Đừng lãng phí tiềm năng bảo vật

27/12/2018 06:46 GMT+7

(lienminhbng.org) - Vài ngày trước, Thủ tướng Chính phủ vừa kí văn bản về việc công nhận bảo vật quốc gia đợt VII (2018). Theo đó, với 22 hiện vật và nhóm hiện vật vừa được vinh danh, Việt Nam đã có tổng cộng 164 bảo vật quốc gia trên toàn quốc.

Công nhận thêm 22 bảo vật quốc gia và 11 di tích quốc gia đặc biệt

Công nhận thêm 22 bảo vật quốc gia và 11 di tích quốc gia đặc biệt

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 7, năm 2018) cho 22 hiện vật, nhóm hiện vật, đồng thời quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 9) đối với 11 di tích.

Việc vinh danh bảo vật quốc gia được bắt đầu từ năm 2012. Cộng thêm quá trình chuẩn bị được tiến hành từ khoảng 2009, khi cụm từ này được nhắc tới trong Luật Di sản Văn hóa sửa đổi, chúng ta đã có gần 10 năm để làm quen với cụm từ “bảo vật quốc gia” - khái niệm về những hiện vật là tinh hoa của văn hóa Việt, có giá trị tiêu biểu, độc bản và vô cùng quý hiếm.

Nhưng, việc phát huy giá trị của bảo vật - mà cụ thể nhất là đưa chúng đến với công chúng - lại là một câu chuyện khác.

Trong những cuộc tọa đàm, rất nhiều chuyên gia đã nhắc tới một thực tế: đa phần, sau khi được công nhận, các bảo vật quốc gia đều xuất hiện một cách rất hãn hữu trong đời sống. Đó là điều dễ hiểu, khi mà hầu hết các bảo vật này đều gắn với hệ thống bảo tàng nhà nước – vốn dĩ hoạt động một cách khá dè dặt.

Chú thích ảnh
Tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Mễ Sở (Hưng Yên) là một trong 22 bảo vật quốc gia mới. Ảnh: Minh Khôi/ Báo Giác Ngộ

Chưa kể, với giá trị đặc thù của mình, các bảo vật quốc gia lại đòi hỏi những yêu cầu rất cao về công tác bảo quản, gìn giữ cũng như đảm bảo an ninh – điều vốn là khó khăn của nhiều bảo tàng địa phương. Chẳng hạn, trên lý thuyết, những bảo vật bằng vàng lâu năm cần được bảo quản với những tủ trưng bày được thiết kế bằng kính bảo vệ đặc biệt, kèm theo đó là hệ thống đèn chiếu sáng riêng để vừa đảm bảo thẩm mỹ, vừa có nhiệt độ không quá cao và gây ảnh hưởng tới bảo vật.

Do vậy, nhiều phân tích từng chỉ rõ: ở nhiều địa phương, việc có bảo vật quốc gia chủ yếu chỉ mang giá trị về mặt xác định quyền sở hữu. Để rồi, sau khi được vinh danh, nhiều bảo vật vẫn tiếp tục được bảo quản, gìn giữ theo cách rất… “phổ thông”.

Thậm chí, vào năm 2017, dư luận từng tỏ ra khá lo lắng, khi 2 trong 3 khẩu thần công thời Nguyễn tại Bảo tàng Hà Tĩnh (được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2013) phải xếp ngoài hành lang bảo tàng vì không có nơi trưng bày, bảo quản.

Và, ở ngay các bảo tàng lớn của Việt Nam, điều kiện trưng bày các bảo vật cũng không phải là quá lý tưởng. Như chia sẻ của TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên hội đồng Di sản quốc gia, bức tượng thần Tara của Bảo tàng Chăm, Đà Nẵng từng được quốc tế đánh giá rất cao tới mức sẵn sàng mua bảo hiểm với mức giá 5 triệu USD để đưa ra trưng bày tại nước ngoài. Nhưng, do điều kiện an ninh chưa đảm bảo, nhiều thời điểm, phiên bản được bày tại Bảo tàng Chăm chỉ là bản phục dựng được Australia hỗ trợ chế tác chứ không phải phiên bản gốc.

***

Tất cả những câu chuyện ấy đều không thể giải quyết trong một sớm một chiều – khi mà điều kiện về kinh tế, kĩ thuật và cả kinh nghiệm trưng bày của chúng ta vẫn còn hạn chế. Thế nhưng, rõ ràng vẫn là đáng tiếc – khi mà công chúng chưa có điều kiện để chiêm ngưỡng và thụ hưởng các giá trị về văn hóa, lịch sử hay giáo dục từ những bảo vật này.

Nhiều giải pháp “ngắn hạn” đã từng được nhắc đến trong những cuộc tọa đàm về vấn đề này. Chẳng hạn, đó là việc hợp tác trưng bày bảo vật quốc gia giữa các bảo tàng từ trung ương tới địa phương – để khi có cơ hội, những bảo vật từ các địa phương sẽ được mang tới trưng bày ở những nơi có điều kiện tương đối tốt.

Hoặc, dù chưa có điều kiện trưng bày trực tiếp, việc “định vị” giá trị của các bảo vật quốc gia vẫn có thể triển khai những bước đầu tiên. Như lời TS Phạm Quốc Quân, các bảo tàng lớn trên thế giới vẫn thường dành cho hiện vật giá trị nhất của mình một vị trí quan trọng tại bảo tàng, và đính kèm mảnh giấy giới thiệu lý do “vắng mặt” của hiện vật này nếu không trưng bày. Rồi, riêng hệ thống “nhãn” và giá đỡ của các bảo vật quốc gia cũng cần được thiết kế đồng bộ trên toàn quốc, với những dấu hiệu riêng để nhận diện.

Nhưng, vượt trên tất cả các giải pháp ấy, câu chuyện cuối cùng vẫn sẽ nằm ở tư duy của chính chúng ta, trong cách tiếp cận với bảo vật – và rộng hơn, là với cách tổ chức một bảo tàng. Bởi, đó phải được nhìn nhận là những thiết chế gắn với việc phục vụ cộng đồng và thu hút nguồn lực xã hội hóa để phục vụ cộng đồng.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm