23/04/2018 12:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Chưa bao giờ ở nước ta chứng kiến sự thay đổi của môi trường sống nhanh đến chóng mặt như gần hai thập niên đầu của thế kỉ 21 đã qua. Tốc độ đô thị hóa, sự phát triển của mạng internet đã kéo theo hệ quả hình thành một số lượng thị dân đông đảo đến không ngờ.
Tầng lớp thị dân mới ấy đã tạo nên một thế hệ độc giả mới, nhu cầu tìm hiểu văn chương nghệ thuật của họ cũng cải biến. Và thơ, một thể loại lớn trong văn chương đang nằm ở bờ vực của những thách thức sống còn.
Có một điều dễ nhận ra đó là thơ Việt càng lúc càng nằm ngoài vùng quan tâm của độc giả khi thơ bước ra thị trường. Nhưng…
Những tập thơ làm “chao đảo” thị trường
…Thật lạ, khi khoảng 6 năm gần đây xuất hiện một dòng thơ mà ở đó thơ được người đọc săn đón một cách rầm rộ với số lượng phát hành hàng chục ngàn bản trong mặt bằng chung sách đa số chỉ in 1.000-2.000 bản.
Mốc quan trọng cho hiện tượng này chính là việc tập thơ mang tên Đi qua thương nhớ của nhà thơ 8X Nguyễn Phong Việt được xuất bản năm 2012. Đây là tập thơ đầu tay của anh. Khi tập thơ được in lần đầu với số lượng khiêm tốn 1.500 bản phút chốc đã hết hàng, sau 50 ngày 10.000 tập thơ này đã được bán sạch.
Từ đó đến nay, Đi qua thương nhớ không ngừng được tái bản, với số lần đã sắp tròn chục và tổng cộng số bản in hơn 80.000 bản. Đây là một con số nằm ngoài sức tưởng tượng của những cuốn sách văn chương nói chung và với thơ lại càng hiếm.
Nối tiếp tập thơ đầu tay này, mỗi năm Nguyễn Phong Việt đều đặn cho ra mắt một tập thơ riêng: Từ yêu đến thương (2013), Sinh ra để cô đơn (2014), Sống một cuộc đời bình thường (2015), Về đâu những vết thương (2016), Sao phải đau đến như vậy (2017). Mỗi tập thơ số lượng bản in cũng không nhỏ hơn 15.000 bản.
Sau Nguyễn Phong Việt là hiện tượng thơ Nồng Nàn Phố (tên thật là Phạm Thiên Ý) với tập thơ Anh ngủ thêm đi anh em phải dậy lấy chồng (2014). Tập thơ vừa phát hành đã lập tức gây một hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ. Thậm chí trên các trang báo chính thống cũng như mạng xã hộ chia ra hai “phe”: một kịch liệt phản đối tập thơ và một hết mực ủng hộ sự ra đời cũng như chất lượng thơ của Phạm Thiên Ý.
Giữa cuộc tranh cãi đó, Nồng Nàn Phố tiếp tục cho ra mắt tập thơ thứ 2 chỉ sau vài tháng với tựa đề Yêu lần nào cũng đau. Với tập thơ này, nữ tác giả 8X, bán hết 2.000 cuốn ngay trong đêm ra mắt.
Rồi nối tiếp hai gương mặt thơ trên là những tác giả như Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lu, Du Phong, Nguyễn Thiên Ngân, Trần Việt Anh, Thúy Nhân… Riêng Du Phong, anh xuất hiện khoảng 5 năm nay nhưng đã in riêng 5 tập sách và in chung 2 tập. Chưa bao giờ sách anh in dưới 15.000 bản, thậm chí như tập Tự yêu đã vượt 40.000 bản đến thời điểm hiện tại.
Hiện nay hầu hết các nhà sách dường như không có mấy cuốn thơ được trưng trên kệ, thậm chí có nhà sách chuyên văn học nhưng không bán cuốn thơ nào. Việc in thơ và bán ra thị trường tương tự tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn luôn bị coi là một sự lạ trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây. Nếu có thì đó là những tác giả, tác phẩm đã vào hàng kinh điển như Truyện Kiều của Nguyễn Du hay các tác giả Thơ Mới… Nên việc những tác giả nêu trên với số lượng tiêu thụ lớn là điều đáng ngạc nhiên.
Hiệu ứng từ mạng xã hội
Không chỉ dừng lại ở việc sách bán chạy ngoài thị trường, các tác giả trên còn được nhắc đến trong môi trường học thuật chuyên nghiệp, các hội thảo văn chương hàng đầu trên cả nước.
Có thể thấy các tác giả này đều có một điểm chung đó là những tác giả 8X, 9X sinh ra và lớn lên dưới tác động trực tiếp của internet, thế giới mạng với những trang blog như 360 hay Yume, blogspot một thời đã kết nối họ với bạn đọc của mình một cách nhanh chóng.
Internet với các blog đã tạo ra một dòng văn học mới gọi là văn học mạng. Ở Việt Nam, dòng văn học này xếp vào loại phi chính thống. Nhưng thực tế cho thấy, vẫn có rất nhiều tác giả mà đặc biệt là những tác giả thơ đã kể trên cùng với những tác giả văn xuôi ăn khách khác như Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao… đã đưa tác phẩm của mình từ trang mạng đến sách giấy. Hiện tượng này được tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu gọi là “mối quan hệ cộng sinh thay vì đối lập”.
Nhưng đáng kể nhất phải nói đến sự có mặt và ăn sâu của mạng Facebook đối với đời sống người Việt. Đây là trang mạng xã hội có tính tương tác cao nhất hiện nay trên toàn thế giới, chỉ riêng Việt Nam đến tháng 7/2017 đã có 64 triệu người dùng Facebook. Theo các chuyên gia thì Facebook tồn tại ở Việt Nam khá lâu nhưng nó thật sự sôi động và đi vào đời sống khoảng từ giữa năm 2012. Đây cũng là năm mà tập Đi qua thương nhớ của Phong Việt ra đời.
Facebook thật sự là một cơ hội và là một môi trường thích hợp và thuận tiện để những tác giả trên tương tác, đối thoại và hiểu độc giả của mình. Nơi đây họ có thừa những phép thử để biết tác phẩm của mình được đón nhận đến mức độ nào trước khi chuyển những tác phẩm ấy sang dạng sách giấy và phát hành trên thị trường.
Và khi đã ra sách giấy thì chính Facebook cũng là một kênh phát hành sách quan trọng của những tác giả này. Như nhà thơ Nguyễn Phong Việt, với Đi qua thương nhớ anh đã bán được 5.000 bản; với tác giả Du Phong thì con số cũng đạt từ 3.000 đến 5.000 bản mỗi tập thơ qua riêng Facebook.
Như vậy có thể thấy, mạng xã hội phát triển, khả năng kết nối nhanh chóng giữa người viết và độc giả, sự thấu hiểu thị hiếu thẩm mỹ và nhu cầu chia sẻ trực tuyến là điều kiện góp phần giúp cho các tác giả thơ trên trở thành best-seller trong ngành sách hiện nay.
Việc xuất hiện những tác giả như Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Thiên Ngân, Lu, Du Phong, Nồng Nàn Phố… ở đây tạm gọi là những tác giả thơ được giới trẻ yêu thích hay tác giả có tập thơ bán chạy.Họ tồn tại được trong lòng độc giả hẳn đầu tiên là bởi những trang viết của họ đáp ứng được nhu cầu tâm tư của bạn đọc trẻ hôm nay. Họ nói tiếng nói chung của số đông đang cần kết nối và sẻ chia.
Kỳ 2: Đặc trưng của dòng thơ bán chạy
Văn Đồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất