30/11/2016 17:21 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Việc chiếc ấn cổ hình rồng được tìm thấy tại Nghi Lộc (Nghệ An) đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận trong 4 ngày qua. Tuy nhiên, khi PV báo điện tử Thể thao &Văn hóa (TTXVN) trao đổi và đề nghị đưa ra đánh giá, nhiều chuyên gia về ấn chương cổ Việt Nam vẫn tỏ ra khá dè dặt.
Tương tự, TS Phạm Quốc Quân (thành viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) cũng cho biết: Nếu được địa phương yêu cầu, ông và các nhà khoa học sẵn sàng trực tiếp tới nơi để khảo sát hiện vật.
"Nhìn qua ảnh, tôi cũng chỉ có thể đánh giá là chiếc ấn này có thể không thuộc hệ ấn chương Việt Nam" – ông nói. "Nhưng, tôi cũng hơi nghi ngờ là quá vội nếu kết luận rằng đây là chiếc ấn đời nhà Thanh, Trung Quốc".
Thực tế, theo các sử liệu Trung Quốc, triều đại Mãn Thanh( 1644 – 1912) kể từ giữa thế kỷ XVIII đã cho đúc và đưa vào sử dụng 25 chiếc ấn đặc biệt trong cung đình. Một trong 25 chiếc ấn quý này được sử dụng khi phong Thái Tử kế vị ngôi Hoàng Đế và có tên Đại Thanh Tự Thiên Tử Bảo, giống như dòng chữ khắc trên quả ấn được tìm thấy tại Nghệ An.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, sẽ rất vội vàng nếu từ sự trùng hợp về kí tự này mà đặt ra phỏng đoán chiếc ấn mới được tìm thấy có "họ hàng" thuộc hệ thống ấn cổ cùng tên của vương triều Mãn Thanh. Bởi lẽ, trên nguyên tắc, mọi loại ấn liên quan tới vua và triều đình đều có dòng lạc khoản ghi các thông tin về thời điểm và nơi chế tạo.Trong khi chiếc ấn cổ mới tìm thấy ở Nghệ An hoàn toàn không có dòng lạc khoản nào.
"Trong quá trình nghiên cứu, tôi cũng đã gặp rất nhiều "ấn giả" được làm khá vụng về và trôi nổi trên thị trường cổ vật" – TS Quân nói thêm. "Bởi vậy,chúng ta nên bình tĩnh, đừng loan truyền những thông tin thất thiệt và đợi tới kết luận cuối cùng".
Trước đó, chiều 26/11, một hộ dân tại Nghi Lâm (Nghi Lộc, Nghệ An) đã phát hiện được một hiện vật giống ấn tín, có 9 đầu rồng, nặng 1,6 kg, làm bằng kim loại màu đen. Trên ấn có khắc 2 dòng chữ Hán là "Cửu Long Kim Tỷ" (ấn tín chín rồng), và "Đại Thanh Tự Thiên Tử Bảo". Rất nhiều người dân hiếu kỳ đã kéo tới xem chiếc ấn này với mong muốn được... sờ vào ấn để lấy may.
Hiện tại, theo Luật Di sản Văn hóa, các cơ quan chức năng địa phương đã lập biên bản và tạm thời niêm phong,lưu giữ chiếc ấn này.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất