21/03/2014 09:39 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Quyền Chủ tịch Lê Hùng Dũng dường như chắc chắn sẽ là ông chủ mới của VFF sau Đại hội khóa VII (dự tính khai mạc ngày 25/3), trong khi đó, một trong 2 ứng viên là ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) và ông Lê Văn Thành (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty Động Lực) sẽ nắm ghế Phó Chủ tịch phụ trách tài chính.
Lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá Việt Nam sẽ được đặt dưới sự lèo lái của các doanh nhân, hay còn gọi là ông bầu bóng đá (theo cách này hoặc cách khác).
1. Chuyện những chiếc ghế trống (không chỉ ở một giải đấu bóng đá trẻ quốc gia như U19 được nêu trong thời gian qua) và cả những chiếc ghế bị dịch chuyển, hoặc đang lung lay, cần được “gia cố” hơn lúc nào hết vào thời điểm này..., sẽ còn gây nhiều tranh cãi. Nhưng câu trả lời cuối (dù có thể không thỏa đáng) sẽ chỉ được thông qua sau kỳ Đại hội VFF khóa VII tới đây.
Trong rất nhiều các trận đấu của ĐT Việt Nam hay U23 Việt Nam hoặc các sự kiện lớn liên quan đến nền bóng đá xứ sở, các ông bầu như bầu Hiển, bầu Thắng, bầu Đức và cả bầu Kiên…, luôn được sắp sẵn hàng ghế VIP ở khu vực khán A, vốn dành cho các chính khách, các cấp lãnh đạo…
Nhưng, vẻ như thời thế đang thay đổi, khi người trong cuộc đã âm thầm dịch chuyển những chiếc ghế này chếch sang một bên khán đài trung tâm, hoặc được khu biệt lại ở phía trên (theo nguồn tin của Thể thao & Văn hóa). Chuyện này không mất nhiều thời gian, kể từ sau khi cựu Chủ tịch VFF rời nhiệm sở và người ta đã biết đích xác ai sẽ thay ông.
Tại sân Mỹ Đình lúc này, các hàng ghế dành cho doanh nhân – ông bầu bóng đá (và gia đình), không phải là quan chức, nếu được mời tới tham dự các sự kiện – trận đấu quốc tế, sẽ không còn ở vị trí cũ nữa. Những người như bầu Hiển liệu có cảm thấy chạnh lòng? Có thể có hoặc không, nhưng ngay cả điều đó cũng chẳng quan trọng?!
Trong lúc đó, nội bộ các phòng ban VFF với những chiếc ghế vốn vững như bàn thạch ở nhiệm kỳ trước, thì hiện lại đang có biểu hiện lung lay, thậm chí có nguy cơ gãy, sau Đại hội khóa VII này. “Không biết có còn “trụ” lại được đến khi ấy không”, một lãnh đạo phòng vốn rất thạo việc chia sẻ.
Trong quá trình trẻ hóa lực lượng cán bộ chuyên trách, cũng như lãnh đạo các phòng ban, đồng thời phải chia sẻ với cả VPF (về nhân sự), VFF khóa VI đã thu hút được đáng kể nhân lực, tài lực và cả trí lực của người trẻ, để không mang tiếng là “tổ hưu trí”. Cụ thể rất nhiều những người đứng đầu các phòng ban hiện tại của VFF (trước Đại hội nhiệm kỳ VII) được đào tạo bài bản và đang đảm nhiệm khá tốt vai trò. Song, chưa có gì đảm bảo nó sẽ còn được tiếp tục ở khóa VII, khi lãnh đạo ở thượng tầng VFF là những con người “mới”, những doanh nhân, thậm chí là những người “ngoại đạo” nhưng có tiền và có tiếng nói.
2. Trở lại với chuyện của bầu Hiển, ông chủ tối thượng của hàng loạt các CLB. Từ việc Hà Nội.T&T cho là bị trọng tài ép trong trận thua V.Ninh Bình (vòng 3), cho đến việc giám sát và tổ trọng tài thả nổi thứ bóng đá bạo lực, để Hải Phòng “hành hạ” SHB.Đà Nẵng tại Lạch Tray, khiến HLV Lê Huỳnh Đức phải khóc thét xin thua để đảm bảo tính mạng cho cầu thủ.
Nhưng sự vụ chỉ lên đến đỉnh điểm khi Ban Kỷ luật ra quyết định phạt nguội với tiền đạo Mamic của SHB.Đà Nẵng. Xét những biểu hiện thời gian qua liên quan tới Hà Nội.T&T và SHB.Đà Nẵng thì có vẻ như các đội bóng của bầu Hiển không còn được ưu ái như trước.
Tại Hàng Đẫy ở trận đấu với V.Ninh Bình (thua 1-3), bầu Hiển đã lao thẳng xuống đường piste lên án tổ trọng tài làm nhiệm vụ đối xử bất công với đội bóng của ông. Còn ở đại bản doanh SHB.Đà Nẵng những ngày qua, bầu không khí đang sôi sục, khi đại diện đội bóng xứ Quảng-Đà quyết kiện đến cùng, để đòi lại công bằng cho Mamic và cho đội bóng.
“Trận đấu đã kết thúc từ đời tám hoánh và các án phạt cũng đã được đưa ra, nhưng để đến 2 tuần sau nghị án, rồi phạt mới chúng tôi là quá nguội. Không thể có điều vô lý ấy được”, ông Bùi Xuân Hòa, TGĐ Cty CP bóng đá SHB.Đà Nẵng, tỏ rõ sự bất phục với Ban Kỷ luật.
Từ những cuộc vận động hành lang cho kỳ Đại hội VFF khóa VII, đến những biểu hiện thái-độ-ứng-xử với một bộ phận các ông bầu từng được xem là “công thần” (hiểu theo nghĩa có công hoặc có thế lực), dường như bóng đá Việt Nam ở cấp độ CLB đang đứng trước một sự thay đổi rất lớn.
Phóng sự mà các đồng nghiệp của Bóng đá TV & Thể thao TV thực hiện tại VCK U19 QG 2014 đang diễn ra ở Pleiku, Gia Lai, với khu vực khán đài VIP không một bóng dáng quan chức VFF đã truyền đi rất nhiều thông điệp. Một trong những lý do được đưa ra là, do các bộ phận chức năng của VFF đang bận túi bụi cho Đại hội nhiệm kỳ VII, nên không còn thời gian để chăm sóc các giải bóng đá trẻ, với U19 QG là một cột mốc cực kỳ quan trọng?! Thay cho câu trả lời, hãy soi vào thời lượng tin bài, hình ảnh của U19 Việt Nam (thực tế nòng cốt là U19 Học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG) xuất hiện trên mặt báo và truyền hình trong thời gian qua sẽ rõ, dù đó chỉ là một chuyến tập huấn (chứ không phải thi đấu giải chính thức) dài ngày của một ĐT trẻ ở trời Âu. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất