như một công trình dự án đầu tư bằng ngân sách thì sẽ thu hồi ngân sách rất nhanh, không bị thua lỗ, đồng thời lại vẫn đảm bảo được tính văn hóa của di sản.
Có nghĩa, câu chuyện ở đây lại liên quan tới một vấn đề khác:di sản cần được đầu tư hợp lý để khai thác bền vững, thay vì tư duy “ăn xổi”.
Sự thực, nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng từ lâu về cách bảo tồn di sản hiện nay, trong nhu cầu phát triển du lịch.Hai vấn đề ấy, trong rất nhiều trường hợp, có tác động hữu cơ với nhau. Bởi, lượng khách du lịch đổ về luôn tạo ra sức ép không nhỏ về môi trường, khả năng bảo vệ cảnh quan, thậm chí đặt ra những bài toán về cơ sở lưu trú, hệ thống giao thông tiếp cận hay các công trình phụ trợ nhằm giảm tải cho “sức chịu đựng” của di sản.
Không phải, cứ muốn thu bao nhiêu tiền từ di sản cũng được – nếu chúng ta chưa giải một bài toán tổng thể đòi hỏi tư duy khoa học về việc cân bằng giữa phát triển du lịch và đầu tư gìn giữ, bảo tồn.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất