Thư châu Âu: 'Bạn không xếp hàng, tôi không bán cho bạn'

07/12/2014 09:33 GMT+7

(lienminhbng.org) - Thưa quý anh chị,

Một cô bán hàng người Ba Lan trong tiệm thức ăn nhanh ở Warsaw đã nói như thế với một nhóm hai ba du khách châu Á chen ngang các khách hàng đang đứng rất trật tự trước quầy. Cô bán hàng đang tính tiền cho một khách đã dừng việc của mình lại, quay sang nhóm khách mới tới, nói rất nhẹ nhàng, rằng cô không thể phục vụ cho họ, khi còn những người xếp hàng trước đó. Đám đông đứng trong hàng theo dõi cuộc nói chuyện ngắn ngủi ấy, im lặng không nói gì, chỉ nhìn sang mấy ông khách, lúc ấy chưng hửng và xấu hổ...

Những gì xảy ra ở trên chỉ là một câu chuyện rất nhỏ về hành xử văn minh ở châu Âu. Chuyện xếp hàng thực ra không hề nhỏ như không ít người đã nghĩ, và không phải ai cũng có ý thức ấy. Thế cho nên, như ở Singapore, tại những nơi cần xếp hàng, thỉnh thoảng người ta vẫn treo lên những tấm biển nhỏ, như “Queue By Law” (xếp hàng theo luật) để nhắc nhở. Người Singapore thỉnh thoảng vẫn thấy Thủ tướng Lý Hiển Long xếp hàng khi đi ăn ở một quán cơm. Ở những nước khác, chuyện một chính trị gia làm điều tương tự cũng không phải là hiếm. Ngoài những vấn đề mang tính PR hay đơn giản là “mị dân”, còn một điều nữa mà họ muốn đạt đến thông qua hành động ấy - mà bản thân mấy người châu Á ở trên vô tình hoặc cố tình không hiểu: First Come First Serve. Ai đến trước thì được phục vụ trước, bất kể đó là ai đi nữa.



Ý thức không tự nhiên mà có. Ý thức xếp hàng cũng không sinh ra chỉ sau một đêm, mà đơn giản là một hành vi có được khi trải qua thời gian và được coi là một trong những nguyên tắc cơ bản của tổ chức xã hội. Nhưng ngay cả ở những đất nước phát triển và văn minh, không phải ai cũng có ý thức ấy. Và sự nhắc nhở của những tấm biển, thái độ của người bán hàng, sự phản đối của những người bị chen ngang... chính là thể hiện của việc văn minh, sự tôn trọng và đòi hỏi tôn trọng giữa người và người vẫn tồn tại.

Nhưng có phải là người ta thực sự không thích xếp hàng không? Những người thiếu ý thức không ít. Nhưng cũng có những người có ý thức, sẵn sàng xếp hàng, nhưng vì luôn có cảm giác rất mạnh mẽ về việc bị đối xử và phân phối không công bằng, nên họ phải chen ngang. Và một khi cái suy nghĩ ấy đã lấn át tất cả, át cả sự tự trọng, người ta sẽ chen lấn, xô đẩy, thậm chí giẫm đạp lên nhau để giành giật lấy thứ mình cần. Nhưng loại trừ sự hỗn loạn xảy ra liên quan đến những vấn đề quá nghiêm trọng, thì chuyện không xếp hàng chỉ vì thiếu kiên nhẫn và không biết cách cư xử chẳng phải là chuyện ở riêng nước ta. Đâu cũng có chuyện đó. Vấn đề quan trọng là người ta xử lý thế nào.

Ở Ý, khi đến một nơi mà thấy đã có xếp hàng, người đến sau bao giờ cũng hỏi: “Ai là người cuối cùng?” để đứng sau người đó, và cái hàng mãi mãi dài ra. Nhưng không phải lúc nào cũng có những hàng như thế. Chẳng hạn ở chi nhánh bưu điện hay ngân hàng chật hẹp, không có chỗ để đứng thành hàng, những người đến sau cũng luôn hỏi như vậy, và tự biết thứ tự của mình ở đâu khi sắp đến lượt. Và thái độ của những người như cô tính tiền ở Warsaw cũng rất quan trọng. Chính cô nắm quyền thực hiện hành vi phân phối đó, một khi quá trình xếp hàng bị phá vỡ. Cô là người phân xử và cô đã làm đúng điều cần làm: bảo vệ quyền lợi của những người xếp hàng. Những cô như thế, tiếc thay, tôi lại thấy rất ít ở nước mình.

Xếp hàng là chuyện nhỏ, có gì quan trọng. Ai đó có thể nói thế. Nhưng tôi không nghĩ thế, vì một xã hội văn minh cần phải được tạo nên từ những viên gạch rất nhỏ, từ những việc tưởng như chẳng có gì đáng bàn.

Hẹn gặp lại anh chị trong những thư sau.    

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm