10/09/2018 07:15 GMT+7
(lienminhbng.org) - Gần 1/4 dân số tựu trường ngày khai giảng, nên giáo dục luôn là vấn đề nóng nhất, thu hút đông đảo dư luận.
Nhiều năm qua, khai giảng thường đi kèm hình ảnh chịu thương, chịu khó của học sinh, các gương sáng của thầy cô. Năm nay lại là chuyện không vui về “vuông, tròn, tam giác” của sách lớp 1, trong bộ sách “công nghệ giáo dục”. Mà nguồn cơn có thể lan truyền từ một 1 clip bị cắt ghép, thiếu kiểm chứng, dẫn đến hệ lụy khó lường, khiến nhiều thầy cô ủng hộ công nghệ giáo dục bị chửi bới không thương tiếc.
Từ một clip ngụy tạo ban đầu, hiện nay trên mạng đã có hàng trăm clip “ăn theo”, có nhiều clip diễn tả cả những việc như xé sách giáo khoa, đốt sách, cho con nghỉ học, thậm chí đòi “đốt sách chôn nho”.
Bất kỳ ngành nghề nào cũng cần đến việc cải cách, đổi mới để phát triển, để tiến bộ, thì hà cớ gì giáo dục lại không được, hoặc bị từ chối?
Bản thân sách công nghệ giáo dục ngày hôm nay cũng là kết quả từ thực nghiệm cả 40 năm liên tục. Từ năm học 2014-2015 đã có 37 tỉnh thành áp dụng, còn hiện nay là 49 tỉnh thành, dạy cho khoảng 800.000 học sinh. Nghĩa là công nghệ giáo dục đã ở cái tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” - bốn mươi hết thay đổi - chẳng còn mới mẻ, bất ngờ nữa.
Đáng lý nhiều người phải thấy mừng khi thấy giáo dục đang có nỗ lực để cải cách, để thoát khỏi lạc hậu, nhằm trở nên đa dạng, nhiều chọn lựa hơn theo chủ trương“một chương trình, nhiều sách giáo khoa”.
Thế nhưng vì sao lại có phản ứng tiêu cực như vậy? Chắc đầu tiên đến từ thực tế việc cải cách giáo dục còn rườm rà, tốn kém trong nhiều năm qua. Nhiều người có tâm lý thà lạc hậu chút xíu mà ổn định, dễ nhận biết, dễ áp dụng, còn hơn cải cách rối rắm, lúc này lúc kia, khó nắm bắt.
Các thế hệ học sinh THPT từng được áp dụng chương trình phân ban là một ví dụ về cải cách gây rối rắm, lãng phí. Chính nhiều cải cách thất bại như vậy khiến một bộ phận phụ huynh có suy nghĩ rằng cải cách là để bán sách mới mà thôi, chứ chẳng có tác dụng gì!?? Thật ra, chỉ có đi theo lối cũ thì mới an toàn, còn cải cách, đổi mới thì chắc chắn sẽ khó tránh sai sót, thất bại. Chắc cũng có không ít những cải cách, đổi mới đã thành công trong giáo dục, nhưng do những thất bại còn nhiều, khiến người dân dễ lo lắng, phản ứng.
Trên mạng có quá nhiều ý kiến đánh đồng sách công nghệ giáo dục (vốn dạy cách đánh vần) với việc muốn cải cách chữ quốc ngữ (thay đổi cả cách đọc và viết) của ông Bùi Hiền. Điều này có thể do vội vàng mà hiểu nhầm, nhưng cũng có thể do cố tình “đánh lận con đen” để tiện bề lên án, chửi bới một thể. Kiểu như "ném đá" ông Bùi Hiền được thì cũng "ném đá" ông Hồ Ngọc Đại được, dù phương pháp khoa học và thực nghiệm của hai người là hoàn toàn khác nhau.
Với hơn 23 triệu học sinh, nếu có được phương pháp giáo dục hiệu quả, tiên tiến thì sao? Thì chắc chắn tương lai Việt Nam sẽ có được nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng không chỉ trong nước, mà còn quốc tế. Rõ ràng phương thức giáo dục sẵn có chưa đáp ứng hữu hiệu cho điều này, nên việc cải cách, đổi mới là bức thiết.
Tuy phụ huynh nghi ngờ và lo lắng, nhưng họ chỉ cần các ví dụ thuyết phục thì sẽ có niềm tin. Còn nhớ mấy năm trước, khi GS Ngô Bảo Châu và vài nhà khoa học hàng đầu Việt Nam cho biết họ đã học tại Trường Thực nghiệm (Giảng Võ, Hà Nội), sau đó cổng trường bị phụ huynh xổ ngã để tranh mua hồ sơ nhập học. Hành động này là xấu, nhưng sâu xa lại xuất phát từ mong muốn học sinh được học trường tốt để có tương lai, phụ huynh vốn dễ có niềm tin vào thần tượng.
Trường này cũng là nơi ông Hồ Ngọc Đại áp dụng phương pháp đánh vần từ mấy chục năm trước. Chỉ cần một thống kê khả tín cho thấy công nghệ giáo dục đào tạo được nhiều người tài giỏi, thì chắc chắn người dân sẽ theo, lúc ấy mùa khai trường sẽ không còn vị đắng.
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất